Chuẩn bị các phương án cho công tác tổ chức lễ hội

VHO- “Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội…”, là nội dung văn bản của Cục Văn hóa cơ sở gửi các địa phương về công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023.

Chuẩn bị các phương án cho công tác tổ chức lễ hội - Anh 1

 Lễ hội mùa Xuân tại Côn Sơn - Kiếp Bạc

 Nhiều địa phương có di tích, tại những lễ hội trọng điểm, đến nay kế hoạch công tác chuẩn bị cho mùa lễ 2023 cũng đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng khi mọi ngả đường đều đổ về lễ hội.

Ngăn chặn tiêu cực

Đó là chỉ đạo được nhấn mạnh tại văn bản số 5256/ BVHTTDL-VP của Bộ VHTTDL vừa ban hành về việc tổ chức các hoạt động VHTTDL mừng Xuân Quý Mão 2023. Sau một thời gian hoạt động lễ hội chịu nhiều tác động do đại dịch Covid-19, mùa lễ hội năm nay được dự báo sẽ thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Bộ VHTTDL yêu cầu Cục Văn hóa cơ sở hướng dẫn các địa phương tăng cường các biện pháp ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính, mê tín dị đoan. Thanh tra Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động lễ hội trước, trong và sau Tết Nguyên đán, bảo đảm vui tươi, lành mạnh, phù hợp thuần phong mỹ tục, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, thu lợi bất chính.

Ngay sau đó, Cục Văn hóa cơ sở đã ban hành văn bản 1240/VHCS-NSVH gửi các Sở VHTTDL; Sở VHTT; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão. Theo đó, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các Sở VHTTDL; Sở VHTT; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ xây dựng kế hoạch phối hợp với các Sở TT&TT, GTVT, LĐ,TB&XH, Y tế, Công thương, TN&MT; Công an; UBND các huyện, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng và đề nghị MTTQ cùng các tổ chức thành viên chủ động, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền các quy định về lễ hội, về giá trị lịch sử - văn hóa di tích và lễ hội; hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Cục Văn hóa cơ sở cũng đề nghị ngành văn hóa các địa phương chỉ đạo BTC lễ hội bố trí lực lượng thu gom kịp thời các loại tiền lễ, tiền giọt dầu đặt không đúng nơi quy định. “Tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; triển khai hiệu quả việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dịđoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội”, Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh. Xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời tình huống phát sinh. Trường hợp xảy ra ẩu đả, mất an ninh trật tự, phải yêu cầu dừng tổ chức, chỉ được tiếp tục khi ổn định trật tự. Tổ chức các phương án về trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới cho nhân dân và du khách.

Các Sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vào thời điểm lễ hội và dịp Tết Nguyên đán. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Cùng với đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nét đẹp văn hóa và ý nghĩa biểu trưng của các thực hành lễ hội; kịp thời động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp tích cực cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; phát hiện xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những trường hợp vi phạm.

Chuẩn bị các phương án cho công tác tổ chức lễ hội - Anh 2

 Không gian suối Yến, chùa Hương

Sẵn sàng cho một mùa lễ an toàn, lành mạnh

Sau một thời gian phải tạm dừng tổ chức cũng như chịu nhiều tác động do đại dịch Covid-19, chuẩn bị mùa lễ hội 2023, nhiều di tích, lễ hội trọng điểm trong cả nước đã sẵn sàng kế hoạch công tác quản lý và tổ chức. Với một lễ hội trọng điểm và có thời gian tổ chức kéo dài, BQL khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, lễ hội chùa Hương năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 23.1 đến 23.4 (từ mồng 2 tháng Giêng đến hết ngày mồng 4 tháng Ba âm lịch), với chủ đề “Lễ hội chùa Hương an toàn - văn minh - thân thiện”. Lễ khai hội sẽ diễn ra vào ngày 27.1, tức mồng 6 tháng Giêng năm Quý Mão.

Ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng BQL khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, năm nay, lễ hội chùa Hương sẽ có nhiều điểm mới nhằm tạo thuận lợi, đảm bảo an toàn cho du khách. BQL di tích, BTC lễ hội nhấn mạnh yêu cầu cần đổi mới hình thức các hoạt động trong lễ hội đa dạng, hấp dẫn, phù hợp để người đi lễ hiểu rõ giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động dịch vụ du lịch, lễ hội, kiên quyết đẩy lùi hiện tượng tiêu cực phát sinh. BTC Lễ hội chùa Hương năm 2023 đã thành lập 7 tiểu ban, một trạm kiểm soát vé thắng cảnh, một tổ liên ngành để bảo đảm an ninh trật tự không gian lễ hội. Điểm mới của lễ hội chùa Hương năm nay là BTC thay đổi hình thức bán vé tham quan, từ vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê, để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội. Năm nay, BTC cũng thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của khu vực xã Hương Sơn.

BTC lễ hội cũng sẽ lắp dựng các cụm panô, băng rôn, khẩu hiệu, nội dung và hình thức tuyên truyền, quảng bá trực quan phù hợp để du khách có được những thông tin cần thiết về lễ hội, có biện pháp phòng chống dịch Covid-19; có các bộ phận hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định; bố trí bàn ghi công đức, đặt hòm công đức đảm bảo thuận tiện; quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh dịch vụ, không đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội. Ông Nguyễn Bá Hiển cũng cho biết, sẽ thường xuyên kiểm tra mọi hoạt động văn hóa, xử lý nghiêm vi phạm, phòng ngừa các tệ nạn xã hội như bói toán, bán thẻ, mê tín dị đoan, sách báo ngoài luồng, thuốc nam giả không rõ nguồn gốc, đồ chơi trẻ em nguy hiểm…

Chuẩn bị lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2023, đến nay kế hoạch tổ chức cũng đã được hoàn tất. Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 4 - 13.2, điểm nhấn là lễ tưởng niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334-2023) và lễ khai hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc 2023. Bên cạnh nghi lễ truyền thống, lễ hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc còn có nhiều chương trình đặc sắc như: Hội thi gói bánh chưng và giã bánh giầy; liên hoan pháo đất; thi đấu vật dân tộc, cờ tướng... hứa hẹn thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương. Nét mới trong chương trình năm nay là Tuần Văn hóa du lịch hội Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc với nhiều hoạt động hấp dẫn, các chương trình biểu diễn nghệ thuật để du khách thưởng thức và trực tiếp tham gia trải nghiệm như hát chèo, hát văn, ca trù... 

 Tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; triển khai hiệu quả việc xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội; kiên quyết không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dđoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội.

(Cục Văn hóa cơ sở)

 

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc