Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cần thống nhất cách thức thực hiện việc khai thác thị trường khách Trung Quốc

Thứ Hai 09/01/2023 | 18:11 GMT+7

VHO- Trung Quốc là một trong những thị trường du lịch quốc tế hàng đầu của du lịch Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung, việc thống nhất cách thức quản lý, khai thác thị trường này là cần thiết và cấp bách hiện nay khi nước này bắt đầu mở cửa du lịch sau 3 năm đóng cửa hoàn toàn vì dịch bệnh Covid-19.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, Chủ tịch HHDL Việt Nam Vũ Thế Bình và Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy chủ trì Hội nghị giải pháp thu hút khách Trung Quốc đến Việt Nam

Rất nhiều vấn đề cần được chấn chỉnh trong việc đón khách Trung Quốc

Phát biểu tại “Hội nghị giải pháp thu hút khách Trung Quốc đến Việt Nam”, diễn ra tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) ngày 9.1, ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, cần có ngay những giải pháp phù hợp để tổ chức đón khách từ thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các cấp, ngành, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đồng lòng, cùng vào cuộc để khai thác có hiệu quả, an toàn khách du lịch từ thị trường này.

Quảng Ninh là một tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc. Trong nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn là tỉnh đi đầu trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện các biện pháp thu hút, phục vụ, quản lý khách du lịch Trung Quốc. Tỉnh cũng đã xác định Trung Quốc là một trong những thị trường tiềm năng và lợi thế hàng đầu đối với ngành du lịch Quảng Ninh nói riêng và là cửa ngõ khai thác, phát triển thị trường du lịch Trung Quốc của cả nước.

Trong những năm qua, lượng khách du lịch Trung Quốc đến với Quảng Ninh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái ngày một tăng. Cụ thể: năm 2014 có 131.000 lượt khách Trung Quốc vào Quảng Ninh qua cửa khẩu Móng Cái, năm 2019 lượng khách đã tăng lên 750.000 lượt. Khách du lịch Trung Quốc lưu trú tại Quảng Ninh bình quân chiếm khoảng 50% tổng lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh.

Hơn 200 doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc và đại diện các địa phương đón khách Trung Quốc như: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... đã tham dự Hội nghị

Số lượng doanh nghiệp lữ hành tham gia đón đối tượng khách này tại cửa khẩu Móng Cái biến động thường xuyên. Đến thời điểm 2019, trên địa bàn tỉnh có khoảng trên 40 doanh nghiệp đang khai thác thị trường Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp có trụ sở chính ở các địa phương khác.

Trong giai đoạn trước dịch Covid -19, hoạt động khai thác khách du lịch Trung Quốc nhập xuất cảnh qua cửa khẩu Móng Cái có đặc điểm rất khác so với các thị trường quốc tế khác. Về chương trình du lịch và chất lượng dịch vụ chủ yếu tham quan tại Việt Nam theo chương trình 4 ngày 3 đêm; tham quan một số điểm tại Quảng Ninh và Hà Nội, phần lớn các đoàn khách đi theo đoàn. Phần lớn các đoàn khách từ các tỉnh lục địa Trung Quốc khi sang Quảng Ninh, Việt Nam đều phải giao cho các công ty lữ hành của tỉnh Quảng Tây để tổ chức. Phần lớn các công ty lữ hành Việt Nam giao dịch với các công ty lữ hành của Quảng Tây theo hướng, hàng năm có ký kết các hợp đồng nguyên tắc, khi có khách công ty hai bên giao dịch bằng điện thoại hoặc qua mạng QQ của Trung Quốc.

Việc thanh toán của khách Trung Quốc tại Quảng Ninh chủ yếu theo hình thức chuyển tiền mặt, không qua hệ thống ngân hàng. So với các thị trường khác, khách du lịch từ thị trường Trung Quốc sử dụng chất lượng dịch vụ thấp hơn; khách du lịch từ thị trường này có mức chi tiêu cho việc mua sắm lớn.

Nhìn chung, khách du lịch từ thị trường Trung Quốc có tác động tích cực đến hoạt động du lịch Quảng Ninh và đây là một thị trường du lịch quốc tế hàng đầu của du lịch Quảng Ninh, thị trường này đã tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Số khách Trung Quốc lưu trú trên đến Quảng Ninh, nhập xuất cảnh qua nhiều cửa khẩu khác nhau, trong đó phần lớn nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái và do các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh tổ chức đưa đón.

Các đại biểu đã chỉ rõ thực trạng đón khách thời gian qua và giải pháp thu hút, phục vụ khách Trung Quốc hiệu quả hơn thời gian tới, đặc biệt là sau 8.1, khi nước này mở cửa du lịch quốc tế

Ông Phạm Ngọc Thủy cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch đón khách Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ tại Quảng Ninh đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, phổ biến tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, bị phía Trung Quốc ép giá, doanh nghiệp phải chấp nhận và chỉ đạo Hướng dẫn viên ép khách mua thêm tour đến các điểm tham quan, mua sắm ở các điểm bán hàng, gây bức xúc đối với khách du lịch và làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt Nam”.

Vẫn theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh, trong quá trình kinh doanh, đón khách Trung Quốc, một số doanh nghiệp có dấu hiệu hoàn thiện và hợp pháp hóa các chứng từ kế toán, hồ sơ đoàn khách theo quy định để đối phó với cơ quan chức năng, đồng thời có dấu hiệu của việc trốn thuế, đặc biệt là các doanh nghiệp có trụ sở chính đặt ngoài tỉnh Quảng Ninh.

Xuất hiện việc hướng dẫn viên sử dụng thẻ hướng dẫn giả và hướng dẫn viên không có thẻ hướng dẫn, đặc biệt vào các ngày cao điểm. Một số hướng dẫn viên khi dẫn đoàn, không tập trung vào chuyên môn hướng dẫn mà tập trung vào các việc bán hàng trên xe ô tô và chèo kéo khách đến các điểm mua hàng. Về một số dịch vụ khác: Có dấu hiệu một số khách sạn không thực hiện đầy đủ việc khai báo tạm trú của khách, với mục đích trốn thuế. Một số nhà hàng, đơn vị vận chuyển không thực hiện việc xuất hóa đơn dịch vụ với mục đích trốn thuế, đặc biệt là các cơ sở thực hiện việc cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp lữ hành có trụ sở chính đặt ngoài tỉnh Quảng Ninh, đồng thời có dấu hiệu vi phạm trong việc minh bạch nguồn gốc hàng hóa. Một số cửa hàng đã dùng các phương tiện và hình thức thanh toán qua (máy POS), Wechat pay, Alipay của nước ngoài (không qua cơ quan quản lý theo quy định). Mặt khác, việc bán hàng cho khách tại một số cửa hàng theo hình thức: Điểm bán hàng tại Việt Nam là nơi giới thiệu sản phẩm, còn việc giao hàng được thực hiện tại nước ngoài.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch, HHDL Việt Nam, Sở Du lịch Quảng Ninh, thành phố Móng Cái... khảo sát công tác chuẩn bị đón khách Trung Quốc tại cửa khẩu Móng Cái

Chuyển hướng để bắt nhịp với hoạt động mới

Từ đánh giá thực tế, qua công tác quản lý tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, để khai thác tốt thị trường khách du lịch inbound từ thị trường Trung Quốc, ông Phạm Ngọc Thủy đề nghị cần có chính sách, cơ chế quản lý, cách thức phối hợp quản lý phù hợp, đồng bộ để khai thác khách từ thị trường này. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa các địa phương trong công tác quản lý. Khách du lịch đến từ thị trường Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn đối với du lịch Việt Nam, nếu các tồn tại từ hoạt động lữ hành và các hoạt động khác có liên quan tiếp tục diễn ra sẽ có tác động tiêu cực đến việc thu hút khách từ thị trường này. Mặt khác, khi một địa phương tập trung quản lý chặt chẽ đối với hoạt động lữ hành và các hoạt động khách có liên quan, thì dòng khách sẽ chuyển đến địa phương khác với các  hình thức vi phạm tinh vi hơn.

Lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Ninh cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ VHTTDLchỉ đạo, xem xét, thống nhất và có giải pháp trong việc áp doanh thu tính thuế của các doanh nghiệp lữ hành đang khai thác thị trường khách du lịch này. Qua thực tế nhận thấy, phần lớn các doanh nghiệp lữ hành có trụ sở chính ở ngoài tỉnh Quảng Ninh đón khách Trung Quốc tại cửa khẩu Móng Cái đang kê khai chưa đầy đủ về doanh thu của hoạt động lữ hành đón đối tượng khách này. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các giải pháp quản lý đối với việc chuyển tiền, thanh toán của doanh nghiệp lữ hành vì hiện nay nhiều doanh nghiệp lữ hành của hai bên không thanh toán qua ngân hàng; có giải pháp quản lý máy POS trái phép và một số hình thức thanh toán khác như Wechat, Alipay...

Liên quan đến việc tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp, trong thời gian trước mắt, chưa có cơ chế quản lý phù hợp đối với thị trường khách du lịch này, đề nghị Hiệp hội Du lịch Việt Nam thống nhất với các doanh nghiệp hình thức, giải pháp phù hợp trong việc tổ chức đón khách du lịch từ Trung Quốc. Đặc biệt là việc xem xét đưa ra cơ chế đặc thù đón khách từ thị trường này, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện. Định hướng các doanh nghiệp tham gia đón khách từ thị trường này tạo các nhóm, câu lạc bộ hoặc hình thức phù hợp để cùng thống nhất cách thức thực hiện việc khai thác khách Trung Quốc.

Thành phố Móng Cái đã sẵn sàng các điều kiện để đón khách. Trong ảnh, các doanh nghiệp lữ hành khảo sát dịch vụ, điểm tham quan du lịch tại Trà Cổ (Móng Cái)

Bí thư thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) Hoàng Bá Nam đánh giá đây là một Hội nghị đặc biệt quan trọng. Với một địa phương là cửa ngõ đón khách Trung Quốc như thành phố Móng Cái, Hội nghị này càng quan trọng và có ý nghĩa hơn. Cả bí thư, chủ tịch thành phố, các cơ quan liên quan của thành phố đều tham dự Hội nghị. “Là thành phố có biên giới giáp với Trung Quốc, thành phố Móng Cái luôn xác định việc đón khách Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch tại địa phương”, ông Hoàng Bá Nam cho biết.

Thành phố cũng chuẩn bị “quỹ đất sạch” đón các nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực: dịch vụ, thương mại, vận chuyển, du lịch, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao. Móng Cái xác định vai trò của ngành Du lịch là đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế. Năm 2022, dư địa phát triển của Móng Cái càng lớn hơn, đặc biệt khi cao tốc Móng Cái đi vào khai thác. Tuy nhiên, khó khăn của địa phương là nguồn nhân lực để tham gia vào lĩnh vực du lịch còn nhiều khó khăn, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn trong thời gian tới, Bên cạnh đó, hạ tầng chưa đầy đủ để phát triển du lịch, sản phẩm du lịch thiếu. Thành phố hướng tới việc phát triển du lịch để thu hút khách và giữ chân khách ở Móng Cái 3 ngày 2 đêm, sau đó mới đi tiếp vào nội địa.

Ông Nam khẳng định: “Để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo an ninh, an toàn, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, cùng phát triển; thành phố cam kết sẽ tập trung tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển; môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh; cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt thông quan nhanh chóng. Xác định rõ việc thực hiện các thủ tục nhanh gọn. Tập trung xây dựng văn hóa con người Móng Cái thân thiện, văn minh; phát triển văn hóa, làm tốt an ninh trật tự, thực hiện mọi biện pháp phòng chống dịch tốt nhất....”

Ông Nam cũng đề nghị, ngoài việc chính quyền có những thay đổi để bắt nhịp với tình hình mới, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng cần đổi mới chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố Móng Cái để phục vụ khách tốt hơn, đem lại hiệu quả thiết thực hơn.

NGUYỄN ANH; ảnh: OANH PHẠM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top