Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Ứng xử với di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu

Thứ Sáu 02/12/2022 | 21:41 GMT+7

VHO- Chiều ngày 2.12 tại Hà Nội, Viện Phát triển Văn hoá Dân tộc đã tổ chức chương trình diễn đàn "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt". Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 6 năm di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ông Trần Văn Nam, Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc phát biểu tại diễn đàn

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt  đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016.  UNESCO đánh giá di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo, tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Văn Nam, Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc cho biết: "Diễn đàn được tổ chức nhằm xác định vai trò quan trọng của di sản văn hóa Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt sau khi được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và triển khai thực hiện những cam kết mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký với UNESCO về chương trình và hành động bảo vệ phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt sau khi được vinh danh”.

Đối với các đối tượng được quản lý, diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trong quá trình thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ngoài ra, Diễn đàn còn nhằm mục đích đưa ra được các giải pháp tối ưu nhất để ứng dụng trong thực tiễn. Thông qua các hình thức  kết hợp giữa đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và các thế hệ chủ thể văn hóa để góp phần củng cố, định hướng và nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị của di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, từ đó đa dạng hóa các biện pháp khẳng định và tôn vinh giá trị của di sản.

Đề dẫn Diễn đàn với góc nhìn “Ứng xử với Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu, một số vấn đề đặt ra hiện nay”, GS.TS. Bùi Quang Thanh, Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc nhấn mạnh, Tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống trường tồn, bền vững, có sức hút và đi sâu vào đời sống văn hoá, tinh thần của người Việt. Tính cộng đồng trong Nghi lễ Chầu văn được thể hiện một cách bền chặt, đó là yếu tố quyết định trong việc duy trì, phát triển. Chính vì thế, sinh hoạt của tín ngưỡng thờ Mẫu đã giúp liên kết mọi người, thậm chí vượt ra khỏi giới hạn của tư tưởng định kiến tôn giáo hoặc sự cục bộ địa phương để cùng hướng về một đối tượng thiêng, đồng thời phát khởi mối thiện tâm trong mỗi con người trong các mối quan hệ xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã góp một phần vào việc giáo dục và hướng con người đến với Chân - Thiện - Mỹ. Qua đó, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ con cháu và mọi người dân.

Các đại biểu chủ trì Diễn đàn

“Do những yếu tố chủ quan và khách quan tác động, trên tiến trình hiện tồn và phát triểu, quá trình thực hành di sản văn hóa độc đáo này đã và đang có xu hướng biến đổi một cách sâu rộng, một mặt mang lại những sinh hoạt văn hóa sinh động, chứa đựng nhiều giá trị, bảo vệ được bản sắc truyền thống của di sản; mặt khác, cũng đã và đang mang lại không ít tác động tiêu dễ cực, có khả năng làm biến dạng di sản, đánh mất những giá trị nhân văn vốn được tạo xây từ quá khứ và được UNESCO đánh giá cao. Thực tế này cũng đã và đang đặt ra cho chính quyền các cấp, đội ngũ quản lý văn hóa và cộng đồng dân chúng những thách thức mới, cần được quan tâm nhận thức và ứng xử với sự hiện tồn của di sản để có những giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản trong điều kiện phát triển xã hội đương đại…”, GS.TS Bùi Quang Thanh nêu.

Cụ thể, hoạt động thực hành nghệ thuật hát văn – hầu đồng đã và đang diễn ra tràn lan, với những biểu hiện tự do, tùy theo nhu cầu của một cá nhân hay nhóm người nhất định. Không ít bài hát văn vốn phù hợp với từng giá đồng trong truyền thống đã bị thay lời, thay giai điệu. Không ít các vấn hầu đã bị biến tướng về trang phục, điệu bộ, động tác diễn xướng, làm biến thái giá trị vốn có của di sản do thế hệ tiền nhân trao truyền lại, gây ra những hình ảnh, hành vi phản cảm, ức chế đối với người tham dự, dẫn đến có nguy cơ làm biến dạng các giá trị tiềm ẩn trong quá trình thực hành di sản. Cộng đồng dân chúng và một số đồng thầy, bản hội chân chính đã lên tiếng đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng những quy chế cần thiết, bảo đảm mục tiêu bảo vệ sự toàn vẹn của di sản, tạo cơ sở khoa học và pháp lý để hạn chế sự sự bùng phát của những hạn chế và tiêu cực.

Trao giấy khen cho các đồng thầy, thanh đồng và các thành viên quản lý trực tiếp tại các di tích có di sản tại các địa phương

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, các đồng thầy, thanh đồng và đội ngũ thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt từ nhiều địa phương đã trình bày các tham luận về các thực trạng, vai trò quan trọng của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Đồng thời, đưa ra những giải pháp về bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Diễn đàn đã góp phần làm sáng rõ thêm vai trò của các cá nhân và cộng đồng trong hoạt động đóng góp công sức, trí tuệ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; nghiên cứu đánh giá cơ chế, chính sách quản lý di sản cũng như thực trạng thực hành tín ngưỡng nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, thương mại hóa di sản văn hóa và xử lý các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản gây tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng nói chung, trong điều kiện phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay.

HÀ PHƯƠNG

Print
Tags: Di sản

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top