Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Nét đẹp văn hóa của ngư dân Quảng Ngãi

Thứ Sáu 10/02/2023 | 10:16 GMT+7

VHO-  Những ngày đầu xuân, khắp các làng chài ven biển của Quảng Ngãi tưng bừng diễn ra lễ hội Cầu ngư. Trải qua hàng trăm năm, cuộc sống của bộ phận cư dân này gắn liền với các lễ hội đặc sắc đậm nét dân gian vùng biển.

 Hát Bả trạo gắn với lễ hội Cầu ngư của cư dân vùng biển xã Bình Thạnh

Ở làng chài Hải Ninh, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn nằm cuối dòng sông Trà Bồng, nơi đổ ra cửa biển Sa Cần. Nhờ có những Hòn Ông, Hòn Bà nằm trấn giữ cửa biển, chắn gió, chắn sóng nên bên trong cửa biển luôn hiền hòa, bình yên, trở thành nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân.

Từ ngàn đời nay sống nhờ nghề chài lưới, dù mệt nhọc, khó khăn hay gặp nguy hiểm trên biển, ngư dân vẫn vững tay chèo, tay lái. Thế rồi từ khi nào không rõ, ngư dân đã đưa những hoạt động lao động sản xuất thường ngày vào trong các câu hát, điệu múa mô phỏng chèo thuyền vươn khơi... tạo ra loại hình nghệ thuật hát Bả trạo độc đáo.

Hát Bả trạo là loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, trở thành nghi thức tâm linh, gắn với lễ hội Cầu ngư của cư dân vùng biển xã Bình Thạnh. Đây cũng là một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hằng năm, các lễ hội Cầu ngư và thần Nam Hải, hoạt động Bài chòi hội, lô tô truyền thống, lễ tiết Thanh minh ở Nghĩa Tự… đều được người dân nơi đây hát Bả trạo.

NNƯT Vũ Huy Bình (xã Bình Thạnh) cho biết: “Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, người dân làng chài khu đông Bình Sơn tham gia lễ hội Cầu ngư đông đúc. Qua đó đã kết nối được tình đoàn kết, tạo nên những âm vang văn hóa trong cộng đồng”.

Giờ đây, làng chài Hải Ninh tổ chức chương trình quy mô hơn với bộ trang phục may đẹp mắt, ông tổng chèo đi chân hia, đầu đội mũ cánh chuồn, các bộ gươm kiếm được chuẩn bị đầy đủ hơn, các quân bài cờ hát cũng thêm phần huyên náo. Có được điều này là tâm huyết của lớp cha anh, nhiệt huyết và quyết tâm gìn giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống của CLB Văn nghệ dân gian Hải Ninh.

 Thuyền ra khơi thực hiện nghi thức tế cáo thần linh cầu mong một mùa khai thác hải sản thuận lợi

Cư dân ven biển làm lễ Cầu ngư vào dịp đầu năm mới với ý nghĩa cầu mong cho mùa màng bội thu, yên bình trong cả năm lênh đênh trên biển cả. Đây là lễ thức có khi chỉ riêng của cá nhân, gia đình và có khi là của cả cộng đồng. Có nơi gọi lễ Cầu ngư là lễ ra nghề hay lễ xuống nghề. Tiêu biểu cho lễ Cầu ngư của cư dân ven biển Quảng Ngãi là lễ Cầu ngư Sa Huỳnh, mà nay có một tên gọi mới là “Lễ ra quân đánh bắt thủy sản Sa Huỳnh”, hoặc có năm gọi là “Lễ ra quân nghề cá”.

Ông Nguyễn Sáu, Vạn trưởng của Vạn chài Thạch By, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ cho biết, vào sáng sớm mùng 3 Tết hằng năm, tất cả các thuyền trong các vạn, tập trung tại cửa biển, chong đèn kết hoa rực rỡ, bày bàn soạn lễ vật trên thuyền, các loại ngư cụ... Sau khi đại diện chính quyền, hội nghề cá khai mạc và tổng kết nghề đánh bắt hải sản một năm cũng như kế hoạch thực hiện trong năm mới, ông chủ vạn gióng tiếng trống báo hiệu lễ ra nghề bắt đầu. Chiếc thuyền đầu tiên ra khơi được ban vạn bầu chọn và sau đó là hàng trăm chiếc thuyền nối tiếp ra khơi. Cách bờ chừng vài hải lý, các thuyền lại thực hiện nghi thức tế cáo thần linh và đánh mẻ lưới làm phép đầu tiên. Sau khi vớt mẻ lưới lên các thuyền quay lại vào bờ.

Nhà nghiên cứu văn hóa TS Nguyễn Đăng Vũ cho biết, hiện nay, tại các làng quê ven biển Quảng Ngãi còn giữ nhiều loại hình lễ hội cổ truyền, tiêu biểu như lễ hội Cầu ngư, đua thuyền, thờ cúng Cá Ông… Các lễ hội này mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh được tổ chức đều đặn hằng năm để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; ngợi ca các bậc tiền nhân, hướng về cội nguồn dân tộc và thể hiện vươn tới khát vọng chân - thiện - mỹ của con người…

Vào các dịp lễ Tết, nhiều nơi dọc ven sông biển ở Quảng Ngãi thường tổ chức hội đua thuyền. Ở huyện Tư Nghĩa, hội đua thuyền thường diễn ra trên sông Cổ Lũy (Phú Thọ); huyện Mộ Đức trên hạ nguồn sông Vệ (gần Cửa Lở); huyện Bình Sơn, diễn ra ở vịnh Vũng Tàu (cửa Sa Cần, trên sông Trà Bồng); TP Quảng Ngãi trên sông Trà Khúc; huyện Nghĩa Hành trên sông Vệ… Ở huyện đảo Lý Sơn, hội đua thuyền thường được tổ chức ở vùng biển phía tây nam của đảo.

“Các loại hình lễ hội của cư dân Quảng Ngãi sinh sống ven biển khá đa dạng và phong phú, mang nhiều giá trị giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, giá trị nhân văn, làm cố kết cộng đồng. Các lễ hội đặc sắc này sẽ mãi song hành với đời sống của các cư dân, được bảo tồn, phát huy giá trị đến muôn đời sau…”, TS Vũ  chia sẻ.

 NHƯ ĐỒNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top