Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Sáng tác của người Việt/gốc Việt ở nước ngoài: Những người được gọi tên

Thứ Năm 19/01/2023 | 09:00 GMT+7

VHO- Hè năm ngoái, tôi đưa tin lên diễn đàn Tủ sách Việt ở Bỉ rằng tiểu thuyết Những ngọn núi ngân vang của Nguyễn Phan Quế Mai đã dịch ra tiếng Hà Lan với tên gọi De bergen zingen, lập tức nhận hưởng ứng “Bán ở hiệu sách chưa để ủng hộ nhà văn Việt nào?”, “Tự hào quá. Mua làm quà tặng bố mẹ chồng dịp năm mới rất ý nghĩa”...  Còn bây giờ, ngay lối vào góc của tiểu thuyết, ngự vị trí trang trọng và dễ thấy nhất trong thư viện thị trấn Rotselaar (Bỉ) là “Vietnamees in Parijs” của Viet Thanh Nguyen.

 Tiểu thuyết Vietnamees in Parijs của Viet Thanh Nguyen trong thư viện Rotselaar ở Bỉ

Mỗi người một vẻ

Dòng chảy sáng tác văn học và nhịp đọc của người Việt/gốc Việt ở nước ngoài  trông im ắng thế thôi, có ai xới lên một cái là sôi động ngay. Chỉ cần liên quan gốc rễ Việt đã đủ gây chú ý, huống chi mảng văn học. Viết được, in được, lại còn dịch được ra ngôn ngữ không phổ thông lắm như tiếng Hà Lan, càng quý. Ngẫm mà xem, một cô dâu Việt nhập gia đình chồng ở Bỉ hoặc Hà Lan. Hằng tuần bảo cô nấu món Việt thết đãi bố mẹ chồng, quá dễ. Nhưng tiệc mừng năm mới mà bày được món sách của nhà văn Việt/gốc Việt in bằng tiếng Hà Lan lên mâm thì đúng tiệc nhà hàng ba sao Michelin rồi còn gì.

Ở mảng sáng tác văn học của người gốc Việt, Viet Thanh Nguyen, Ocean Vuong, Doan Bui đang rất được lòng giới độc giả trí thức ở Mỹ, châu Âu. Nhưng chỉ dựa vào văn phong và cốt truyện, chưa hẳn các nhà văn đã tìm ngay được một chỗ trên thị trường sách, trong thư viện và được nhà xuất bản thế giới cũng như hội đồng xét giải gọi tên.

Khác với thế hệ 1.0 ra đi khi đã trưởng thành, Viet Thanh Nguyen hay Ocean Vuong được gọi là thế hệ 1.5 hoặc 2.0,  họ rời khỏi đất nước khi còn nhỏ tuổi hoặc sinh ra tại Mỹ. Sáng tác của họ là văn học Mỹ của tác giả gốc Việt, ngấm tư tưởng và phông văn hóa Mỹ sâu rồi. Tác phẩm của họ (không phải bằng tiếng Việt) khiến độc giả Mỹ đọc trực tiếp được, hiểu được, rung động được. Ra thế giới là chuyện trong tầm tay. Họ trở thành những người được gọi tên.

Nhà văn Việt sáng tác trực tiếp được bằng tiếng Anh cũng dễ tiếp cận độc giả ở nước ngoài hơn, như trường hợp Những ngọn núi ngân vang của Nguyễn Phan Quế Mai. Cuốn tiểu thuyết này nhanh chóng đưa Nguyễn Phan Quế Mai trở thành tiếng nói có ảnh hưởng trên thế giới bởi nhiều yếu tố. Nhưng trước tiên phải kể đến nội dung Những ngọn núi ngân vang thỏa mãn sự tò mò của độc giả Mỹ. Tiến sĩ văn học Võ Hương Quỳnh, giảng dạy về văn học châu Á và văn học châu Á di dân tại American University (Mỹ) nhấn ý: “Người Mỹ luôn muốn biết hậu chiến người Việt nghĩ gì về họ. Tác phẩm của Nguyễn Phan Quế Mai cho họ thấy góc nhìn đó cùng những hệ lụy của chiến tranh. Sở dĩ văn học dịch kém hẳn so với văn học viết trực tiếp bằng tiếng nước ngoài bởi qua tay dịch giả, giọng văn có thể không được như mong đợi, tầm ảnh hưởng về mặt chính trị hơi bị thiệt thòi hơn so với viết trực tiếp bằng tiếng Anh. Số lượng độc giả vì thế cũng giới hạn hơn, người ta hơi bị khựng lại và thường có chút hoài nghi về dịch giả”.

Sau Những ngọn núi ngân vang, nhà văn Nguyễn Phan Quế Mai cho biết, tiểu thuyết thứ hai Dust Child của chị cũng viết bằng tiếng Anh sẽ được xuất bản vào tháng 3.2023 tại Mỹ, tháng 4.2023 tại Anh. Một nhà văn Việt khi sáng tác được bằng thứ tiếng phổ thông với thế giới còn tìm được chỗ đứng sâu rộng hơn trong đời sống văn học. Chị chia sẻ nhanh với tôi trước giờ bay qua Uzbekistan: “Tôi sẽ có tour ra mắt sách tại 13 thành phố của Mỹ và Canada, cùng nhiều sự kiện ra mắt sách vào tháng 4 và tháng 5 ở Anh, New Zealand, Australia. Những sự kiện này đều do các nhà xuất bản tổ chức”.

Những dòng chảy khác

Nhưng chỉ trông chờ mảng văn học Mỹ, Pháp, Anh... của nhà văn gốc Việt, thế giới đọc hẳn sẽ thiếu đi nhiều màu sắc. Khách quan, văn học Việt Nam vẫn phải dựa vào người lái đò là các dịch giả giúp đưa tác phẩm ra thế giới. Việc của người sáng tác bằng tiếng Việt là phải viết cho hay đã, mang được tính quốc tế càng tốt. Việc còn lại là chờ dịch giả gọi tên, hoặc nên chủ động gọi tên dịch giả.

Gần đây có 22 nhà văn nữ của Việt Nam được gọi tên khi 22 truyện ngắn đương đại của họ như Nỗi niềm gối trắng (Dạ Ngân), Chồi non (Nguyễn Phan Quế Mai), Chọn chồng (Kiều Bích Hậu), Trăng muộn (Nguyễn Thị Châu Giang), Tiếng đàn môi sau bờ rào đá (Đỗ Bích Thúy), Đảo (Nguyễn Ngọc Tư)... được NXB Đại học Texas Tech (Mỹ) phê duyệt và dự kiến sẽ xuất bản thành tuyển tập vào hè 2024. Tuyển tập này do giáo sư Hà Mạnh Quân cùng tiến sĩ Võ Hương Quỳnh chọn và dịch Anh ngữ. Tiến sĩ Võ Hương Quỳnh chính là người dịch truyện ngắn Năm tháng chiến tranh của Viet Thanh Nguyen để in trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Cô chia sẻ quan điểm chọn tác phẩm của nhà văn Việt để dịch và giới thiệu, giảng dạy tại Mỹ: “Các tác phẩm ấy phải cho thấy sự vận động phát triển trong văn hóa Việt khi hội nhập với thế giới như thế nào. Quá trình thay đổi về tư tưởng ra sao, từ đó thể hiện qua phong cách văn chương của người viết”.

Tiểu thuyết Vietnamees in Parijs của Viet Thanh Nguyen có cơ hội tiếp cận thêm độc giả ở Bỉ, Hà Lan khi được NXB Marmer lựa chọn và Quỹ Văn học Hà Lan hỗ trợ. Khi Paul Bruijn và Molly Van Gelder dịch tiểu thuyết có tên gốc The comitted này sang tiếng Hà Lan, họ đã bám thị trường sát sàn sạt bằng cách đổi tựa sách thành Vietnamees in Parijs - tạm dịch Người Việt ở Paris. Tựa này khiến độc giả bản xứ chú ý hơn, người Việt vốn đã gợi, ở Paris lại càng gần!

Và nếu lật trang sau của cuốn tiểu thuyết dày khoảng 400 trang này, sẽ thấy ghi rõ dòng chữ “Bản dịch được thực hiện với sự tài trợ của dự án thuộc Nederlands Letterfonds”. Nederlands Letterfonds - Quỹ Văn học Hà Lan là một trong sáu quỹ văn hóa do Chính phủ tài trợ, mong muốn đóng góp cho một xã hội có nền tảng đọc thông minh và sáng tạo, trong đó vai trò của văn học, của các nhà văn và dịch giả được ghi nhận và đánh giá cao.

Phải nói rằng nhờ có những hỗ trợ từ Chính phủ như thế này, mới có thêm một chỗ cho văn học của người Việt/gốc Việt thâm nhập thế giới của người đọc tiếng Hà Lan nói riêng. Và nếu các nhà văn Việt cũng may mắn có một quỹ của Nhà nước hỗ trợ dịch tác phẩm ra tiếng nước ngoài, chắc chắn sẽ có thêm đầu sách văn học Việt xuất hiện trong hiệu sách nước ngoài, trên các trang bán sách quốc tế trực tuyến và ở thư viện nhiều nước. Thực tế các thư viện ở nước ngoài vẫn có nhu cầu về mảng sách văn học Việt. Gần đây, tôi và nhóm bạn ở Bỉ đã giới thiệu thành công cho thư viện thành phố Sint - Niklaas đặt mua hai tác phẩm Behind the redmist, Apocalypse Hotel của nhà văn Hồ Anh Thái đưa về phục vụ độc giả địa phương. Từ đây cũng ngẫm ngợi thêm một điều, mỗi độc giả Việt ở nước ngoài là một sứ giả. Bằng cách vào thư viện địa phương hỏi về một tác phẩm văn học Việt mình yêu thích (đã được dịch ra tiếng nước ngoài), cũng là cách mở đường cho văn học Việt Nam nói chung và văn học của người gốc Việt nói riêng có thêm một chỗ trong thế giới này.

KIỀU BÍCH HƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top