Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Phong trào trả lại hiện vật trong bảo tàng

Thứ Tư 22/02/2023 | 10:29 GMT+7

VHO- Đức, Hà Lan, Bỉ và 16 bảo tàng ở Mỹ công bố kế hoạch xác định nguồn gốc các đồ vật trong thời kỳ thuộc địa và bắt đầu quá trình trả lại chúng. Phong trào này được thúc đẩy bởi ý thức của người dân trên toàn thế giới.

 Một cuộc triển lãm tại phòng trưng bày bảo tàng Humboldt Forum về đồ đồng Benin

 Humboldt forum, là một bảo tàng lớn ở TP Berlin (Đức), du khách đến với bảo tàng này sẽ được chiêm ngưỡng hàng chục tác phẩm điêu khắc bằng đồng có niên đại từ thế kỷ XIII của Vương quốc Benin nằm ở phía tây nam Nigeria ngày nay. Tuy nhiên, kể từ tháng 7.2021, các cổ vật Benin đã không còn thuộc về nước Đức. Những hiện vật này đang được trưng bày lần cuối trước khi hồi hương. Dù triển lãm nghệ thuật này được coi là dự án văn hóa quan trọng, nhưng Đức vẫn quyết định trao trả các hiện vật này cho Nigeria. "Chúng tôi học được rằng bồi thường không chỉ là một thao tác hành chính, mà còn là quá trình đàm phán liên văn hóa được chia sẻ những giá trị chung”, Tổng giám đốc bảo tàng Humboldt Forum, ông Hartmut Dorgerloh, nói.

Hành động này của Humboldt Forum, một phần do tác động bởi phong trào trả lại hiện vật đang diễn ra mạnh mẽ tại châu Âu và Mỹ. Năm 2021, Chính phủ Đức, Hà Lan và Bỉ đều công bố kế hoạch xác định nguồn gốc các đồ vật trong thời kỳ thuộc địa và bắt đầu quá trình trả lại chúng. Ít nhất 16 bảo tàng ở Mỹ xác nhận họ đang tham gia vào quá trình hoàn trả đồ đồng Benin, bao gồm Viện Smithsonian và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ). 5 bảo tàng khác cho biết họ sẵn sàng hồi hương hiện vật nếu được yêu cầu.

Nhiều tổ chức đang đánh giá lại việc xử lý các tác phẩm nghệ thuật được cho là đã bị Đức quốc xã cướp phá trên khắp châu Âu. Nhiều đồ vật trong số đó đã được đưa vào các nhà đấu giá hoặc bảo tàng trên khắp thế giới. Theo ước tính của Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Mỹ, có tới 20% tác phẩm nghệ thuật châu Âu đã bị Đức quốc xã cướp phá. Ông Gilbert Lupfer thuộc Tổ chức Nghệ thuật Thất lạc của Đức cho biết, các bảo tàng đang chuyển sang “nhận ra việc hoàn trả hiện vật là hoàn toàn cần thiết về mặt đạo đức, chính trị, xã hội”.

Trước đây, các bảo tàng ở châu Âu và châu Mỹ phản đối những lời kêu gọi hồi hương, họ lập luận rằng các đồ vật từ châu Phi, châu Á và các nơi khác được thu thập một cách hợp pháp. Họ khẳng định những hiện vật sẽ được an toàn hơn khi đặt tại bảo tàng. Tuy nhiên, đã có một số thay đổi lớn trong những năm gần đây trong việc hoàn trả lại các cổ vật về nơi chúng vốn thuộc về. Gần một thế kỷ sau phong trào trao trả chủ quyền cho các dân tộc từng bị thực dân đô hộ, phương Tây đã chứng kiến sự lan rộng của phong trào đòi trao trả tài sản văn hóa cho các nền văn hóa này. “Đã có một sự thay đổi lớn về nhận thức của công chúng trong những năm qua. Ngày càng có nhiều khách tham quan bảo tàng quan tâm đến các câu hỏi về nguồn gốc hiện vật. Hầu hết trong số họ nhận ra rằng những tác phẩm xuất xứ “có vấn đề” không thể ở lại bảo tàng”, ông Gilbert Lupfer thuộc Tổ chức Nghệ thuật Thất lạc của Đức cho biết.

“Mọi chuyện bắt đầu khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng nghệ thuật bản địa, phần lớn trong số đó nằm trong các bảo tàng phương Tây, nên quay trở lại châu Phi”, ông Geoffrey Robertson, chuyên gia bồi thường và luật sư nhân quyền người Australia, nói khi đề cập đến cam kết năm 2017 của Tổng thống Pháp về việc trả lại những tài sản châu Phi bị thực dân Pháp cưỡng đoạt.

Các dự án mới như bảo tàng Nghệ thuật Tây Phi Edo ở Nigeria, nơi lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật hồi hương của Vương quốc Benin lịch sử, đang giúp trả lời câu hỏi bảo tàng dân tộc học sẽ trông như thế nào. Bảo tàng tọa lạc ở một khu phức hợp rộng lớn tại địa điểm khảo cổ thành phố Benin lịch sử. Bảo tàng được kiến trúc sư người Anh gốc Ghana, David Adjaye thiết kế với phong cách “trừu tượng hóa”, tái hiện diện mạo của thành phố Benin trước đây. Địa điểm này nằm trong dự án khảo cổ chung hợp tác giữa Chính phủ Nigeria và Bảo tàng Anh. Khu phức hợp này sẽ bao gồm một trung tâm nghiên cứu và sưu tập, các khu vườn nhiệt đới và một hội trường dành cho nghệ nhân, nơi những người thợ thủ công đương đại có thể bán sản phẩm của họ. Bảo tàng chính là nơi du khách có thể xem nguồn gốc đồ đồng và tìm hiểu về chủ nghĩa thực dân.

Theo Phillip Ihenacho, một doanh nhân người Nigeria, điều quan trọng nhất của dự án là mang đến một câu chuyện đầy hy vọng cho người dân địa phương. “Khi họ hiểu Vương quốc Benin tiên tiến và “vĩ đại” như thế nào so với những gì đang xảy ra ở châu Âu vào thời điểm đó, điều đó có thể mang lại cho mọi người cảm giác lạc quan về tương lai”, ông nói. 

 THÁI ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top