Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Để có những tác phẩm văn học, nghệ thuật “Sống mãi với thời gian”

Thứ Sáu 20/01/2023 | 00:00 GMT+7

VHO- Tối 18.12, tại Nhà hát thành phố Hải Phòng, Bộ VHTTDL phát động sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022-2025. Tiếp đó, ngày 19.12.2022, Hội đồng Lý luận văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc để nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. 

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tại Lễ phát động sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian”          Ảnh: Trần Huấn

“Quần chúng đang chờ đợi…”

Đây là những sự kiện hết sức có ý nghĩa trong việc định hướng sự phát triển văn học, nghệ thuật trong thời gian sắp tới, cũng như cụ thể hóa tinh thần Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, để lĩnh vực đặc biệt tinh tế này trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước.

Cách đây đúng 60 năm, ngày 1.12.1962, tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta”. Giờ đây, nhìn nhận một cách thẳng thắn, chúng ta vẫn chưa thực sự thực hiện thật tốt lời căn dặn của Bác, chưa đáp ứng được với kỳ vọng của những người yêu mến văn học, nghệ thuật, cũng như khát khao khai thác giá trị văn hoá cho sự phát triển bền vững. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật của Việt Nam có thể chinh phục khán giả thế giới còn chưa nhiều. Tên tuổi, thương hiệu của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo Việt Nam chưa thực sự được định hình rõ ràng trong khu vực và trên thế giới. Nhiều sản phẩm nghệ thuật xuất hiện nhưng chưa tạo thành trào lưu, sớm nở tối tàn, các sự kiện không được tổ chức thường xuyên, không gian sáng tạo xuất hiện nhiều nhưng cũng biến mất nhanh... Không những thế, các tác phẩm văn học, nghệ thuật nước ngoài, trong đó có rất nhiều sản phẩm lệch chuẩn, không phù hợp, đang chi phối tâm trí, thói quen của người Việt Nam, dẫn đến nguy cơ xâm lăng văn hóa, mà “văn hóa còn, dân tộc còn”, mất văn hóa là mất nước!

Để hướng tới việc có những tác phẩm xứng tầm thời đại cho kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 – 2030) và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam), theo tôi cần có nhiều giải pháp, đặc biệt, cần có cách tiếp cận mới để hình thành nên những giải pháp mới.

Chúng ta đang ở trong bối cảnh mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử, ở đó có những kinh nghiệm quá khứ để giải quyết vấn đề hiện tại. Để khơi thông sức sáng sángcho văn học, nghệ thuật trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, và đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của một xã hội số, nền kinh tế số, văn hóa số và công dân số, thì việc tiếp cận văn học, nghệ thuật dưới góc độ của công nghiệp văn hóa nhất định phải được xem xét, cân nhắc.

Văn học, nghệ thuật vẫn còn rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hoá của mình

Đánh giá về về mối quan hệ giữa phát triển văn học, nghệ thuật và công nghiệp văn hóa, chúng ta nhận thấy rằng: Trong khi nền kinh tế thị trường đã thấm sâu vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, thì văn học, nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè trong việc khẳng định giá trị hàng hoá của mình. Chúng ta cần khẳng định sản phẩm văn học, nghệ thuật cũng là sản phẩm hàng hoá, tuy nhiên có logic đặc biệt. Khi khẳng định tính chất hàng hoá của sản phẩm văn học, nghệ thuật, chúng ta mới chú ý nhiều hơn đến thị trường, phát triển khán giả, bản quyền, kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu... Khi chúng ta xác định logic đặc biệt của sản phẩm văn học, nghệ thuật, chúng ta mới thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc phát triển văn hoá vì sự phát triển bền vững, tạo nên niềm tự hào dân tộc và giúp khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh. Thứ hai là thiếu sự phối hợp trong phát triển công nghiệp văn hoá. Đến thời điểm này, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hoá còn gặp khó khăn vì chưa thực sự có đầu mối đủ mạnh để định hướng sự phát triển này. Trong 12 ngành, Bộ VHTTDL chỉ quản lý 5 ngành gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hoá. Chúng ta đầu biết, phát triển các ngành công nghiệp văn hoá có sự gắn bó với nhau để làm nên sức mạnh tổng hợp cho không chỉ các ngành này, mà còn cả với nền kinh tế của đất nước. Điện ảnh thì có thể tạo ra sự hấp dẫn cho du lịch văn hoá, tạo điều kiện phát triển thời trang, ẩm thực. Du lịch văn hoá lại giúp phát triển các lĩnh vực khác trong xã hội. Vì thế, việc thiếu đầu mối đủ tầm và phối hợp giữa các ngành với nhau khiến việc phát triển công nghiệp văn hoá gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự phối hợp công – tư cũng chịu nhiều cản trở, trong đó có cả việc thiếu niềm tin lẫn nhau và sự hỗ trợ chính sách. Những mô hình đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đa phần là tự phát, đến từ niềm đam mê của các cá nhân yêu thích sáng tạo, mong muốn tìm ra điều mới mẻ cho cuộc sống và công việc kinh doanh. Nhưng bầu nhiệt huyết của họ sẽ gặp khó khăn khi thiếu đi sự hỗ trợ từ chính quyền hay của chính các doanh nghiệp tương tự trong mạng lưới sáng tạo. Thứ ba là giáo dục sáng tạo và kỹ năng kinh doanh là điểm nghẽn tiếp theo. Hệ thống giáo dục của ta có một số điểm chưa tương thích đối với hoạt động đổi mới sáng tạo. Dù có nhiều cải tiến, thay đổi theo hướng hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thực hành sáng tạo nhưng vì nhiều lý do, đặc biệt là khối lượng kiến thức cần học quá lớn, khiến cho các môn học liên quan đến sáng tạo, nghệ thuật chưa được coi trọng đúng mức. Trong khi đó, các môn học về nghệ thuật chẳng hạn, giúp học sinh, sinh viên rất nhiều trong việc hoàn thiện nhân cách, các kỹ năng mềm, và nhất là tinh thần sáng tạo. Thiếu đi tinh thần sáng tạo ấy ở các cấp học, ngay từ nhỏ, việc hình thành những công dân sáng tạo, những khách hàng tương lai của thị trường nghệ thuật sẽ gặp khó khăn. Không những thế, việc giảng dạy ở các trường nghệ thuật cũng nảy sinh những bất cập trong việc cập nhật với nền kinh tế thị trường. Tài năng nghệ thuật mới chỉ là yếu tố cần và phải cần đến kiến thức, hiểu biết về kỹ năng kinh doanh để tạo nên sự thành công của một nghệ sĩ. Việc học vẽ có thể rất quan trọng nhưng việc xây dựng thương hiệu cho bản thân, tác phẩm hội họa và giao tiếp tốt với khách hàng mua tranh cũng quan trọng không kém. Đó chính là lý do tại sao các môn học về marketing nghệ thuật, kỹ năng kinh doanh, quan hệ công chúng lại nên được xem là những môn học chính ở các trường nghệ thuật (mà hiện nay chúng ta đang rất yếu). Ngoài ra, những điểm nghẽn về chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hoá như địa vị pháp lý cho các doanh nghiệp sáng tạo, sử dụng đất, thuế, luật về bảo trợ và hiến tặng,... cũng là những rào cản khác khiến các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, trong đó có văn học, nghệ thuật, chưa thể cất cánh được!

Giải pháp nào?

Tất nhiên, để giải quyết thấu đáo những điểm nghẽn này, chúng ta phải thực hiện rất nhiều hành động, theo tôi, đó là:

Thứ nhất, cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là của các nhà quản lý, ở đó cần coi văn học, nghệ thuật là nguồn lực cho phát triển bền vững đất nước; cần cân bằng chức năng kinh tế - chính trị - xã hội – văn hóa của văn học, nghệ thuật, không đặt quá nhiều gánh nặng đạo đức, chính trị cho văn học, nghệ thuật nhưng cũng không quá cực đoan chức năng giải trí của văn học, nghệ thuật.

Thứ hải, hoàn thiện hệ thống luật pháp về văn học, nghệ thuật như xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, Nghị định, tiến tới Luật Văn học... theo hướng tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho phát triển văn học, nghệ thuật và lan tỏa tích cực sang các lĩnh vự kinh tế - chính trị - xã hội khác.

Thứ ba, hình thành hệ thống giải thưởng, sự kiện tôn vinh các loại hình văn học, nghệ thuật để tạo nên môi trường nuôi dưỡng, khuyến khích sự đa dạng của văn học, nghệ thuật; đồng thời khuyến khích văn nghệ sĩ tham gia vào các sự kiện, giải thưởng văn học, nghệ thuật ở nước ngoài để xây dựng thương hiệu cho các văn nghệ sĩ và tác phẩm văn học, nghệ thuật của đất nước.

Thứ tư,  văn học, nghệ thuật là một lĩnh vực chịu ảnh hưởng của các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Rất nhiều khi, rào cản, khó khăn đối với văn học, nghệ thuật lại không đến từ chính văn học, nghệ thuật mà đến từ kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ, giáo dục... Vì thế, chúng ta cần có những tháo gỡ từ các lĩnh vực khác đó.  Như vậy, hình thành các không gian sáng tạo để lan tỏa thông điệp sáng tạo, hình thành công chúng cho thị trường nghệ thuật, có chính sách miễn giảm thuế cho các khoản đóng góp cho giải thưởng, hoạt động văn học, nghệ thuật, ưu đãi đất đai, hình thành các quỹ văn học, nghệ thuật, bảo vệ bản quyền tác giả và quyền liên quan... sẽ giúp văn học, nghệ thuật của đất nước cất cánh.

Cuối cùng, tôi xin trích lại phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị văn hóa toàn quốc: “Tôi tin rằng, với một đất nước, một dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới”.         

BÙI HOÀI SƠN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top