Tỉ lệ học sinh 13 – 15 tuổi hút thuốc lá điện tử đang gia tăng đáng kể

VHO- Tỉ lệ học sinh 13 – 15 tuổi hút thuốc lá điện tử đang gia tăng đáng kể. Điều này đang “đe doạ” thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua. Những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.

Thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022 do Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức ngày 26.12 tại Hà Nội.

Tỉ lệ học sinh 13 – 15 tuổi hút thuốc lá điện tử đang gia tăng đáng kể - Anh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội thảo

Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cho thấy, trong khi tỉ lệ hút thuốc lá điếu ở người trưởng thành giảm khá sâu thì tỉ lệ hút thuốc lá điện tử lại tăng nhanh, từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020; đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15 – 24 tuổi, so với các nhóm tuổi 25 – 44 tuổi (3,2%), 45 – 64 tuổi (1,4%). Với đối tượng học sinh 13 – 15 tuổi, năm 2022 tỉ lệ hút thuốc lá điện tử là 3,5%, trong khi năm 2019 chỉ là 2,6%. Điều này, cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhằm vào giới trẻ.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, các tổ chức và UBND 63 tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt phối hợp với Bộ BD&ĐT đẩy mạnh các hoạt động nhằm ngăn ngừa hút thuốc trong thanh thiếu niên, bảo vệ các thế hệ tương lai của đất nước khỏi các tổn thất về sức khỏe do việc sử dụng thuốc lá. Kết quả điều tra cho thấy công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thanh thiếu niên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở nhóm tuổi 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022; giảm tỉ lệ hút thuốc lá thụ động ở học sinh với năm 2014, tại nhà, tại khu vực công cộng…

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống, tác hại thuốc lá cho thanh thiếu niên ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Các sản phẩm thuốc lá được quảng bá và thu hút giới trẻ bằng nhiều hình thức và thông qua nhiều kênh thông tin. Để mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm mới này tại các nước trong đó có Việt Nam, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia đã đưa ra các thông tin gây hiểu nhầm cho người sử dụng qua việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng như ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường, giúp cai nghiện thuốc lá điếu… Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, có thể gây cháy nổ, và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch (ma tuý, cần sa). Bên cạnh đó, thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua các sản phẩm thuốc lá mới không rõ nguồn gốc xuất xứ thông qua các trang mạng xã hội và internet. “Vì vậy, các kết quả nghiên cứu về phòng, chống tác hại của thuốc lá là những  bằng chứng khoa học hỗ trợ cho việc kiến nghị, đề xuất các giải pháp, chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt ngăn cản việc sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ở thanh thiếu niên”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Cũng trong ngày 26.12 tại Hà Nội, Bộ TT&TT cũng tổ chức hội nghị tập huấn Nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Hương (Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế) cho biết, báo cáo của WHO cho thấy, hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm là hậu quả của hút thuốc lá. Hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến thuốc lá xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất thế giới. Khoảng 75.000 ca tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá. “Tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng, sử dụng các phương pháp truyền thông giáo dục sức khoẻ  phổ biến hiện nay: internet, mạng xã hội. Cảnh báo sức khỏe trên bao thuốc lá:  đổi mới hình ảnh cảnh báo mới để có tác động mạnh mẽ hơn đến người sử dụng. Thực thi nghiêm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, bán thuốc lá; đặc biệt quản lý trên các kênh mạng xã hội, internet.  Tăng cường hỗ trợ cai nghiện thuốc lá: cần truyền thông cho học sinh biết đến chương trình hỗ trợ cai nghiện thuốc lá này và đẩy mạnh trong các trường học”, bà Nguyễn Thu Hương khuyến nghị.

QUỲNH HOA

 

 

Ý kiến bạn đọc