Phụ nữ Việt với khát vọng hòa bình

VHO- Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Ban Di sản Ký ức đã phối hợp tổ chức sự kiện Khát vọng hòa bình. Từ câu chuyện trong lịch sử cho tới hiện đại, có thể thấy, phụ nữ luôn là nguồn lực quan trọng, cùng sự đồng hành của cộng đồng và toàn xã hội sẽ không ngừng vun đắp, gìn giữ hòa bình.

Phụ nữ Việt với khát vọng hòa bình - Anh 1

 Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga động viên các nữ quân nhân Bệnh viện dã chiến trong đội hình “Lính mũ nồi xanh” Ảnh: T.BẢO

Ngày 27.1 cách đây tròn 50 năm, nhân dân hai miền Nam Bắc đón chào một sự kiện trọng đại sau gần 2 thập kỷ chờ đợi: Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử, một thắng lợi của khát vọng hòa bình, của ý chí, tinh thần Việt Nam cùng sự đồng hành của nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp năm châu.

Những “đội quân tóc dài” đã đi vào huyền thoại

Phát biểu tại sự kiện Khát vọng Hòa bình, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhắc lại câu chuyện của bà Raymonde Dien, người phụ nữ Pháp đã nằm trên đường ray để chặn một đoàn tàu chở vũ khí sang Ðông Dương. Ở Việt Nam, nhiều phụ nữ đấu tranh cho nền hòa bình, độc lập của dân tộc đã đi vào huyền thoại, có thể kể đến: “Nữ tướng” Nguyễn Thị Định, người lãnh đạo và chỉ huy “Đội quân tóc dài” lập nhiều kỳ tích trong phong trào Đồng Khởi; bà Nguyễn Thị Bình, nhà ngoại giao sắc sảo mà kiên định trên bàn đàm phán đã vinh dự được ký tên vào Hiệp định Paris... Và còn rất nhiều những người phụ nữ Việt Nam khác, họ là văn công, liên lạc, chiến sĩ biệt động, thanh niên xung phong tuổi đời mới đôi mươi hăng hái lên đường ra trận, những chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất trước đòn roi của kẻ thù, luôn sẵn một tinh thần “Ngày chiến thắng chưa chắc đã có mình, trên con đường đi đến chiến thắng mình có thể hy sinh” để hôm nay chúng ta được sống trong hòa bình, để tập trung xây dựng và phát triển đất nước.

Ngày 27.1.1973, trải qua 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, với 202 phiên họp công khai và 24 đợt gặp riêng, Hiệp định Paris cuối cùng đã được ký kết. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên bàn thương lượng đã giành được thắng lợi quan trọng, to lớn về nhiều mặt; mở ra cánh cửa đến với hòa bình, với độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam. Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Đóng góp vào thành công của Hiệp định có vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam, phong trào đấu tranh của phụ nữ và nhân dân trên toàn thế giới cùng chung lý tưởng, khát vọng hòa bình. Việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trong những năm gần đây đã cho thấy những nỗ lực và đóng góp quan trọng của Việt Nam với nền hòa bình của thế giới. Sự hiện diện của các nữ quân nhân Việt Nam tại Lực lượng Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đã tạo ra những khác biệt tích cực trong các cộng đồng và nhóm dân cư ở nước sở tại.

“Xin chào Việt Nam!”

Đến với sự kiện Khát vọng hòa bình, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, nữ quân nhân Việt Nam đầu tiên tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc chia sẻ, chị đang trong nhiệm vụ nhiệm kỳ thứ hai và những ngày nghỉ phép cuối cùng để lại lên đường sang Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ. “Nhận nhiệm vụ tham gia gìn giữ hòa bình là niềm vinh dự và tự hào cho bản thân tôi cũng như gia đình. Chính vì vậy, khi làm nhiệm vụ, chúng tôi đem hết tâm huyết, nhiệt tình của mình để chia sẻ chân thành tới người dân sở tại. Bạn bè quốc tế nhìn thấy những gì chúng tôi làm được họ rất trân trọng. Chúng tôi cố gắng trở thành những người mang văn hóa Việt Nam đến với họ và thể hiện cho họ thấy rằng phụ nữ Việt Nam có thể làm được những công việc khó khăn nhất”, Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga bày tỏ.

Nữ quân nhân chia sẻ thêm, có một lần vài chị em đi bộ tập thể dục trong căn cứ của Liên Hợp Quốc, bên ngoài là khu bảo vệ, có rào chắn, dây thép gai. Người ở khu thường dân có thể nhìn thấy họ bên trong. Từ bên ngoài, họ hồ hởi vẫy tay chào chúng tôi bằng tiếng Việt: “Xin chào Việt Nam!”. Ở một nơi khó khăn, không có nước sạch, không có điện, hoàn toàn không có thông tin gì mà họ lại biết tiếng Việt Nam khiến chúng tôi rất xúc động và tự hào. “Chúng tôi đã khẳng định với những bạn bè đồng nghiệp rằng, chúng ta tuy tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình mới năm thứ 8, nhưng bằng sự chân thành, người bản địa đã biết đến Việt Nam. Đó là thành công lớn của chúng tôi”, nữ quân nhân Việt Nam đầu tiên tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc nói.

Từ năm 2014 đến nay, chúng ta đã gửi hàng trăm lượt sĩ quan, quân nhân tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Đánh giá về vai trò của phụ nữ tham gia lực lượng, Đại tá Mạc Đức Trọng, Cục phó Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam khẳng định, phụ nữ Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc Việt Nam. Cho đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng là 15% cao hơn kỳ vọng của Liên Hợp Quốc (9% cho năm 2020) và Việt Nam đã phấn đấu đạt được 25%. Phụ nữ trong lực lượng quân đội cũng như công an tham gia ở tất cả các lĩnh vực từ quan sát viên quân sự, bộ phận hậu cần, sĩ quan phân tích thông tin và kể cả sĩ quan tác chiến. Có những lĩnh vực chỉ có phụ nữ mới có thể làm tốt như bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong các cuộc xung đột. “Lực lượng gìn giữ Hòa Bình Việt Nam nói chung và các nữ quân nhân nói riêng sẽ phấn đấu hết mình để làm sao đưa hình ảnh Việt Nam với những phẩm chất tốt đẹp nhất của Bộ đội Cụ Hồ tới cư dân và bạn bè thế giới, phấn đấu làm hết sức mình để đóng góp cho nền hòa bình nhân loại…”, Đại tá Mạc Đức Trọng nhấn mạnh. 

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc