Nên bỏ thói quen “rải tiền lẻ” khi đi lễ

VHO- Từ lâu, thói quen của nhiều người khi đi lễ đền, chùa, miếu, phủ, hay các cơ sở thờ tự, là thường chuẩn bị tiền mới mệnh giá nhỏ mà dân gian quen gọi là tiền lẻ để đặt lễ, hay đóng góp công đức. Hầu hết người dân khi đi lễ đều tâm niệm rằng, việc đặt “giọt dầu” bằng tiền mặt ở mọi ban thờ tại đền, chùa... sẽ mang lại “lộc lá” và những điều may mắn trong làm ăn buôn bán, cũng như gặp nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Vâng, chính tâm niệm như vậy nên mới có chuyện, cứ Tết đến hầu như ai cũng phải lo đổi chác một số lượng tiền mới mệnh giá nhỏ để lì xì và đi lễ đền, chùa.

 Trước tiên người viết có thể nói việc mỗi người đi lễ đền, chùa khi đổi tiền lẻ đã bị “hao hụt” về kinh tế vì đều phải đổi ở chợ đen, mà chợ đen đổi tiền lẻ trong những năm gần đây, khi Ngân hàng Nhà nước không, hoặc hạn chế đưa ra lưu thông tiền mới mệnh giá nhỏ trong dịp Tết, luôn bị “cắt cổ” bởi phí đổi chiết khấu từ 15-30%, thậm chí lên tới 40%, tùy từng loại tiền. Thói quen đi lễ rải tiền lẻ ở nhiều ban thờ, nhiều chỗ không chỉ hao hụt kinh tế cho bản thân về phí đổi tiền cao, mà nó còn làm cho đền, chùa, các nơi thờ tự cũng phải... vất vả trong khâu cắt cử người đi thu gom tiền đặt lễ ở các ban thờ rồi bỏ vào hòm công đức, bởi nếu không thường xuyên thu gom tiền bỏ vào hòm công đức, hoặc cất giữ cẩn thận thì sẽ khó tránh khỏi bị thất thoát, khi mà trên thực tế trong cuộc sống vẫn có rất nhiều kẻ gian tà luôn trà trộn vào đền, chùa, nơi thờ tự để ăn cắp, để rình mò cơ hội “gom” tiền công đức. Đó còn chưa nói tới việc vì có quá nhiều tiền lẻ mệnh giá nhỏ thu được qua mùa lễ tết, các đền, chùa, nơi thờ tự lại thêm một lần... vất vả huy động người để kiểm đếm, sắp xếp tiền cho gọn gàng, sau đó lại phải mang ra ngân hàng đổi lấy tiền chẵn...

Vẫn biết là thói quen rải tiền lẻ khi đi lễ đền, chùa, các nơi thờ tự là rất khó bỏ trong một sớm một chiều, nhưng người dân nói chung nên hạn chế việc đặt, rải tiền lẻ ở nhiều ban thờ, mà nên dùng tiền chẵn để đặt ở một ban thờ chính, như vậy sẽ có lợi cho cả chính mình cũng như đền, chùa. Ví dụ, một người đi lễ thay vì đặt ở hàng chục ban thờ trong một ngôi chùa, hay một đền thờ nào đó, với mỗi ban là 10.000 đồng tiền mệnh giá nhỏ, thì người đó có thể đặt gộp luôn cả tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng vào ban thờ chính, hay hòm công đức của đền, chùa ấy. Như vậy sẽ giúp cho người đi lễ không phải mất thêm 30.000 đồng phí đổi để sở hữu 100.000 đồng tiền mệnh giá nhỏ; hơn nữa nhà chùa, cơ quan quản lý đền, nơi thờ tự cũng đỡ vất vả trong việc thu gom, trông coi, sắp xếp, quy đổi từ tiền lẻ sang tiền chẵn...

Thực ra cũng có không ít người đi lễ “tân tiến” về tâm niệm, cách suy nghĩ, đó là họ không rải tiền lẻ ở nhiều ban, mà chỉ đặt luôn một tờ tiền chẵn theo khả năng kinh tế của mình, ở một ban thờ chính duy nhất trong đền, chùa, nơi thờ tự. Chính vì vậy mà Tết đến Xuân về, những người “tân tiến” kiểu này khi đi lễ họ chẳng bao giờ phải lo lắng về tiền lẻ, tiền mới mệnh giá nhỏ, bởi có tiền nào trong túi họ đặt tiền đó, đặt một chỗ và miễn sao thành tâm là được. Ngay cả việc góp tiền công đức để xây dựng, tu sửa đền, chùa, nơi thờ tự, di tích, danh thắng..., họ cũng đâu cần phải ghi tên tuổi, quê quán, địa chỉ, và càng không cần lấy bằng, giấy chứng nhận công đức, kể cả họ có đóng góp cả tiền triệu, hoặc giá trị lớn hơn đi chăng nữa... 

NGUYỄN THỊ HẢI

Ý kiến bạn đọc