Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bộ VHTTDL chủ động phối hợp tổ chức các chương trình nhằm phát huy giá trị văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam

Thứ Sáu 02/12/2022 | 22:04 GMT+7

VHO- Tối 2.12 tại Quảng trường Hùng Vương (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), Lễ khai mạc Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV đã chính thức diễn ra. Những sắc màu văn hoá độc đáo, giá trị truyền thống được đồng bào các dân tộc Tây Bắc dày công vun đắp, gìn giữ qua nhiều thế hệ đã được thể hiện tại sân khấu lớn của Ngày hội.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tặng hoa, cờ lưu nhiệm cho đại diện các tỉnh có đoàn tham dự Ngày hội

Dự lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng BCĐ Ngày hội Trịnh Thị Thuỷ; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương; đại diện ban, bộ, ngành Trung ương…

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ khai mạc

Về phía tỉnh Phú Thọ có Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Minh Châu; Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang, lãnh đạo các đơn vị của tỉnh và lãnh đạo các tỉnh/đơn vị có đoàn tham dự Ngày hội…

Bồi đắp những giá trị văn hoá cao quý

Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, để thiết thực triển khai các nhiệm vụ nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10.2.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và các ban, bộ ngành Trung ương, UBND các tỉnh/thành phố vùng Tây Bắc long trọng tổ chức Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 tại vùng đất Tổ của dân tộc Việt Nam.

"Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với Ban Thường vụ các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, HĐND, UBND các tỉnh/thành phố triển khai nhiều hoạt động, chương trình với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

(Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung, các tỉnh Tây Bắc nói riêng là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái,quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây cũng là vùng đất lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, vùng Tây Bắc đã có nhiều đóng góp to lớn, góp phần quan trọng làm nên những chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nhiều tên người, tên núi, tên sông đã đi vào thi ca, nhạc, họa như một huyền thoại. Tây Bắc đồng thời là vùng đất có nhiều cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp, non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình. Con người cần cù, thân thiện, mến khách. Chính ở đây là nơi sinh sống của đồng bào các DTTS Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Nùng và các dân tộc khác với bản sắc đặc trưng văn hoá của mình được thể hiện qua các phong tục, tập quán, nghi thức, dân ca, dân vũ, các lễ hội truyền thống.

Bộ trưởng khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm vấn đề văn hoá, xác định văn hóa chính là hồn cốt của một dân tộc; là những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong tổng thể 54 dân tộc anh em được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển. Nhận thức sâu sắc nội dung này, những năm qua Bộ VHTTDL đã chủ động phối hợp với Ban Thường vụ các Tỉnh uỷ, Thành uỷ, HĐND, UBND các tỉnh/thành phố triển khai nhiều hoạt động, chương trình với mong muốn bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu chỉ đạo

Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV năm 2022 diễn ra từ ngày mùng 2 – 4.12 với nhiều hoạt động thiết thực, phong phú, đa dạng. Ở mỗi lần tổ chức, Ngày hội đều diễn ra chuyên nghiệp, thể hiện rõ nét hơn sắc thái của cộng đồng các dân tộc. Đến với Ngày hội, nhân dân, du khách thập phương được hòa mình vào không gian đậm chất văn hóa miền Tây Bắc, nơi có làn điệu dân ca hát Xoan, nghệ thuật Xòe Thái, nghệ thuật hát Then đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; nơi có thiên tình sử Xống chụ xon xao - Tiễn dặn người yêu ngợi ca tình yêu đôi lứa của dân tộc Thái. Đó còn là khát vọng tình yêu cuộc sống thể hiện qua từng bước đi, điệu nhảy của múa Xòe Thái, múa Khèn Mông, múa Ong eo, Tăng bu của dân tộc Khơ Mú, múa Trống đu của dân tộc Mường… Tất cả hòa quyện cùng âm thanh say đắm lòng người của các nhạc cụ như tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn tính, lời Then. 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ và các đại biểu tham dự Ngày hội

“Nhân dân đồng thời được tham gia trải nghiệm không gian trình diễn trang phục truyền thống, nghi thức lễ hội, các trò chơi dân gian truyền thống như bắn nỏ, tù lu, tung còn, kéo co, đẩy gậy do các nghệ nhân, diễn viên, chủ thể văn hóa của vùng đất Tây Bắc thể hiện. Đây cũng là dịp tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc tới người dân, du khách quốc tế; góp phần lan toả những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong quá trình phát triển, hội nhập, tiếp biến văn hoá, văn minh nhân loại; gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Bảo vệ, trao truyền di sản là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân tộc

Phát biểu chỉ đạo tại Ngày hội, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc là di sản quý giá, được lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử; góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng mà thống nhất của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị. Trong đó, đồng bào dân tộc là chủ thể sáng tạo giữ vai trò quan trọng. Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu nêu rõ vai trò của văn hoá: “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hoá còn thì dân tộc còn”.

Đông đảo đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc tham dự Ngày hội

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam biểu dương nỗ lực của Bộ VHTTDL trong thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển VHTTDL; tổ chức nhiều sự kiện có ý nghĩa sâu sắc, lan toả nội dung của Hội nghị Văn hoá toàn quốc đến đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó có Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV. Ngày hội là dịp để đồng bào trình diễn, giao lưu các tiết mục văn hoá, văn nghệ độc đáo của dân tộc mình; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, gìn giữ và bảo tồn và phát các giá trị văn hoá tốt đẹp các dân tộc trong vùng Tây Bắc. Tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng hò reo tại các cuộc kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy… sẽ tạo nên Ngày hội vui tươi, thấm đậm tình đất, tình người Tây Bắc.

Nhân dịp này, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc thực hiện tốt việc tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc gắn chặt với triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu trong bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị, nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại lễ khai mạc

Ông Chiến một lần nữa khẳng định, giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nói chung, dân tộc vùng Tây Bắc nói riêng phải xuất phát từ yếu tố tự thân, mình giữ cho mình. Vì vậy, đồng bào phải cùng nhau thực hiện tốt phương châm người đi trước truyền lại cho người đi sau. Ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu. Cộng đồng học hỏi lẫn nhau với nhiều cách làm sáng tạo, bền bỉ thì mới giữ gìn và phát huy được nét văn hóa của dân tộc.

Cùng với sự nỗ lực của đồng bào, ông Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội bằng các việc làm cụ thể hỗ trợ đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc và cả dân tộc Việt Nam. Phát huy tài nguyên văn hoá để phát triển du lịch, vừa nâng cao đời sống tinh thần, vừa là cơ hội tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Như vậy mới đảm bảo tính căn cơ, lâu bền, thực hiện được chủ trương văn hoá phát triển ngang bằng với kinh tế và các lĩnh vực khác.

Cầu vồng trên Đất Tổ

Ngay sau phần lễ, chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề Cầu vồng trên đất Tổ đã đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc khi lần lượt những di sản văn hoá, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc được tái hiện trên sân khấu lớn, đầy màu sắc của Ngày hội. Từ màu vàng của mùa lúa chín ruộng bậc thang đến màu của hoa lê, hoa mận mùa xuân Tây Bắc. Đó còn là màu hồng, lam, chàm, tím nơi thắt lưng cong của những cô gái Mông, Tày, Dao Thái… 

Trong quan niệm của nhiều nền văn hoá trên thế giới, đặc biệt là văn minh lúa nước, cầu vồng xuất hiện luôn mang tới điềm lành cho nhân gian. Đặc biệt, không còn gì đẹp hơn khi cầu vồng bay trên nơi núi rừng bao la, hùng vĩ của đất Tổ. Tại Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV, cầu vồng ấy được “thêu dệt” bởi những sắc màu văn hoá của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc hội tụ về thành phố Ngã ba sông. Đây cũng chính là sự biểu đạt cho sự hình thành và phát triển bền vững của đất nước.

Được đầu tư công phu, chương trình nghệ thuật Cầu vồng trên đất Tổ không chỉ mở ra không gian đầy màu sắc mà còn là câu chuyện kể sinh động về cuộc sống đồng bào các dân tộc Tây Bắc ở nhiều địa phương trên cả nước. Với các tiết mục Đất Tổ tôi về, hợp xướng Mở hội Tây Bắc, Vì em là Điện Biên, hát xoan Mó Cá… những thanh âm vang vọng nhưng không kém phần ngọt ngào đã giúp các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên thể hiện sự tự hào về những nét đặc trưng trong văn hoá của dân tộc mình.

Cũng trong ngày 2.12 đã diễn ra các hoạt động chung trong khuôn khổ Ngày hội VHTTDL các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong đồng bào DTTS, nhân dân và du khách

Chuơng trình có sự tham dự của hơn 300 diễn viên, ca sĩ, nghệ nhân. Trên vùng đất linh thiêng nguồn cội của dân tộc Việt Nam, đồng bào cùng về đây mở hội, chiêm ngưỡng sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc trong không gian, thời gian của các màn sử thi huyền thoại, lễ hội dân gian đặc sắc. Sự linh thiêng huyền sử nơi đất Tổ, màu của thiên nhiên giao hòa với con người… tất cả cùng hội tụ trong chương trình nghệ thuật đặc sắc với tên gọi Cầu vồng đất Tổ.

ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top