Tạo sức bật cho du lịch nông nghiệp

VHO- Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang đẩy mạnh gắn hoạt động sản xuất nông nghiệp với phát tiển du lịch nhằm tạo dựng sản phẩm đặc trưng. Qua đây, tạo sự hấp dẫn hơn đối với du khách, nhất là khách quốc tế. Tuy nhiên, loại hình du lịch nông nghiệp chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng hiện có để tạo sức bật mới cho khu vực nông thôn.

Tạo sức bật cho du lịch nông nghiệp - Anh 1

 Du khách tham quan điểm du lịch nông nghiệp tại Bến Tre

 Theo Sở VHTTDL Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 57 làng nghề đã được công nhận, và hơn 40 homestay có sức chứa trên 1.000 du khách. Với tiềm năng và thế mạnh hiện có, ngành du lịch Bến Tre đã xây dựng nhiều tour đặc trưng về du lịch sinh thái nông nghiệp như tour tham quan các vườn dừa, thưởng thức ẩm thực đặc trưng gắn liền với cây dừa; hay tour đưa du khách sống trong nhà dân, tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống… Ngoài ra, Bến Tre cũng đang xây dựng và sắp đưa ra thị trường các sản phẩm du lịch nông nghiệp mới tại các huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam và Châu Thành. Đại diện sở này cho biết, các làng nghề nông nghiệp truyền thống không những tạo sản phẩm du lịch đặc trưng cho địa phương, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm mà còn giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân bản địa.

Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp nông thôn hiện nay chưa đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, chưa thật sự đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng tiếp cận các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện, sự kết nối các điểm du lịch nông nghiệp với doanh nghiệp lữ hành thiếu bền vững, chất lượng nguồn nhân lực địa phương còn hạn chế…

Chia sẻ tại một Hội thảo khoa học về du lịch nông nghiệp mới đây, Phó Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng, Khoa Văn hóa học - Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhấn mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp là mô hình sản xuất đặc thù nhằm tạo ra chuỗi giá trị cả về kinh tế và văn hóa, đòi hỏi cần có chính sách phù hợp để tháo gỡ các vướng mắc liên quan. Cụ thể như dịch vụ lưu trú có khả năng mang lại lợi nhuận cao nhất trong chuỗi giá trị của du lịch nông nghiệp, thế nhưng theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành thì việc xây dựng cơ sở lưu trú trên đất nông nghiệp lại là không hợp pháp!? Rõ ràng đây là mâu thuẫn, vướng mắc rất cần được tháo gỡ. Bên cạnh đó, cần có những chính sách về giảm thuế, hỗ trợ vốn để khích lệ việc khởi nghiệp trong du lịch nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Lửa Việt, vấn đề quan trọng và cấp bách hiện nay là cần có chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia phát triển du lịch nông nghiệp. Bởi hiện nay, các quy định pháp luật hầu hết chỉ đề cập đến du lịch cộng đồng, gần như “bỏ quên” loại hình du lịch nông thôn với các hình thái đầu tư và loại hình lưu trú. Trong khi đây là loại hình du lịch có tiềm năng lớn, tài nguyên đa dạng và cơ hội phát triển cao.

Nhấn mạnh đến giải pháp gắn phát triển du lịch nông thôn với Chương trình nông thôn mới, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thị Song Hà, Học viện Khoa học Xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, các địa phương cần xây dựng, bổ sung tiêu chí đánh giá về khu, điểm du lịch nông thôn để sản phẩm đảm bảo chất lượng, mang đến sự an toàn cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Tiến sĩ Phan Thị Ngàn - Khoa Du lịch và Việt Nam học (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) chia sẻ, du lịch nông nghiệp không những thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa nông nghiệp địa phương, văn hóa sông nước của vùng. Vì thế, các địa phương nên có chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế để kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển các dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng đến phát triển du lịch xanh. 

 HOÀNG HẢI 

Ý kiến bạn đọc