Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

'Nữ sĩ Hồ Xuân Hương' - Danh nhân văn hoá và giá trị di sản

Thứ Bảy 03/12/2022 | 16:56 GMT+7

VHO- Ngày 3.12, tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ VHTTDL, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) - Danh nhân văn hoá và giá trị di sản. Hội thảo khoa học quốc tế là một hoạt động thiết thực, có ý nghĩa trong chuỗi các hoạt động vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, đồng thời nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam khi trình hồ sơ lên UNESCO để cùng tôn vinh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Danh nhân Hồ Xuân Hương.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội; PGS.TS Biện Minh Điền, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Vinh cùng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có ngài Christian Manhar, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; ngài Chăn-thạ-phon Khăm-mạ-ni-chăn, Phó đại sứ nước CHDCND Lào tại Việt Nam; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Hiện tượng văn học tài năng, ẩn chứa nhiều bí ẩn
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, trải qua hơn 200 năm xuất hiện trên văn đàn, Nữ sĩ Hồ Xuân Hương vẫn là một hiện tượng văn học tài năng nhưng ẩn chứa rất nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp. Phong cách với cá tính sáng tạo độc đáo của Hồ Xuân Hương chắc chắn sẽ còn là vấn đề hấp dẫn cho những công trình nghiên cứu trong tương lai. Với tấm lòng yêu mến Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, tâm huyết với việc tôn vinh và bảo vệ, phát huy di sản văn hóa gắn với nữ sĩ, hội thảo được kỳ vọng sẽ tổng hợp, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc về tầm vóc Nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong lịch sử văn học Việt Nam và thế giới, đồng thời có thêm nhiều phát hiện mới, có giá trị về cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân, cũng như đề xuất thêm nhiều ý tưởng, sáng kiến hay giúp tỉnh Nghệ An bảo tồn và phát huy di sản văn hóa về Nữ sĩ Hồ Xuân Hương trên quê hương bà.

Toàn cảnh hội thảo

Tại kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Ưuốc (UNESCO) đã thông qua Văn bản 211 EX/30.INF, Quyết định số 211 EX của Hội đồng Chấp hành và Nghị quyết số 41C/15 (Nghị quyết số 41C/52): UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772-1822) Nữ sĩ Hồ Xuân Hương của Việt Nam vào năm 2022 (với sự hỗ trợ của Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan). 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo

Nghị quyết 41C/15 của UNESCO đã xác định 7 điểm cốt lõi về Danh nhân Hồ Xuân Hương. Thứ nhất, Hồ Xuân Hương có tư tưởng nhân văn mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người - con người với tư cách là những thực thể tồn tại trên mặt đất với mọi nhu cầu, khát vọng sống trần thế. Thứ hai, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng văn hóa - thẩm mỹ đặc biệt với cả một hệ thống quan niệm độc đáo qua các tác phẩm thi ca. Thứ ba, Hồ Xuân Hương có đóng góp lớn cho nữ quyền, cho sự bình đẳng của phụ nữ. Thứ tư, Di sản của Hồ Xuân không chỉ là thơ ca, mà còn là hệ ứng xử - tinh thần - ý thức vì một sự tiến bộ tốt đẹp. Thứ năm, Hồ Xuân Hương không chỉ có đấu tranh, bảo vệ mà còn có ý thức cảnh báo, phê phán, chống lại, phủ định những gì ngăn cản sự tiến bộ của con người. Thứ sáu, Hồ Xuân Hương và di sản của bà có một sức sống mãnh liệt, có sức lan tỏa, truyền cảm hứng đến nhiều dân tộc, nhiều quốc gia. Thứ bảy, tác phẩm của Hồ Xuân Hương đã được giới nghiên cứu nhiều nước thừa nhận và dịch sang tiếng nước mình (đến năm 2021 đã là 12 thứ tiếng). Và rất có thể sau Hội thảo khoa học quốc tế và Lễ vinh danh Danh nhân Hồ Xuân Hương, số quốc gia dịch thơ bà sang tiếng nước mình sẽ tăng lên. Đó là niềm tự hào lớn của chúng ta.

Đại diện UNESCO tại Việt Nam, các nhà khoa học quốc tế tham dự Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, hội thảo này là dịp để công bố rộng rãi việc UNESCO vinh danh và tham gia kỷ niệm 250 năm năm sinh, 200 năm năm mất Danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương. Nhìn nhận, đánh giá lại lịch sử tiếp nhận Hồ Xuân Hương và giá trị khối di sản của bà ở cả trong và ngoài nước. Công bố một số sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu mới về con người, cuộc đời, sự nghiệp và trước tác của Danh nhân Hồ Xuân Hương. Từ đó, đề xuất những hướng nghiên cứu mới về những đóng góp, tầm vóc, vị thế của Hồ Xuân Hương và những ý tưởng, dự án về phát huy giá trị di sản của Danh nhân trong bối cảnh mới.
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa về Nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Trên 100 bài nghiên cứu được tập hợp trong kỷ yếu hội thảo, trong đó có trên 10 tham luận được trình bày tại hội thảo do các nhà khoa học, học giả, nghiên cứu trong nước và quốc tế đã thể hiện quan điểm, góc tiếp cận đa diện về “hiện tượng độc đáo” - danh nhân Hồ Xuân Hương. Từ đó cho thấy tầm vóc, quy mô, giá trị nghệ thuật của những tác phẩm thơ ca của “Bà Chúa thơ Nôm”; tư tưởng bình đẳng giới, giải phóng người phụ nữ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương mang tầm vóc nhân loại. Cho đến nay, tác phẩm của Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng trên thế giới.
Tại hội thảo, tham luận PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh – Trường Đại học KH,XH&NV, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là hiện tượng văn học nữ nổi bật nhất của văn học Việt Nam trung đại vốn hiếm hoi các gương mặt nữ. Với số lượng thơ còn lại nhiều nhất trong các nhà thơ nữ, giá trị nội dung và nghệ thuật vượt trội, bà là đối tượng nghiên cứu suốt thời gian qua với nhiều phương diện khác nhau như nữ quyền, tiếp thu vốn quý văn học dân gian, sử dụng nhuần nhuyễn chữ Nôm,... Và thơ của bà cũng chu du thế giới sánh ngang với các nhà thơ nữ phương Đông như Lý Thanh Chiếu (Trung Quốc), Hoàng Chân Y (Hàn Quốc),..

Bà Eva Antoshchenko Muckova - nhà thơ, dịch giả nước Cộng hòa Slovakia giới thiệu cuốn sách được dịch từ thơ Hồ Xuân Hương

Là người dịch thơ Hồ Xuân Hương ra tiếng Slovakia, bà Eva Antoshchenko Muckova - nhà thơ, dịch giả nước Cộng hòa Slovakia cho biết, trong những câu thơ của bà có âm điệu gợi tình, đầy châm biếm và mỉa mai; hay trong những bài thơ trữ tình, nữ thi sĩ đã để lại một kho tàng văn học cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX thăng hoa, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Còn theo bà Lady Borton, nhà văn, nhà nghiên cứu (Hoa Kỳ) khi đọc thơ của Hồ Xuân Hương nhận thấy phải người thầy dạy và phải có một nguồn lực thật dồi dào thì nữ thi sĩ mới làm nên những bài thơ mạnh mẽ và sâu sắc như vậy. “Những bài ca dao chính là nguồn nuôi dưỡng để người phụ nữ viết ra những vần thơ – đó là công việc rất nặng, rất vĩ đại. Những gì Hồ Xuân Hương nói ra, viết không chỉ của thời đại đó mà còn là của thời đại hiện đại, chính điều này đã làm nên giá trị thơ của Hồ Xuân Hương” - bà Lady Borton đưa ra nhận định.

Ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, ông Christian Manhar - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao chuỗi sự kiện mà Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức vinh danh Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Không chỉ có 193 quốc gia thành viên UNESCO mà một số nước Châu Á đã đồng ý tổ chức vinh danh Hồ Xuân Hương bởi chính bà là nhà hoạt động vì bình đẳng giới, nếu tính trong bối cảnh bà sinh ra có thể thấy tư tưởng, hành động của bà vượt thời đại bởi hiện nay UNESCO vẫn đang rất quan tâm, thực hiện những vấn đề bà đã đề cập tới từ những thế kỷ trước về nữ quyền, quyền được sống, được yêu, được hạnh phúc. Các giá trị nó được thể hiện qua ngôn từ vừa sang trọng vừa dân dã thể hiện được vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người phụ nữ. Hồ Xuân Hương là nhà hoạt động vì bình đẳng giới, những tư tưởng của bà mãi về sau trở thành những tư tưởng, nguyên tắc của UNESCO sau này. Việc tổ chức hội thảo cũng là cơ hội để xúc tiến, quảng bá di sản của bà trên toàn thế giới.

Các đại biểu tham quan trưng bày các tác phẩm văn học của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương

Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS Biện Minh Điền - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Vinh khẳng định, Hội thảo đã đạt được mục đích, mục tiêu đề ra và thành công tốt đẹp. Hội thảo đã khởi tạo bầu không khí mới trong công tác nghiên cứu Hồ Xuân Hương, đề xuất những dự án mới phát huy giá trị Hồ Xuân Hương trong thời đại ngày nay.

                                                                                        PHẠM NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top