Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Những khoảnh khắc mang giá trị trường tồn

Thứ Tư 22/02/2023 | 10:44 GMT+7

VHO- Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) cho biết, triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 27 và 28.2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế và Nhà hát Lớn Hà Nội. Triển lãm trưng bày 80 bức ảnh chia làm 2 phần: Ảnh tư liệu và Ảnh nghệ thuật, góp phần làm phong phú các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về sự kiện 80 năm ra đời Đề cương.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ, bình thơ của các cụ phụ lão và các văn nghệ sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội (5.2.1962) Ảnh: TƯ LIỆU

Những bức ảnh toàn văn Đề cương về văn hóa Việt Nam, in trên tạp chí Tiên phong, số 1, tháng 11.1945; Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các hoạt động văn hóa - văn nghệ và với văn nghệ sĩ, trí thức; những thành tựu trong gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam và một số hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi bật những năm gần đây là nguồn tư liệu quý mang đến cho công chúng cảm nhận rõ nét hơn về một giai đoạn lịch sử đặc biệt.

Sống lại khoảnh khắc lịch sử qua các bức ảnh

Ông Mã Thế Anh, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, nhằm triển khai kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ được Bộ VHTTDL giao tại Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã chọn ra được 80 bức ảnh quý giới thiệu đến công chúng. Trong đó, đặc biệt giá trị là bức ảnh toàn văn Đề cương về văn hóa Việt Nam, in trên tạp chí Tiên phong, số 1, tháng 11.1945 do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cung cấp.

Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên, nay là Hà Nội) vào tháng 2.1943. Trong văn bản quan trọng này, nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhân dân đã sớm được xác định. Văn hóa được coi là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế, văn hóa). Đề cương trang bị cơ sở lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hóa - tư tưởng trong cách mạng dân tộc dân chủ. Nhấn mạnh 3 thành tố đặc biệt quan trọng của văn hóa là: Tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Cùng với đó, 3 nguyên tắc vận động để xây dựng nền văn hóa mới được nêu ra: Dân tộc hóa, Khoa học hóa, Đại chúng hóa. Sau 80 năm, những tư tưởng của bản Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế.

Tiếp đến là những hình ảnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 và Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Đặc biệt, là hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Và tại Hội nghị này một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò của văn hóa: “Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau, rất phong phú, đa dạng. Khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...)”.

“Mong muốn qua triển lãm giúp công chúng, đặc biệt là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ cả nước thấm nhuần ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Ban tổ chức triển lãm đã triển khai, chọn lọc những tác phẩm từ nhiều nguồn ảnh khác nhau như: Thông tấn xã, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, các phóng viên, nhà nhiếp ảnh… Trong đó phải kể đến những hình ảnh quý hiếm khi Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các hoạt động văn hóa - văn nghệ và với văn nghệ sĩ, trí thức”, ông Mã Thế Anh cho biết.

Những hình ảnh đẹp xuyên suốt triển lãm phải kể đến đó là, hình ảnh các văn nghệ sĩ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự “Triển lãm văn hóa” tại Nhà Khai Trí - Tiến Đức, Hà Nội (góc phố Hàng Trống - Lê Thái Tổ hiện nay) năm 1945; Bác Hồ thăm lớp bổ túc văn hóa của bà con lao động Lương Yên, thăm trường Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng và chơi đàn ghi ta; Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962 vui mừng đón Bác tới dự; Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị sơ kết của ngành văn hóa năm 1958; Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn tại Đại hội Đảng lần thứ 3 năm 1960; Bác Hồ với các cháu học sinh trường Thiếu sinh quân tại Việt Bắc, trong dịp các cháu họp mặt mừng thọ Người 60 tuổi, năm 1950; Bác Hồ nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội, ngày 25.11.1961; Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ, bình thơ của các cụ phụ lão và các văn nghệ sĩ tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngày 5.2.1962;…

Hay những hình ảnh đồng chí Trường Chinh xem triển lãm tranh miền Nam lần thứ 8 và trưng bày ảnh về Quảng Trị giải phóng năm 1972, xem Triển lãm tranh cổ động năm 1973 và nói chuyện với cán bộ, nghệ sĩ tại Triển lãm Điêu khắc năm 1974; đồng chí Lê Duẩn nói chuyện với anh chị em diễn viên Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1972 và xem phòng trưng bày nghệ thuật dân gian tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 1972; Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem triển lãm văn nghệ từ miền Nam gửi ra, năm 1968; Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác văn hóa năm 1970; …

“Thông qua các bức ảnh trên cho thấy, nghệ sĩ nhiếp ảnh trong những thời kỳ này không chỉ là một tay máy đến để ghi lại hình ảnh mà còn sử dụng ngôn ngữ của nhiếp ảnh để lưu giữ lại những khoảnh khắc chân thực nhất lúc bấy giờ, đồng thời ghi lại bao khuôn mặt của thời đại, của đất nước và con người Việt Nam, trở thành di sản được bảo quản và trao truyền qua nhiều thế hệ, phục vụ tích cực cho quá trình nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, chính trị, văn hóa của dân tộc” ông Mã Thế Anh nhấn mạnh.

Gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam

Thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTTDL, triển lãm phải thể hiện được những thành tựu trong gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Việt Nam, Ban tổ chức triển lãm đã chọn ra được những tác phẩm tiêu biểu. Đáng chú ý là những di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, như: Nhã nhạc cung đình Huế, Đờn ca tài tử, hát Xoan, hát Quan họ; các hoạt động thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; nghi lễ hát Then; nghệ thuật Bài Chòi; hay những bức ảnh chụp mộc bản, châu bản triều Nguyễn...

Công chúng có thể chiêm ngưỡng những hình ảnh đặc biệt có ý nghĩa, chẳng hạn “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những hình ảnh này sẽ được lưu giữ lại để minh chứng cho việc Xòe Thái từ đây không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Thái mà đã và đang trở thành niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam, hôm nay và mai sau; tiếp đến là những hình ảnh nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Quyết nghị ghi danh của UNESCO đối với di sản cũng khẳng định, sự ghi danh này sẽ góp phần đắc lực vào việc lưu giữ bản sắc văn hóa Chăm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á…

Ngoài những hình ảnh ghi lại những giá trị văn hóa trường tồn của dân tộc, triển lãm còn trưng bày các bức ảnh về một số hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi bật những năm gần đây như: Hội thảo Văn hóa 2022 chủ đề ‘’Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa’’; Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”… và những hình ảnh về các hoạt động của ngành VHTTDL như: Hình ảnh Lễ phát động triển khai chủ đề công tác năm 2022 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Nghệ An; SEA Games 31;…

Chúng ta tự hào về những thành tựu và di sản cha ông ta để lại, đồng thời có trách nhiệm gìn giữ, bảo lưu và phát triển phù hợp với xu thế thời đại. Và những nghệ sĩ nhiếp ảnh đã và đang ghi lại những khoảnh khắc lịch sử đáng nhớ đó của dân tộc, đồng thời góp phần tích cực vào công cuộc tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, khích lệ các phong trào văn hóa nghệ thuật. “Với những hình ảnh được huy động từ nhiều nguồn khác nhau này, Triển lãm ảnh kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam giúp người xem thấy được tinh thần chủ đạo, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng của Đề cương; khắc sâu đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc với các bậc tiền nhân, danh nhân đã có công dựng nước và giữ nước”, ông Mã Thế Anh cho biết. 

THANH NGỌC; ảnh: BTC CUNG CẤP

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top