Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Lễ hội đã không còn nhiều “điểm nóng”

Thứ Sáu 10/02/2023 | 10:04 GMT+7

VHO- Trao đổi với Văn Hóa, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng nhận định: Mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023 đã đi qua quãng thời gian cao điểm với nhiều chuyển biến tích cực. Những “điểm nóng” trong các mùa lễ hội trước đây đang dần khắc phục bất cập, biến tướng để trở về với giá trị cội nguồn, bản sắc.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2023 Ảnh: TR.HUẤN

  P.V: Sau 3 mùa gián đoạn do đại dịch Covid-19, sự trở lại tưng bừng của các lễ hội năm nay đã thu hút rất đông nhân dân và du khách. Dù vậy, trên các phương tiện truyền thông đã không xuất hiện những hình ảnh phản cảm, bạo lực, tiêu cực như trước đây. Ông đánh giá như thế nào về chuyển biến này?

- TS Trần Hữu Sơn: Có thể nói, sau 3 năm Covid-19, các lễ hội đều trở lại với sự “bùng nổ”, đặc biệt là các lễ hội mang tính chất tâm linh. Công tác quản lý và tổ chức ở mùa lễ hội này cũng có chuyển biến tích cực, với nhiều điểm mới.

TS Trần Hữu Sơn

Nổi bật là sự ra đời của Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ do Bộ Tài chính ban hành. Đây là câu chuyện mà nhiều năm qua chúng ta còn e dè. Sự ra đời của Thông tư sẽ tạo chuyển biến trong công tác quản lý tiền công đức tại các di tích, cơ sở thờ tự; qua đó xây dựng các mô hình điểm để nhân rộng. Tại nhiều di tích, lễ hội lớn trong cả nước, tiền công đức là nguồn thu cực kỳ lớn và vấn đề đặt ra là phải quản lý như thế nào. Không ít nơi nguồn tiền này được quản lý rất công khai, minh bạch, được sử dụng cho công tác tu bổ di tích, tổ chức lễ hội, bảo vệ an ninh trật tự… Tại đền Ông Hoàng Bảy (Bảo Hà, Lào Cai) từ khi thành lập mô hình BQL di tích mới đã thu đến 45 tỉ đồng, mà cách đây khoảng 10 năm, con số này chỉ khoảng 2,5 - 3 tỉ thôi. Như vậy, vấn đề đặt ra là phải giám sát chặt chẽ theo các quy định tại Thông tư và đặc biệt, BQL các di tích phải có sự chủ động. Nếu không thì tiền công đức vẫn sẽ được quản lý theo kiểu tiền … chùa.

Thứ hai là chuyển biến về an ninh trật tự. Trước đây, khi lễ hội ồ ạt mở ra thì số người tham dự chỉ khoảng 1-2 vạn, nhưng giờ con số đã lớn hơn gấp nhiều lần, đặt ra vấn đề quản lý và các phương án đảm bảo an ninh trật tự. Tôi ví dụ như lễ hội chọi trâu Hải Lựu (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), một lễ hội cổ xưa đang ngày càng đi vào nề nếp. Sau khi được khôi phục, lễ hội chọi trâu Hải Lựu trong nhiều năm đã có những bất cập nhưng đến năm nay đã có nhiều chuyển biến, hình ảnh xuất hiện trên truyền thông không có cảnh tượng bạo lực, phản cảm... Địa phương cũng đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, các phương án an ninh, đảm bảo an toàn cho du khách. Nhiều lễ hội lớn khác cũng vậy, dù có sự bùng nổ, đông đúc nhưng cảnh tượng xô đẩy, lộn xộn, phản cảm như trước đây đã giảm đi rất nhiều.

Chúng ta nhận thấy sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương đã mang đến những chuyển biến lớn trong công tác quản lý lễ hội. Điển hình như tại lễ hội Đền Trần (Nam Định), lễ hội Chùa Hương…, nếu không có sự vào cuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng thì sẽ khó đảm bảo an ninh, trật tự cho lễ hội. Cùng với đó, ý thức người tham gia lễ hội cũng được nâng cao. Các phương án, kế hoạch triển khai của BTC cũng bài bản, chặt chẽ hơn. Ví dụ như tại lễ hội Đền Trần, sau nhiều năm là “điểm nóng” thì việc BTC lễ hội chuyển phương án phát ấn từ sau lễ Khai ấn sang sáng sớm ngày Rằm tháng Giêng, cùng với cách thức tổ chức bài bản đã mang lại sự quy củ cho một lễ hội lớn ở khu vực phía Bắc.

 Lễ rước ở Hội Phết Hiền Quan Ảnh: KHIẾU MINH

 Nhiều ý kiến cho rằng, tốt - xấu ở lễ hội phần nhiều xuất phát từ ý thức của người đi lễ. Ông nhìn nhận như thế nào về chuyển biến trong nhận thức của người đi lễ khi mọi ngả đường đều đổ về lễ hội?

- Ý thức của người đi lễ phần nào là nguyên nhân của những biểu hiện tích cực, hoặc tiêu cực tại lễ hội. Qua nhiều năm, đã có những chuyển biến rất rõ. Không còn nhiều hiện tượng người dân sắm đồ lễ lãng phí chỉ vì tâm lý mâm cao cỗ đầy, trần sao âm vậy, vàng mã đốt vô tội vạ... Nhiều năm trước, ở một vài di tích lớn như đền Bà Chúa Kho, có đến cả trăm tỉ đồng vàng mã bị đốt thành tro. Năm nay, nhiều điểm di tích, lễ hội đã không còn hiện tượng đốt vàng mã, đồ mã số lượng lớn như vậy nữa.

Tại nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo cũng không còn tổ chức các đàn lễ dâng sao giải hạn thu hút đông người như trước. Nhiều sư trụ trì cho rằng, đó là biểu hiện của mê tín dị đoan, không phải của đạo Phật. Những phát ngôn, tuyên truyền này có tác động tốt đến tâm lý người dân, khắc phục biến tướng, giảm tiêu cực trong lễ hội.

Trong nhiều mùa lễ hội, các vấn nạn như đổi tiền chênh lệch giá; rải rắc tiền lẻ khắp nơi; chen lấn, xô đẩy… đã tạo nên không ít góc nhìn tiêu cực. Thực trạng này hiện nay ra sao, thưa ông?

- Từng có nhiều lễ hội xuất hiện tràn lan các hiện tượng nêu trên như Chùa Hương, Yên Tử, Đền Trần, Đền Sóc… Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt ở mùa lễ hội năm nay, chúng ta thấy có chuyển biến rất rõ rệt. Hiện tượng đổi tiền chênh lệch giá không còn phổ biến; việc rải rắc, cài cắm tiền lẻ vào tay tượng, Phật, làm giảm đi tính linh thiêng của không gian lễ hội, nơi thờ tự… cũng bớt lan tràn.

Một chuyển biến rõ nét nữa là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức lễ hội. Việc nhiều người sử dụng hình thức đóng góp tiền công đức bằng ví điện tử cũng góp phần hạn chế những bất cập nêu trên. Công nghệ thông tin cũng được một số BQL di tích, điển hình như tại Chùa Hương đã ứng dụng công nghệ này vào công tác quản lý, điều hành. Hy vọng, từ sự quan tâm của chính quyền địa phương đến ý thức tự giác của người dân, những biến tướng, phản cảm, mặt trái của lễ hội sẽ dần được khắc phục, các yếu tố tích cực sẽ được phát huy.

 Tản chiếu phát lộc ở lễ hội Đúc Bụt Ảnh: NAM NGUYỄN

 Một số lễ hội như Hội Phết Hiền Quan, lễ hội Đúc Bụt, hội Đền Sóc… sau sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương đang dần là “điểm nóng” được “hạ nhiệt”, trở về với những giá trị bản sắc truyền thống. Ông có nhận định như thế nào?

- Các lễ hội có nghi thức “cướp vật thiêng” nhiều năm qua là “bài toán khó” đối với các địa phương. Trên thực tế phải thấy rằng, những nghi thức này về bản chất chỉ được duy trì trong cộng đồng tổ chức lễ hội, của xã, làng đó, chứ nếu là hàng vạn du khách thập phương cùng ào vào cướp phết, cướp chiếu, cướp lộc thì lại là biến tướng mất rồi. Không gian lễ hội nhỏ hẹp mà cả vạn người chen chúc thì quá khó cho công tác quản lý, cần có những chế tài xử phạt chặt chẽ, các phương án và hàng rào đảm bảo an ninh trật tự. Quan niệm “vật thiêng” là của chung tất cả mọi người và tất cả cùng lao vào tranh cướp thì rất khó ngăn cấm. Nhận thấy biến tướng không phù hợp với cuộc sống, các địa phương đều đã vào cuộc. Hội Phết Hiền Quan mỗi năm đều xây dựng các phương án đảm bảo an ninh, nếu không đảm bảo không tổ chức phần hội; lễ hội Đúc Bụt chuyển từ hình thức cướp chiếu sang “tản chiếu phát lộc”, tục cướp hoa tre ở Đền Sóc cũng được chuyển sang hình thức tán lộc…, từ đó đã dần ngăn được biến tướng, đưa lễ hội trở về với những giá trị truyền thống.

Để phát huy điểm mạnh, khắc phục hạn chế trong các mùa lễ hội tới thì cần chú trọng hơn nữa những yếu tố nào, thưa ông?

- Tôi đặt nhiều kỳ vọng đối với Thông tư quản lý tiền công đức mới ban hành. Sau mùa lễ hội này, chúng ta nên tổng kết việc thực hiện để các nhà quản lý, nhà khoa học, BQL và cả cộng đồng cùng đánh giá hiệu quả chế tài, những gì cần bổ sung, hoàn thiện.

Các BQL di tích hiện nay cũng chưa xây dựng được những quy tắc ứng xử trong lễ hội. Đây là cái khó nhưng nếu được xây dựng thì sẽ tạo nên chuẩn mực, định hướng để việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội ngày càng nề nếp.

Cùng với đó, cần có sự đánh giá, tổng kết sát thực tiễn những ưu điểm cần phát huy, nhược điểm cần khắc phục, tạo thành thể chế để điều hành, quản lý lễ hội một cách thiết thực, cụ thể và hiệu quả hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

 

 Những năm gần đây, đặc biệt ở mùa lễ hội năm nay, chúng ta thấy có chuyển biến rất rõ rệt: Hiện tượng đổi tiền chênh lệch giá không còn phổ biến; việc rải rắc, cài cắm tiền lẻ vào tay tượng, Phật, làm giảm đi tính linh thiêng của không gian lễ hội, nơi thờ tự… cũng bớt lan tràn. Một chuyển biến rõ nét nữa là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức lễ hội. Việc nhiều người sử dụng hình thức đóng góp tiền công đức bằng ví điện tử cũng góp phần hạn chế những bất cập nêu trên. Công nghệ thông tin cũng được một số BQL di tích, điển hình như tại Chùa Hương đã ứng dụng công nghệ này vào công tác quản lý, điều hành…

(TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng)

 

PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top