Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Vườn nhãn và chùa Xiêm Cán ở Bạc Liêu: Không gian trải nghiệm văn hóa bản địa độc đáo

Thứ Tư 07/12/2022 | 09:09 GMT+7

VHO - Từ lâu, vị ngọt thơm của quả Thanh nhãn Bạc Liêu cùng vẻ đẹp lộng lẫy của chùa Xiêm Cán - ngôi chùa Khmer 135 tuổi luôn để lại ấn tượng cho du khách khi đến thăm quê hương bản Dạ cổ hoài lang. Đặc biệt mới đây, chùa Xiêm Cán được công nhận là “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”. Việc công nhận này là điều kiện thuận lợi để khu vực vườn nhãn và chùa Xiêm Cán đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, dựa trên kiến trúc nghệ thuật độc đáo của ngôi chùa cùng những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc.

Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL trao bảng công nhận “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” cho di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Xiêm Cán ngày 29.11.2022

Ngôi chùa Khmer đẹp nhất Bạc Liêu 

Chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa Khmer lớn và đẹp lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ. Sự uy nghi và kiến trúc tuyệt đẹp của ngôi chùa luôn để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách. Chùa Xiêm Cán nằm cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 7km về hướng Đông, tại ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Thạnh Đông. Dựa theo ghi chép trên bia đá được tạc bằng chữ Khmer cổ ở hai mặt trước và sau đặt bên phải chính điện, thì chùa được khởi công xây dựng năm 1887. Tuy không phải là ngôi chùa Khmer cổ nhất ở khu vực này, nhưng chùa Xiêm Cán luôn là điểm dừng chân của du khách mỗi khi đặt chân đến thành phố Bạc Liêu, chính bởi những đường nét hoa văn tinh xảo, lối kiến trúc độc đáo. 

Chùa Xiêm Cán trong những ngày diễn ra Liên hoan Nhạc Ngũ âm và múa dân gian Khmer năm 2022

Theo lời của các vị cao niên, sau khi đồng bào dân tộc Khmer đến đây sinh sống, với khoảng 40 gia đình, lúc đó theo truyền thống tôn sư trọng đạo, người Khmer ở nơi đâu cũng muốn xây dựng một ngôi chùa cho cộng đồng mình. Thế rồi các vị đi sâu theo đường sông, tới mé biển thì chọn được vị trí phù hợp để xây dựng chùa. Các gia đình người Khmer cùng góp sức, hằng ngày khai phá để lấy cây, đất xây cất chùa…

Sau hơn hai tháng thi công và hoàn thành, bà con trong phum sóc họp bàn rồi đến mời Pháp sư Thạch Mau (1829-1909); một người am hiểu kinh kệ, tinh thông phật pháp về làm trụ trì chùa. Theo tâm tư nguyện vọng cũng như sự đề bạt của bà con. Pháp sư Thạch Mau về trụ trì chùa và trở thành vị trụ trì đầu tiên của chùa Xiêm Cán. Đến nay, ngôi chùa Khmer này đã có 8 đời trụ trì, Thượng tọa Dương Quân là trụ trì đương nhiệm. Chùa cũng đã tiến hành khoảng 3 lần tu bổ lớn, lần đầu tiên sau 16 năm xây dựng thí có một trận bão làm chùa bị sụp đi, lần thứ hai vào năm 1994 và lần gần đây vào 1975.

Kiến trúc độc đáo và sự lộng lẫy, uy nghi của ngôi chùa 

Thượng tọa Dương Quân cho biết, vốn dĩ lúc xây dựng, ngôi chùa Xiêm Cán có tên tiếng Khmer là Komphisako, tức là biển sâu, ý nghĩa là sự sâu xa, sự uyên bác của trí tuệ nhà phật. Ngoài tên gọi Komphisako, chùa còn có tên theo địa danh là Komphir Sakor Prét Chru. Trong đó “Prét” có nghĩa là sông, còn “Chru” nghĩa là sâu, ghép lại là “sông sâu”, nhưng ở đây không phải sâu xuống mà là đi sâu vào. Thời gian sau, có một bộ phận người Hoa đến định cư, vì tiếng Khmer khó đọc nên họ đã dịch từ Prét Chru sang Xiêm Cán (“cán” là sông, “xiêm” là sâu), nên trong dân gian lưu truyền thêm tên gọi này. 

Chùa Xiêm Cán nói riêng và tất cả các ngôi chùa thuộc hệ thống chùa Khmer Nam Bộ nói chung mang đậm một dấu ấn kiến trúc Angkor Khmer – Campuchia. Tuy nhiên, so với những ngôi chùa khác trong cùng hệ thống thì chùa Xiêm Cán ở Bạc Liêu có phần nổi trội hơn về quy mô lẫn phong cách nghệ thuật. Điều khác biệt của chùa Khmer với những ngôi chùa bình thường khác chính là sự tinh tế, tỉ mẩn trong từng vách từng, mái nhà và trụ cột. Chùa là một tổng thể kiến trúc gồm nhiều hạng mục như: tường thành bao quanh, cổng tam quan, chính điện, sala, tháp chuông, cột trụ biểu, khu mộ tháp, nơi nghỉ ngơi của các sư, giảng đường… Tất cả các hạng mục đều thể hiện rõ phong cách Angkor Khmer truyền thống và đều quay về một hướng, đó là hướng Đông. Ngay từ đằng xa, hình ảnh chùa đã hiện ra trong mắt du khách với màu vàng nổi bật. Bao quanh chùa là một hàng rào xây kiên cố, với nhiều hoa văn ấn tượng. Trong khuôn viên là có rất nhiều cây xanh cao to che bóng được trồng ngay hàng thẳng lối.

Trình diễn các điệu múa dân gian Khmer tại chùa Xiêm Cán

Không chỉ là ngôi chùa nổi tiếng với phong cách nghệ thuật lẫn kiến trúc độc đáo. Chùa Xiêm Cán còn được biết đến là nơi lưu giữ và hình thành nhiều nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer. Chùa còn lưu giữ bộ sách Khmer cổ được viết trên lá cây dày đến 70 trang hay giảng đường cổ với những quyển truyện kể dân gian cũ từ thời xưa.

Cũng theo vị trụ trì, tại vùng đất này, từ xa xưa, nhờ có lượng phù sa bồi đắp lại thành dòng cát khiến cho việc trồng nhãn có vị thơm ngon hơn các nơi khác. Thanh nhãn Bạc Liêu giòn mà ngọt thanh, mùi rất thơm. “Khi đền đây vào mùa nhãn chín, chưa cần vào đến vườn, chỉ cần đi theo đường lộ, từ xa xa đã nghe được mùi nhãn thơm ngon”, một bậc lão thành chia sẻ. Không chỉ trái nhãn, mà những loại trái khác khi trồng trên dòng nhãn Bạc Liêu này cũng đều ngon như vậy. Nói về tên gọi "Thanh nhãn", Thượng tọa Dương Quân cho biết thêm, “Thanh” là tên của một người phụ nữ đã làm ra giống nhãn này đầu tiên, vì thế người dân đã đặt tên này cho giống nhãn nơi đây. 

Cơ hội để phát triển du lịch gắn với văn hóa cộng đồng

Theo chuyên gia ngành du lịch, sự kiện công nhận chùa Xiêm Cán là “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL” không chỉ làm phong phú thêm sắc màu văn hóa - du lịch của địa phương mà còn tạo động lực, gợi mở cho tỉnh nhiều góc độ khai thác cũng như liên kết sản phẩm này với các điểm trên cùng cung đường. Ngoài chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, tỉnh còn có thể nghiên cứu xây dựng không gian mở để du khách trải nghiệm điệu múa Romvong, cách làm món bánh gừng hay chơi các trò chơi dân gian đặc trưng cùng với đồng bào Khmer. Làm được điều này sẽ giúp chùa tương xứng là điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng, cũng như bổ sung cho tỉnh một sản phẩm du lịch cộng đồng thật sự hấp dẫn.

Đồng bào Khmer làm món gừng cay truyền thống

Tại hội thảo phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các di sản văn hóa Khmer khu vực vườn nhãn, chùa Xiêm Cán vừa tổ chức và cuối tháng 11.2022, trong chuỗi sự kiện Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022. Ông Phan Đình Huê - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Vòng Tròn Việt cho rằng, vườn nhãn Bạc Liêu là tài nguyên có thể tạo ra sự khác biệt mặc dù miền Tây có nhiều vườn cây ăn trái. Bên cạnh đó, nét văn hóa của cư dân bản địa - người Khmer, Hoa trên đất Giồng ven biển cũng rất đặc sắc. “Tuy có tài nguyên nhưng Bạc Liêu chưa khai thác thành sản phẩm, do đó khó níu chân du khách”, ông Huê bày tỏ.

Biểu diễn nhạc ngũ âm trong khuôn viên chùa

Các công ty lữ hành cũng phân tích, trong du lịch nếu không giữ chân được khách thì không thu được tiền. Vì vậy, với việc chưa đánh thức tài nguyên khu vườn nhãn và chùa Xiêm Cán nên rất khó để các công ty chào bán cho du khách. Theo ông Trần Lê Bảo Châu - Chủ tịch Diễn đàn Du lịch vừa và nhỏ Việt Nam, để phát triển những ý tưởng, chất liệu từ sự độc đáo của vườn nhãn và chùa Xiêm Cán thành sản phẩm du lịch cộng đồng thì Bạc Liêu phải tăng giá trị trải nghiệm cho du khách. Đó không chỉ là ngắm cảnh sắc mà còn phải là thưởng thức vị ngọt của trái nhãn, nhạc ngũ âm, sâu hơn nữa là cho du khách trải nghiệm quy trình làm rượu nhãn, hòa mình vào các điệu múa Khmer. 

Theo Giám đốc Sở VHTTTTDL tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch cộng đồng gắn với giá trị kinh tế của cây thanh nhãn, bảo tồn nhãn cổ, phát huy các giá trị văn hóa Khmer. Bên cạnh đó, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động đầu tư để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chất lượng; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư resort nghỉ dưỡng, cơ sở hạ tầng dẫn đến các điểm du lịch lân cận nhằm tạo sự liên kết, bổ trợ cho sản phẩm du lịch cộng đồng chùa Xiêm Cán, vườn nhãn. 

Kiến trúc mái vòm bên trong ngôi chùa

Với quyết tâm đánh thức tài nguyên du lịch cộng đồng của vườn nhãn và chùa Xiêm Cán, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các di sản văn hóa Khmer khu vực vườn nhãn, chùa Xiêm Cán giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của Đề án là khai thác tiềm năng, giá trị khu vực này và vùng phụ cận ven biển thông qua loại hình du lịch cộng đồng trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Thượng tọa Dương Quân cho biết, chùa Xiêm Cán có ảnh hướng rất lớn đến tinh thần, đời sống văn hóa và kinh tế của đồng bào dân tộc Khmer. Chùa không chỉ là các nơi để các sư tu học đạo đức, mà đây còn là Trung tâm văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer, cho nên tỉnh Bạc Liêu cũng đã công nhận chùa Xiêm Cán là di tích văn hóa - lịch sử cấp tỉnh vào năm 2001.

“Tất cả những gì đạt được ngày hôm nay là nhờ sự đoàn kết, cùng nhau vun đắp của ba dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Tôi sẽ cùng với đồng bào Phật tử nơi đây gìn giữ và phát triển hơn nữa để làm sao xứng đáng là điểm di tích và điểm được công nhận điểm du lịch tiêu biểu của vùng. Trong kế hoạch sắp tới, chúng tôi sẽ bố trí thêm cây cảnh, trồng nhiều hoa cảnh tạo khuôn viên đẹp hơn. Bên cạnh đó, chùa sẽ vận động Phật tử, đồng bào vệ sinh môi trường cho thật tốt để làm gương mẫu cho dân chúng, đồng bào nơi đây. Đặc biệt, để bảo tồn văn hóa - nghệ thuật Khmer, chùa đã phát triển nhiều mô hình về ca múa cổ điển để trình diễn trong những lễ hội của đồng bào… Chúng tôi cũng mong muốn các đơn vị du lịch xây dựng tour du lịch không chỉ đến Bạc Liêu mà còn nối liền các tỉnh trong khu vực, nhất là Cần Thơ, Sóc Trăng và Cà Mau, có kế hoạch phát triển du lịch gắn liền với văn hóa bản địa”, Thượng tọa Dương Quân bày tỏ. 

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top