UBND huyện Hoàng Sa thăm, tặng quà nhân chứng Hoàng Sa

VHO - Trong hai ngày 10 và 11.1, UBND huyện Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) tổ chức thăm hỏi, tặng quà các nhân chứng Hoàng Sa và gia đình tại TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

UBND huyện Hoàng Sa thăm, tặng quà nhân chứng Hoàng Sa - Anh 1

Ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (thứ 2, từ trái sang) tặng quà nhân chứng Nguyễn Văn Cúc

Dịp này, UBND huyện Hoàng Sa thăm hỏi 17 gia đình nhân chứng tại thành phố Đà Nẵng và 6 gia đình nhân chứng tại tỉnh Quảng Nam. Đây là những nhân chứng từng sống, công tác trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trước năm 1974 (trước thời điểm quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép vào ngày 19.1.1974). 
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa cho biết, đều đặn vào mỗi năm, cứ đến dịp 19.1, huyện đảo Hoàng Sa tổ chức hoạt động thăm hỏi, chúc sức khỏe nhân chứng Hoàng Sa và gia đình, thắp hương tri ân những người đã mất. Đây là nghĩa cử thể hiện sự ghi nhớ và lòng biết ơn với những thế hệ đã cống hiến, đã hy sinh cho công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời nhắc nhở thế hệ sau về chủ quyền biển đảo quê hương.
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Ngọc Đồng chia sẻ, thời gian qua, những nhân chứng Hoàng Sa đã hiến tặng rất nhiều kỷ vật, làm phong phú nguồn tư liệu giá trị, góp phần khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
Đồng thời thông tin thêm, trong thời gian tới, UBND huyện Hoàng Sa tiến hành sao chụp, in ấn và phát hành kỷ yếu tư liệu và bản sao kỷ vật để tặng lại cho các gia đình nhân chứng. Những bộ sưu tập này sẽ được các gia đình nhân chứng truyền đạt, giới thiệu lại với con cháu, qua đó giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc hơn về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 
Đồng tình với đề xuất của UBND huyện Hoàng Sa, nhân chứng Trần Văn Sơn (SN 1947, trú phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bày tỏ mong muốn những tư liệu giá trị về biển đảo quê hương được đưa vào tuyên truyền, giảng dạy trong trường học thật nhiều để thế hệ trẻ hiểu và trân quý sự hy sinh của ông cha với quần đảo máu thịt của Tổ quốc. Được biết, ông Sơn từng tham gia lính địa phương thuộc tiểu khu Quảng Nam. Tháng 1.1973, trung đội của ông dưới sự chỉ huy của trung úy Đỗ Công Chương nhận Sự vụ lệnh của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam xuống chiến hạm Trần Khánh Dư rời cảng Đà Nẵng ra quần đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ vùng biên cương đến tháng 4.1973. 

UBND huyện Hoàng Sa thăm, tặng quà nhân chứng Hoàng Sa - Anh 2

Đại diện UBND huyện Hoàng Sa thăm hỏi, trao quà nhân chứng Lê Lan

Là một trong những nhân chứng còn khỏe mạnh và minh mẫn, ông Lê Lan (SN 1952, trú phường Sơn Phong, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) có 2 lần ra Hoàng Sa công tác. Năm 1971, ông làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ đảo và phụ trách khám sức khoe, cung cấp thuốc cho lính địa phương quân trên đảo Hoàng Sa trong thời gian 3 tháng. Đến năm 1973, ông tiếp tục được cử ra Hoàng Sa công tác cho đến khi bị Trung Quốc bắt tạm giam ở Hải Nam cùng với trung đội Hoàng Sa vào 19.1.1974. 
Nhắc về ký ức những mùa Tết, ông Lan chia sẻ: “Năm nào cũng được UBND huyện Hoàng Sa đến thăm hỏi, tặng quà. Đó là niềm vui sẻ chia cuối năm và cũng là để nhắc lại, khẳng định về chủ quyền trường tồn của Việt Nam với Việt Nam. Tôi vẫn nhớ nhiều về dịp giáp Tết trên quần đảo Hoàng Sa 49 năm trước, khi ấy ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo trái phép (19.1.1974) cũng là 27 tháng Chạp năm Quý Sửu. Đảo bị chiếm khi mâm cỗ Tết đang chuẩn bị vẫn chưa trọn vẹn. Vì thế không thể lãng quên ngày tháng này”.

XUÂN SƠN

Ý kiến bạn đọc