Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris: Tìm lại chút dấu xưa

Thứ Ba 17/01/2023 | 21:25 GMT+7

VHO- Tròn 50 năm trước, ngày 27.1.1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký kết tại Paris giữa các bên Việt Nam dân chủ cộng hòa (VNDCCH), Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa.

 Khách sạn Majestic xưa (nay là Khách sạn Peninsula), số 19 Klébe, Paris- nơi tổ chức Hội nghị Paris 1968-1973

Có thể nói đây là một thắng lợi vô cùng to lớn cả về quân sự, chính trị, ngoại giao của nhân dân Việt Nam. Đồng thời đó cũng là thắng lợi của tất cả các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đó là kết quả của những thắng lợi trên chiến trường và  đường lối ngoại giao vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết của Việt Nam mà trực tiếp là của hai đoàn đại biểu VNDCCH và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. 

Theo các điều khoản của Hiệp định, Hoa Kỳ sẽ phải rút toàn bộ quân đội về nước. Đối với những người lính đang trực tiếp trên chiến trường thì đây là một tin vui lớn. Từ nay, họ sẽ không còn phải oằn mình chịu trận những trận bom rải thảm hoặc pháo dàn từ Hạm đội 7 bắn vào.

Về tổng thể, Hiệp định này là bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến, là tiền đề cho thắng lợi của Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình và tiến tới thống nhất đất nước ở Việt Nam.

Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những dấu tích xưa của một cuộc hội đàm ngoại giao vào loại dài nhất, phức tạp nhất...mọi thời đại vẫn còn hiển hiện.

Căn phòng ký kết Hiệp định vẫn được trang trí y như 50 năm trước

Khách sạn Majestic- đấu trường của gần 5 năm đấu trí, đua tài

Hiệp định Paris là kết quả của gần 5 năm đấu trí giữa các đoàn đại biểu với 201 cuộc họp công khai, hơn 40 cuộc tiếp xúc bí mật, hơn 500 cuộc họp báo và 1000 cuộc phỏng vấn. Hầu hết các diễn biến trên diễn ra tại hai căn phòng của khách sạn Majestic tọa lạc ở số 19 Đại lộ Klébe, cách Khải hoàn môn Paris chừng vài chục mét.

Khách sạn Majestic mở cửa vào năm 1908 và nhanh chóng trở thành địa điểm nổi tiếng ở Paris như là mộtkhách sạn đặc quyền của giới thượng lưu Paris. Khách sạn sang trọng này có 400 phòng và dãy phòng, mỗi phòng đều có tiện nghi hiện đại vào thời điểm đó, bao gồm cả phòng tắm.

Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, một số tòa nhà của khách sạn đã được trưng dụng để làm bệnh viện tạm thời. Việc trưng dụng không kéo dài quá năm tháng, tuy nhiên khách sạn đã dừng không hoạt động cho đến năm 1916 mới mở cửa trở lại sau một số công việc phục hồi. 

Năm 1936, khách sạn được Nhà nước mua và giao cho Cục Vũ khí của Bộ Chiến tranh. Trong Thế chiến II, Khách sạn Majestic là nơi đặt trụ sở của Bộ chỉ huy quân sự cấp cao của Đức tại Pháp. Chiến tranh kết thúc, nó được giao cho Bộ Ngoại giao. Sau đó tổ chức UNESCO đặt trụ sở tại đây một thời gian. 

Năm 1958, số 19 đại lộ Kléber một lần nữa là trụ sở Bộ Ngoại giao, và đặc biệt được sử dụng nhiều hơn như một trung tâm hội nghị quốc tế. Với tư cách này, từ năm 1968 đến năm 1973 nơi đây đã được sử dụng làm địa điểm tổ chức Hội nghị Paris về chiến tranh Việt Nam. Và ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết tại đây.

Vào năm 2007, chính phủ Pháp đã bán tòa nhà cho công ty phát triển khách sạn Katara Hospitality. Công ty đã tiến hành chỉnh trang và mở lại một khách sạn sang trọng ở đó mang tên “The Peninsula Paris”. Từ thời điểm này, khách sạn Majestic không còn tồn tại nữa. Việc trùng tu tòa nhà bắt đầu vào năm 2010 và hoàn thành sau đó 4 năm. 

Tuy nhiên, trong quá trình trùng tu những đặc điểm chính của khách sạn Majestic vẫn được giữ lại. Đặc biệt, căn phòng đã tiến hành lễ ký kết Hiệp định Paris vẫn còn nguyên vẹn từng đường phào chỉ, từng nét trang trí trên trần, trên tường và các cột, các cửa... Đối chiếu giữa những tấm ảnh tư liệu với những gì hiện có tại căn phòng này cho thấy nó vẫn được giữ nguyên, không có gì thay đổi so với 50 năm trước. Chỉ tiếc một điều, ở đây không có bất cứ cái gì lưu dấu về sự kiện này.

Ngôi nhà số 12 phố Darthe, Choisy le Roi, nơi đã diễn ra nhiều cuộc họp bí mật giữa VNDCCH và Hoa Kỳ

Chois le Roi- căn cứ địa của đoàn đại biểu VNDCCH

Theo như hồi ức của một số đại biểu đã tham gia HN Paris thì lúc mới sang, đoàn VNDCCH ăn nghỉ tại khách sạn Lutetia- một khách sạn tương đối sang trọng ở nội đô Paris. Tuy nhiên, sau 1 tuần tá túc tại đó, khi người phụ trách hậu cần trình bản thống kê chi tiêu của đoàn thì đoàn trưởng Xuân Thủy thất kinh: “Sao nhiều thế này? Nước mình còn nghèo, lấy đâu tiền mà trả?”. Thế là phải nhờ Đảng Cộng sản Pháp giúp đỡ và bạn bố trí cho đoàn về ở Choisy le Roi. 

Choisy le Roi là một thị trấn ở vùng phụ cận Paris, cách trung tâm thành phố khoảng hơn 10 km. Đây là một địa phương nhiều năm do Đảng cộng sản Pháp (PCF) nắm quyền. Tại đây, bạn bố trí đoàn vào ở tại Trường đào tạo cán bộ của Đảng. Ngoài ra, bạn còn dành thêm ngôi nhà số 11 phố Darthe làm nơi tiến hành các cuộc hội họp, làm việc. Đây cũng chính là địa điểm mà cố vấn Lê Đức Thọ đã bí mật gặp Kissinger một số lần.

Đã nửa thế kỷ trôi qua với bao vật đổi sao dời, thị trấn Choisy le Roi cũng đông vui, sầm uất hơn ngày xưa song những ngôi nhà mà đoàn đại biểu VNDCCH đã ở, đã sử dụng vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, tình cảm của lãnh đạo và người dân Choisy le Roi với Việt Nam vẫn thủy chung như nhất không hề thay đổi.

Ngôi nhà số 17 phố Cambeceres, Verrieres-le-Buisson- nơi đóng quân của đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Verrieres-le-Buisson- Nơi “ém quân” của đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Cũng tương tự như đoàn VNDCCH, khi đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam sang tham dự HN cũng được bố trí ở một thị trấn thuộc vùng phụ cận Paris nhưng lệch về phía Tây- Nam: TT  Verrieres-le-Buisson. Địa điểm này cách Choisy le Roi- căn cứ địa của đoàn VNDCCH chỉ khoảng 10-12 km theo đường chim bay nên cũng tiện cho hai đoàn gặp gỡ, trao đổi. 

Verrieres-le-Buisson là một thị trấn nhỏ mà chất điền trang, nông trại còn lấn át chất đô thị. Rất ít nhà cao tầng. Hầu hết nhà trong thị trấn là những ngôi nhà nhỏ 2-3 tầng. Các khu dân cư xen lẫn với rừng cây. Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam “ém quân” ở nhà số 17 phố Cambeceres. 

Đó là một ngôi nhà ba tầng (cả tầng áp mái) khá bề thế. Nhìn bên ngoài đoán chắc cũng phải gần chục phòng. Nhà sơn màu trắng, mái lợp đá đen truyền thống đường bệ tựa như một công sở nào đó chứ không phải nhà dân. Ngôi nhà có địa thế rất đẹp, lưng dựa vào quả đồi, mặt nhìn ra hồ nước. Giữa hồ, một cái chòi nhỏ dựng lên làm nhà cho đàn vịt trời. Ven hồ là một công viên nhỏ rất thơ mộng có thể đi dạo hoặc ngồi ngắm cảnh. 

Tấm biển trước nhà 17 Cambeceres ghi rõ: “Ở tại đây từ 1968 đến 1973 là phái đoàn của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Pari ngày 27.1.1973”

Đặc biệt, trên bãi cỏ trước nhà có một tấm biển màu trắng cỡ bằng cuốn sách khổ vừa trên đầu môt cái cột cũng màu trắng. Tấm biển đề: “Ở tại đây từ 1968 đến 1973 là phái đoàn của Chính phủ Casch mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán và ký kết Hiệp định Pari ngày 27.1.1973”. Ở phía dưới, bên trái là hình ảnh lá quốc kỳ cờ đỏ sao vàng, còn góc bên phải là tên và logo của thị trấn Verrieres-le-Buisson. Có thể thấy chính quyền địa phương đã rất trọng thị dấu tích này.

Chạnh nghĩ, giá ở khách sạn số 19 Klebe và ngôi nhà số 11 phố Darthe ở Choisy le Roi cũng có một tấm biển như thế này thì quý biết bao. 

Nhà văn NGUYỄN KHẮC NGUYỆT

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top