Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Gác kèo ong ở xứ rừng U Minh Hạ

Thứ Tư 18/01/2023 | 15:11 GMT+7

VHO- Huyện U Minh, tỉnh Cà Mau có nhiều nghề truyền thống như nghề đan đát, nghề làm tôm khô, nghề muối ba khía, nghề gác kèo ong,… Trong đó, nghề gác kèo ong đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân nơi đây, vừa tạo ra một khối lượng lớn sản phẩm độc đáo có giá trị kinh tế, văn hóa – xã hội, vừa là chiếc cầu nối gắn kết các thành viên trong gia đình. Nghề gác kèo ong đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Ong đến làm tổ

Hình thành từ thời khai hoang mở cõi

Ở Rừng Quốc gia U Minh Hạ, tràm là loài thực vật đặc trưng cho vùng đất cuối trời của Tổ quốc. Khi cây tràm trổ bông cũng là mùa để cho những con ong cần mẫn đi hút nhụy hoa, dựa vào tập quán của loài ong mà người dân ở nơi đây đã hình thành nên nghề gác kèo ong truyền thống. Thuật ngữ “Gác kèo ong” là do các bậc cao niên trong nghề đặt tên từ rất xa xưa. Đây là một hình thức mô tả quá trình dựng nhà để dẫn dụ ong về làm tổ, tạo môi trường để con ong đến sinh sống. Gác kèo ong được biểu hiện dưới hình thức nghề thủ công có từ lâu đời được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở xứ rừng U Minh Hạ.

Theo các bậc cao niên trong nghề thì nghề gác kèo ong hình thành rất sớm, từ những ngày đầu tiên con người đặt chân đến vùng đất này khai hoang mở cõi khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XIX. Trong cuốn sách U Minh chim và ong của tác giả Anh Động thì cho rằng “Từ thời Mạc Cửu (1655-1735) khai mở đất Hà Tiên, nghề gác kèo ong hình thành. Nhưng thịnh hành và có tổ chức, kỹ luật nhất là những thập niên cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tiếng “ăn ong” người ta thường dùng cho vùng U Minh từ nam sông Cái Lớn trở xuống Cà Mau, vùng bắc sông Cái Lớn trở lên Hà Tiên thì gọi là “lội ong”. Bởi “ăn ong” là phần người ta phải gác kèo nhử ong về đóng ổ, còn “lội ong” là theo vèo nhắm hướng tìm bắt ong tự nhiên”.

Nghề gác kèo ong không đòi hỏi nguồn vốn quá nhiều và yêu cầu kỹ thuật cao như đối với các lĩnh vực sản xuất khác, mà chủ yếu là tận dụng nguồn nguyên liệu và nguồn lao động tại địa phương và các khu vực lân cận. Ngoài ra, sự phát triển của nghề truyền thống còn kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển, tạo ra công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn.

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Vững (50 tuổi ở Ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã 19/5 cho biết: “Hợp tác xã 19/5 với ngành nghề hoạt động là trồng rừng và chăm sóc rừng, khai thác gỗ và kinh doanh các sản phẩm dưới tán rừng với tổng diện tích được giao là 520 ha. Diện tích rừng này được chia cho 39 thành viên (trong đó có đến 31 thành viên tham gia vào nghề gác kèo ong) đang đi vào hoạt động có hiệu quả. Sản lượng mật ong của Hợp tác xã 19/5 hiện nay đạt khoảng 6.200 lít/năm. Đây cũng là một trong những nghề mưu sinh chính của người dân vùng rừng tại xã Nguyễn Phích, sản lượng trung bình hằng năm của một hộ xã viên khoảng 200 - 250 lít/năm (với giá thành hiện tại từ 350.000 - 500.000 đồng/lít mật).

 Thổi khói để xua đàn ong

Tăng tính cố kết cộng đồng và phát triển du lịch

Nghề gác kèo ong không chỉ có giá trị về kinh tế, là nguồn thu nhập nuôi sống bao gia đình bao thế hệ mà còn là nghề mang đậm bản sắc văn hóa của tỉnh Cà Mau nói chung và huyện U Minh nói riêng, có sức sống bền bỉ, gắn chặt với rừng tràm và tồn tại hàng trăm năm. Đây là nghề cha truyền con nối tiếp nhau qua các thế hệ và gắn bó suốt cả đời nên không phải ai làm cũng được, đối với thợ gác kèo ong giỏi cần phải có kỹ thuật, kinh nghiệm, năng khiếu và bí quyết gia truyền, là niềm đam mê vì mỗi người có một phương thức gác kèo ong khác nhau, kỹ thuật khác nhau nhưng cùng hướng đến mục đích, là khuất phục được loài ong rừng vốn rất hung dữ, sinh hoạt bầy đàn, cung cấp cho các thợ rừng một sản lượng mật ong rất lớn. Gác kèo ong còn giúp cho con người gần gũi với thiên nhiên, yêu mến thiên nhiên, từ đó ra sức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nghề truyền thống này góp phần giáo dục thế hệ trẻ bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo điều kiện cho các nhà khoa học mở ra hướng nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực.

Ông Trần Văn Nhì - 63 tuổi (thường gọi là Út Nhì, ngụ Ấp 1, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh), người khá nổi tiếng trong giới “gác kèo ong” bởi đã có hơn 46 năm trong nghề, đến nay ông vẫn giữ được cái hồn cốt của nghề “ăn ong”. Ông Út Nhì kể lại rằng ong thời đó nhiều vô kể, gác 10 cây kèo thì có đến 9 cây kèo ong đã vào làm tổ và sản lượng mật ngày xưa cũng nhiều hơn so với bây giờ. Khi ông còn nhỏ, thấy cha đi gác kèo, ông đã mê với nghề nhưng không được cha cho đi theo, cho đến năm 15 tuổi ông mới được cha truyền nghề cho mình và đến năm 16 tuổi thì ông được đi theo người anh rể vào rừng để gác kèo ong. Đến năm 17 tuổi thì ông đã tự mình vào rừng gác kèo cho đến hôm nay. Theo thời gian, ông được cha truyền dạy từ cách quan sát, chọn điểm làm kèo cho đến cách gác kèo với niềm đam mê, chăm chút học nghề của mình nhưng cũng mất khoảng 10 năm sau ông mới được xem là người thợ “ăn ong” chuyên nghiệp. Theo ông Út Nhì, một người bình thường không thể tự học để giỏi nghề “ăn ong” mà còn phải có bí quyết riêng của gia đình truyền lại. Khi gác kèo phải tìm nơi nào có cây sậy sống, bông tràm nhiều, đặc biệt là phải đảm bảo nắng buổi sáng rọi vô được và nắng chiều cũng rọi vô tới kèo thì ong mới đến làm tổ. Ông Út Nhì đã có 5 đời theo nghề gác kèo ong tại rừng U Minh Hạ và đời ông là đời thứ 4. Ông cũng cho biết sau này ông sẽ truyền hết nghề của mình học được từ cha ông cho người con trai. Được biết, người con trao ông cũng đã có 25 năm theo ông làm nghề gác kèo ong tại rừng U Minh Hạ…

Giá trị văn hóa của nghề gác kèo ong còn được thể hiện qua sự liên kết, phối hợp và giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình vào rừng gác kèo ong, tạo nên sự gắn bó trong mối quan hệ xóm ấp với nhau, họ quan niệm rằng “bà con xa không bằng láng giềng gần” chính vì thế, đã làm tăng tính cố kết cộng đồng.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, gác kèo ong là một trong những nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch. U Minh được thiên nhiên ưu đãi nhiều tiềm năng phát triển du lịch bởi nét hoang sơ nguyên vẹn của nó, đồng thời U Minh nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nên có nhiều sản phẩm du lịch tương đồng mang tính cạnh tranh cao. Cùng với nhu cầu thực tế của cuộc sống, phát triển du lịch sinh thái gắn với nghề gác kèo ong là tất yếu và chắc chắn ngày càng được mở rộng tại huyện U Minh dựa trên tài nguyên thiên nhiên hệ sinh thái rừng ngập ngọt vùng đất U Minh Hạ với thảm thực vật phong phú. Trong đó nổi bật có cây tràm, loài cây có khả năng bám trụ rất tốt trên đất phèn chua, ngập úng. Khi đến với huyện U Minh, du khách có dịp được trải nghiệm với nhiều điều mới lạ, hấp dẫn như đi bộ hoặc đạp xe đạp xuyên rừng tràm bạt ngàn để tận mắt nhìn thấy các loài động vật như chim, khỉ, sóc,… Du khách có dịp trải nghiệm thực tế quy trình gác kèo ong cũng như trải nghiệm thực tế quá trình lấy mật ong. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức mật ong ngay trong rừng với vị ngọt thanh, hậu chua nhẹ đặc trưng hương vị hoa tràm đã được triển khai tại điểm du lịch Hương Tràm thuộc Ấp 16 xã Khánh An.

TRỊNH TẤN KHOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top