Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Để doanh nghiệp thực sự là trái tim của nền kinh tế đất nước

Thứ Bảy 03/12/2022 | 12:29 GMT+7

VHO- Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Chúng ta mong muốn làm tất cả những gì có thể nhất để đồng hành với doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực sự là trái tim của nền kinh tế đất nước, là lực lượng tiên phong xây dựng và phát triển Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng, như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn quốc gia “Văn hóa với Doanh nghiệp” năm 2022 với chủ đề “Chấn hưng Văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” đã diễn ra sáng 3.12 tại Hà Nội. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư chúc mừng đến Diễn đàn.

Dự diễn đàn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng. Cùng tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ; Phó Chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương; Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng BTC triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” Hồ Anh Tuấn cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành; các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp tiêu biểu trong triển khai Bộ Tiêu chí Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam.

Phát huy nhân tố văn hóa trong phát triển kinh tế

Diễn đàn do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Bộ Công Thương, BTC triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022 được tổ chức nhằm triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; khẳng định vai trò, tầm quan trọng của văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trong phát triển kinh tế đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là đòn bẩy và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế. 
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thiết thực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về phát triển văn hoá, nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hoá Việt Nam theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chủ động, tích cực phối hợp với các Ban, Bộ, ngành Trung ương và các địa phương để tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện có ý nghĩa quan trọng.
Bộ trưởng cho biết, từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, nhìn từ góc độ thể chế chính sách, ngành VHTTDL tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Chỉ trong 4 kỳ họp, Quốc hội đã thông qua hai bộ Luật quan trọng là Luật Điện ảnh và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. 
Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Sắp tới, ban hành Chiến lược phát triển Công nghiệp văn hóa đến năm 2030. Cùng với thể chế, chúng ta đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao tiêu biểu, điển hình là SEA Games 31 đã thành công trên nhiều phương diện, tạo hiệu ứng lan tỏa, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề “Chấn hưng văn hoá - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” nhằm phát huy nhân tố văn hóa trong phát triển kinh tế, tạo những bước phát triển mới, bền vững

Nhiều sự kiện văn hóa được tổ chức sôi nổi, rộng khắp như: Liên hoan Tiếng hát công nhân toàn quốc, Liên hoan đờn ca tài tử, Liên hoan Chèo, Cải lương, Ngày hội Văn hóa vùng Tây Bắc, Tây Nguyên… “Những sự kiện này không chỉ đơn thuần là hoạt động văn hóa mà còn góp phần tôn tạo, phát huy, giữ gìn những di sản văn hóa quý báu của dân tộc được thế giới vinh danh”, Bộ trưởng khẳng định.
Trong hoạt động chiều sâu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, Bộ VHTTDL xác định chủ đề năm công tác 2022 là Năm Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ. Chính nhờ những hoạt động này, nhìn một cách tổng thể, văn hóa đã có bước phát triển mới. Bộ VHTTDL đã đồng hành cùng các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện có chiều sâu, hiệu quả cao hơn việc công nhận, xem xét, biểu dương các doanh nghiệp đạt chuẩn về văn hóa, gắn với đó là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân.
 “Nối tiếp thành công của Diễn đàn năm 2021, Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề “Chấn hưng văn hoá - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” nhằm phát huy nhân tố văn hóa trong phát triển kinh tế, tạo ra những bước phát triển mới, bền vững”, Bộ trưởng khẳng định.
 “Sức mạnh mềm” cho mỗi doanh nghiệp
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cộng đồng doanh nghiệp được xem như “trái tim của nền kinh tế”, đóng góp hết sức quan trọng vào những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đặc biệt, để thực hiện khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân càng cần được đề cao và coi trọng. “Trong sự phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các doanh nghiệp nói riêng, yếu tố con người chính là “trái tim, khối óc” của doanh nghiệp, văn hóa là nhân tố nền tảng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2022 

Nhằm phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết số 33-NQ/TW đã xác định nhiệm vụ: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế”. 
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ “xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, văn hóa kinh doanh” trong công cuộc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.  
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021,  mục tiêu: “Xây dựng văn hóa kinh doanh thành hệ điều tiết phát triển kinh tế - xã hội” tiếp tục được đặt ra trong bối cảnh đất nước vừa trải qua những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Nhận thức một cách sâu sắc các quan điểm đường lối của Đảng, theo Bộ trưởng, hơn lúc nào hết, chúng ta càng thấy trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Bởi lẽ, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được các thành viên chia sẻ và tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, văn hoá doanh nghiệp được cụ thể hóa trong sứ mệnh, tầm nhìn, những giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Có thể nói, chính chiều sâu văn hóa giúp các doanh nghiệp không đơn thuần chạy theo lợi nhuận, làm giàu bằng mọi giá, mà còn biết tuân thủ đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ môi trường...   ”Các giá trị văn hóa giúp doanh nghiệp có nền tảng vững chắc để xác định đúng triết lý kinh doanh, sứ mệnh, tầm nhìn, các giá trị cốt lõi, nâng tầm trong các hoạt động quản lý, quản trị, điều hành, trong ứng xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, từ đó tạo dựng được sự tin cậy, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Đó chính là chìa khóa và sự bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững...”, lãnh đạo Bộ nêu.

Một số doanh nghiệp được trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2022 tại Diễn đàn

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, vai trò của văn hoá trong sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và trong nền kinh tế đất nước nói chung, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chủ động, phối hợp với Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Cộng đồng doanh nghiệp cũng đã nhiệt tình hưởng ứng việc thực hiện cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp. 
Đáng chú ý là, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép ban hành, triển khai rộng rãi Bộ Tiêu chí văn hoá kinh doanh Việt Nam với 5 nhóm tiêu chí, 40 chỉ số đánh giá đo lường, đây là công cụ hữu hiệu để bình xét các doanh nghiệp đạt chuẩn. Các doanh nghiệp đã nghiêm túc hoạt động theo bộ tiêu chí này để xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển. Nhiều doanh nghiệp không chỉ thực hành tốt các nhóm tiêu chí mà còn tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình hỗ trợ vì cộng đồng, đất nước, xây dựng mối quan hệ gắn bó với các tầng lớp trong xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Khái quát lại, chúng ta có thể thấy, những thành quả mà doanh nghiệp đóng góp cho đất nước của chúng ta rất to lớn, tự hào.
Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc như một sức mạnh mềm chiếm lĩnh thị trường sản phẩm, dịch vụ. 
Để cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trái tim của nền kinh tế
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đan xen đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hoá dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là điều cốt lõi. 
“Chính vì vậy, chúng ta cần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, qua đó nhằm góp phần kiến tạo chính sách, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cần phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới. Mỗi doanh nghiệp cần trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan toả “sức mạnh mềm” của văn hoá Việt Nam…”, Bộ trưởng chia sẻ.

Toàn cảnh Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hoá với Doanh nghiệp" năm 2022

Lãnh đạo Bộ cũng cho rằng, Diễn đàn năm nay là một diễn đàn mở để các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp có vốn đầu tư tại Việt Nam trao đổi, thảo luận, làm rõ nội dung, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công cuộc chấn hưng văn hóa để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh lành mạnh, từ đó đề xuất với Chính phủ, Bộ, ngành các kiến nghị về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng diễn ra Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2022. Đây là các doanh nghiệp đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ Tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, Hiệp hội tham gia xây dựng. Bên cạnh đó, BTC cũng biểu dương các doanh nghiệp đặc biệt tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam”. 
“Đây là hoạt động thiết thực, lan tỏa sâu rộng những ý nghĩa, thông điệp của cuộc vận động; nêu cao vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước; khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa được xác định như là “đòn bẩy” và trợ lực quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, hình thành đội ngũ ngày càng đông đảo các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, tiến tới tiệm cận với mặt bằng văn hóa kinh doanh thế giới, để đất nước ta hội nhập quốc tế thành công và ngày càng trở nên phồn vinh và hạnh phúc…”, Bộ trưởng tin tưởng.
Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng tin rằng, sau Diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhận thức toàn diện hơn về vai trò của chấn hưng văn hóa với phát triển kinh tế bền vững, văn hóa trong kinh tế, kinh tế trong văn hóa. Chúng ta mong muốn làm tất cả những gì có thể nhất để đồng hành với doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực sự là trái tim của nền kinh tế đất nước, là lực lượng tiên phong xây dựng và phát triển Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường và thịnh vượng như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top