Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tháo gỡ điểm “nghẽn” về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa

Thứ Tư 07/12/2022 | 10:10 GMT+7

VHO- Dự kiến sẽ có trên 800 đại biểu tham dự Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Tạp chí Cộng Sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và tỉnh Bắc Ninh tổ chức.

 Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021

 Diễn ra ngày 17.12, Hội thảo được tổ chức với hình thức trực tiếp tại tỉnh Bắc Ninh, kết hợp trực tuyến với một số điểm cầu trong cả nước; truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Trưởng BTC cho biết, Hội thảo nhằm tiếp tục quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm, chủ trương mới trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đăc biệt là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ này còn không ít khó khăn, thách thức. “Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính là “việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện đường lối văn hóa của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”; đồng thời yêu cầu phải “phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới”, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Hội thảo là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước báo cáo, trao đổi, đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa (ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa; cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực; chính sách đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân; liên kết, hợp tác trong nước và ngoài nước trong phát triển văn hóa…) và các vấn đề đặt ra. BTC nhận được hơn 100 bài tham luận từ các Ban, Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh các ý kiến trong nước, một số chuyên gia quốc tế có uy tín của Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn di sản, chính sách phát triển văn hóa.

“BTC Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 hy vọng góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển bền vững cho đất nước...”, ông Vinh cho biết. Mục tiêu lớn nhất của Hội thảo Văn hóa Việt Nam 2022 là hướng đến tháo gỡ những điểm “nghẽn” cho sự phát triển văn hóa, BTC cho biết, sau quá trình thảo luận tại hội thảo, BTC mong muốn thống nhất được một số khung chính sách quan trọng về thể chế, chính sách và nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển văn hóa trong thời gian tới. Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho hay: Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” được tổ chức vào một thời điểm rất có ý nghĩa khi cả nước đang nỗ lực triển khai tinh thần Kết luận Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Hội thảo là dịp để chúng ta củng cố quyết tâm, có thêm hành động cụ thể, đưa ra giải pháp phù hợp hơn với bối cảnh mới. Các chủ đề của hội thảo đề cập đến 3 vấn đề quan trọng, cũng là những điểm “nghẽn” cần tháo gỡ để tạo điều kiện đối với sự phát triển văn hóa là thể chế, chính sách và nguồn lực.

“Thể chế, chính sách và nguồn lực là những nội dung đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của văn hóa. Cũng có thể xem đây là những nhân tố mang tính đột phá mà nếu tháo gỡ được những điểm “nghẽn” sẽ tạo ra một xung lực mới cho phát triển văn hóa. Khi chúng ta có được những giải pháp phù hợp, chẳng hạn như những thể chế, chính sách luật pháp trong các lĩnh vực như di sản, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, công nghiệp văn hóa..., chắc chắn sẽ có cơ hội tốt hơn để phát triển mạnh mẽ những lĩnh vực quan trọng này”, ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Hội thảo cũng là sự kiện lớn hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943-2023). Hội thảo gồm hai phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên đều có một báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia. 

HÀ PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top