Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Từ quê hương cách mạng đến nơi khởi nguồn Đề cương về văn hóa Việt Nam

Thứ Sáu 24/02/2023 | 10:36 GMT+7

VHO- Những ngày này, nhiều hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) đang diễn ra sôi nổi, nhìn lại và tiếp nối những giá trị tư tưởng bền vững của bản đề cương sau tám thập kỷ.

 Chị Nguyễn Thị Thoa, hướng dẫn viên tại di tích thuyết minh về cuộc đời giản dị, ý chí cách mạng kiên trung và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh

Và trên những vùng đất khởi nguồn, chúng tôi được chứng kiến hình ảnh những chứng nhân lịch sử, những người dân mộc mạc đang cùng nhau nhớ về, cùng nhau trân trọng một phần quá khứ máu thịt trên mảnh đất quê hương. Bản đề cương khơi nguồn dòng chảy văn hóa của cả dân tộc, với họ, mãi là niềm tự hào và những ký ức không quên…

Từ quê hương Hành Thiện…

Con đường nhỏ trong ngôi làng đẹp như cổ tích mang tên Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) chộn rộn niềm vui. Đầu làng cuối xóm, những gương mặt mộc mạc ánh lên sự tự hào. Cả nước đang tổ chức kỷ niệm 80 năm ra đời bản Đề cương về văn hóa do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo, một lần nữa niềm tự hào về người con ưu tú của quê hương lại dấy lên mãnh liệt. Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, nơi lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí, nhiều ngày qua cũng tấp nập các đoàn khách dâng hương, tưởng niệm.

 Nhà giáo Nguyễn Đăng Hùng, ở tuổi 84 vẫn minh mẫn nhớ từng chi tiết nhỏ trong từng nhịp đập của ngôi làng

Nhà giáo Nguyễn Đăng Hùng, ở tuổi 84 vẫn minh mẫn nhớ từng chi tiết nhỏ trong nhịp đập của ngôi làng. Hành Thiện nổi tiếng với truyền thống văn hóa, khoa bảng, yêu nước, cách mạng, địa linh nhân kiệt. Ngôi làng có truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng hiền tài, trọng đạo nghĩa. Một làng quê luôn nghĩ những điều thiện, nói điều thiện và làm nhiều việc thiện, được vua Minh Mạng đổi tên “Hành Cung Trang” thành “Làng Hành Thiện” từ năm 1823. “Hành Thiện là “cái nôi” đào tạo nhiều nhân tài chính khách, trong giai đoạn nào của lịch sử cũng ươm trồng được những người con ưu tú cho đất nước. Trong số những người con ưu tú ấy, hình ảnh Tổng Bí thư Trường Chinh luôn sống mãi trong trái tim Hành Thiện. Lịch sử dân tộc ghi nhận đồng chí là lãnh đạo xuất sắc, mẫu mực, có nhiều công lao to lớn trong sự nghiệp cách mạng. Đồng chí đã kế tục, tiếp nối con đường đúng đắn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn… Với người Hành Thiện, Tổng Bí thư Trường Chinh mãi mãi là biểu tượng của niềm tự hào truyền thống”, ông Nguyễn Đăng Hùng xúc động.

Trong ngôi nhà nơi Tổng Bí thư Trường Chinh đã sinh ra và lớn lên, những kỷ niệm về cuộc đời, tư tưởng và hoạt động cách mạng của đồng chí theo dòng ký ức Hành Thiện cứ thế trở về. Ngôi nhà tọa lạc tại xóm 7, năm 1994 được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Chị Nguyễn Thị Thoa, Trung tâm VHTT huyện Xuân Trường xúc động, nhiều năm làm hướng dẫn viên tại di tích, chị không còn nhớ đã đón tiếp bao nhiêu đoàn khách, đã bao lần thuyết minh về cuộc đời giản dị, ý chí cách mạng kiên trung và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Trường Chinh, nhưng mỗi lần giới thiệu là một lần rơi nước mắt. Ngôi nhà nơi bác sinh ra và lớn lên với tên gọi Đặng Xuân Khu in dấu bao kỷ niệm, vui có, buồn có, vội vã có mà thư thả cũng có. Từng hiện vật, góc nhà đều để lại biết bao bài học cho thế hệ hôm nay về truyền thống khoa bảng và lòng yêu nước vô bờ.

 Con đường nhỏ trong ngôi làng đẹp như cổ tích mang tên Hành Thiện (xã Nam Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định)

Những giá trị truyền thống của gia đình và quê hương đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, nhân cách của đồng chí Trường Chinh. Ông nội của cố Tổng Bí thư là cụ Đặng Xuân Bảng, đỗ TS Khoa Bính Thìn (1856), là người có học vấn uyên thâm, hiểu sâu nhiều lĩnh vực và để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị. Thân phụ của Tổng Bí thư Trường Chinh là ông Đặng Xuân Viện, một nhà nho uyên bác, nhà khảo cứu giỏi trên nhiều lĩnh vực. Thân mẫu của đồng chí Trường Chinh là bà Nguyễn Thị Từ, người hết lòng phụng dưỡng chồng con…

“Ngôi nhà giản dị, được giữ gìn gần như nguyên gốc này không chỉ là nơi Tổng Bí thư Trường Chinh sinh ra, lớn lên và ra đi hoạt động cách mạng mà sau này còn có một thời gian đồng chí mang tài liệu về hoạt động để tránh sự truy lùng của mật thám. Đó là thời điểm năm 1939, khi Đảng ta rút vào hoạt động bí mật…”, hướng dẫn viên Nguyễn Thị Thoa chia sẻ.

Thời gian lùi xa, nhưng ký ức trong ngôi nhà nhỏ ở làng Hành Thiện vẫn còn nguyên vẹn. Hướng dẫn viên Nguyễn Thị Thoa chia sẻ, trong những năm qua, khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh đã đón tiếp nhiều đoàn khách, từ các bậc nguyên thủ, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, các đoàn khách trong và ngoài nước, học sinh, sinh viên… “Chúng tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình khi được làm việc tại “địa chỉ đỏ” này, hàng ngày được kể những câu chuyện, chuyển tải những thông điệp thiêng liêng về cuộc đời, sự nghiệp của Tổng Bí thư Trường Chinh, nhà cách mạng lỗi lạc, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong những ngày cả nước sôi nổi tổ chức các hoạt động kỷ niệm dấu mốc 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam, ngôi nhà lịch sử này đã đón tiếp rất nhiều đoàn khách về thăm và tưởng nhớ đồng chí…”, chị Thoa bộc bạch.

Nhà giáo Nguyễn Đăng Hùng tâm sự: “Dù bận trăm công ngàn việc, nhưng trong trái tim đồng chí luôn có một vị trí đặc biệt dành cho quê hương. Năm 1960, tôi chứng kiến hình ảnh bác Trường Chinh về thăm quê. Bác nói: “Làng Hành Thiện này rất giàu truyền thống hiếu học, trọng chữ, trọng hiền tài nên chúng ta cố gắng phát huy truyền thống đó...”, rồi thăm hỏi từng người dân trong làng, ân cần, gần gũi…”. Hai lần về thăm quê sau này vào các năm 1981, 1987, hình ảnh của Tổng Bí thư Trường Chinh tiếp tục để lại dấu ấn trong lòng người dân Hành Thiện. Dành thời gian gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, lắng nghe ý kiến của mọi người và giải thích thêm về những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Trường Chinh ân cần thăm hỏi sức khoẻ và đời sống của mọi người, khen ngợi thành tích chiến đấu, lao động và học tập với tất cả tình cảm yêu thương của người con đi xa lâu ngày trở về. Đồng chí nói: “Vì bận công việc của Đảng nên tôi không về thăm được bà con. Tuy ở xa nhưng trái tim tôi lúc nào cũng hướng về quê hương và bà con quê nhà…”.

“Những ký ức đó, niềm tự hào đó đã vun đắp và làm dầy hơn truyền thống quê hương. Tổng Bí thư Trường Chinh luôn hướng về quê hương và quê hương luôn tự hào về một người con ưu tú. Mạch nguồn truyền thống đã nuôi dưỡng ý chí, lý tưởng cách mạng để Tổng Bí thư Trường Chinh đóng góp cho cách mạng, trong đó có những tư tưởng lớn về văn hóa của Đảng, thể hiện trong bản Đề cương năm 1943 mà đồng chí khởi thảo. Qua 80 năm, những định hướng tư tưởng trong bản đề cương được kế thừa, phát triển. Chúng tôi cảm thấy vui mừng vì từ những đường hướng ấy đã trở thành phương châm, truyền thống để thế hệ hôm nay tiếp bước, noi theo…”, ông Nguyễn Đăng Hùng nói.

 Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Xuân Trường Phạm Minh Tuấn chia sẻ, quê hương Xuân Trường luôn tự hào với bề dày truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Xuân Trường Phạm Minh Tuấn chia sẻ, quê hương Xuân Trường luôn tự hào với bề dày truyền thống cách mạng và bản sắc văn hóa. Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với Hành Thiện nói riêng, huyện Xuân Trường nói chung là dấu ấn vô cùng đặc biệt. “Chúng tôi luôn ý thức rằng đây không chỉ là dịp để nhìn lại mà còn là sự tiếp nối. Khu lưu niệm đồng chí Trường Chinh, các công trình thuộc Quần thể lưu niệm Tổng Bí thư là những công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử, chính trị sâu sắc, được Đảng bộ và nhân dân Xuân Trường bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị để đồng bào cả nước và khách nước ngoài về tham quan, nghiên cứu, học tập và tưởng niệm Tổng Bí thư Trường Chinh trên quê hương của đồng chí và là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ….”, ông Tuấn nhấn mạnh

… đến nơi khởi thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam

Chúng tôi về Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội), ngôi làng nhỏ nên thơ với những con đường chạy dọc bờ kênh rợp bóng. Nơi đây 80 năm về trước, tháng 2.1943, trong một ngôi nhà đơn sơ, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng được tổ chức, thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh soạn thảo.

Ít người biết rằng, địa danh Võng La chính là một An toàn khu ở vùng ven Hà Nội từ trước khi cách mạng tháng Tám thành công, nơi từng nuôi giấu các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng giai đoạn 1941-1945. Nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng thời kỳ hoạt động bí mật như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng… đã được ngôi làng nhỏ kiên trung nuôi giấu và bảo vệ an toàn tuyệt đối.

 Phó Bí thư Thường trực Đảng bộ xã Võng La Lưu Ngọc Cảnh

Phó Bí thư Thường trực Đảng bộ xã Võng La Lưu Ngọc Cảnh cho biết, dấu tích còn lại của Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng 80 năm về trước chỉ còn ở tấm bia di tích Cách mạng kháng chiến làng Chài đặt tại Nhà truyền thống của xã, cùng với 12 biển di tích các gia đình cơ sở cách mạng đã nuôi giấu các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng giai đoạn 1941-1945. “Do chiến tranh và nhiều yếu tố tác động, những hình ảnh, tài liệu, hiện vật liên quan đến sự kiện lịch sử quan trọng này được sưu tầm và giữ lại không nhiều. Tuy nhiên sau 80 năm, ký ức về những tháng ngày kiên cường ấy vẫn nguyên vẹn trong trái tim và tâm khảm của từng người con “địa chỉ đỏ” Võng La. Chúng tôi là thế hệ đi sau, nhưng ký ức của ngôi làng vẫn được trao truyền qua những nhân chứng lịch sử, những người con kiên trung của quê hương Võng La trong giai đoạn kháng chiến hào hùng của lịch sử dân tộc”, Phó Bí thư Lưu Ngọc Cảnh chia sẻ.

 Bà Lê Thị Bao cùng các con, cháu bên ngôi nhà đã nuôi giấu nhiều đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng

Xã Võng La gồm 3 thôn: Võng La, Đại Độ và Sáp Mai, là địa bàn cộng cư của 2.207 hộ, với gần 8.500 nhân khẩu. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5.1941), Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xây dựng An toàn khu ở các vùng xung quanh Thủ đô Hà Nội, trong đó có Làng Chài, xã Võng La.

Theo lời kể của những người dân trong làng, năm 1941, Trung ương Đảng đã cử đồng chí Trần Thị Sáu, một cán bộ dân vận về Võng La xây dựng cơ sở cách mạng bí mật, do nơi đây có địa hình thuận tiện để liên lạc giữa Hà Nội với chiến khu. Từ cơ sở bí mật đầu tiên của Đảng ở nhà bà Hoàng Thị Cốc, những “hạt giống cách mạng” của Võng La dần xuất hiện, sau này là 12 cơ sở cách mạng được đặt tại 12 gia đình trong thôn. “12 gia đình cơ sở cách mạng đã kiên trung nuôi giấu và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng thời kỳ hoạt động bí mật như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng…, cũng như các hội nghị quan trọng và cơ quan đầu não của Đảng. Chính từ những cuộc họp này, nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh của dân tộc và đất nước đã được bàn bạc và quyết định.

 Bà Lê Thị Bao, nhân chứng lịch sử còn lại trong những ngày tháng không quên ở Võng La

Bà Lê Thị Bao, nhân chứng lịch sử còn lại trong những ngày tháng không quên ở Võng La lần giở những mảnh ký ức xa xôi: “Ngày các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng về làng hoạt động bí mật, tôi vẫn còn nhỏ lắm. Nhưng những ký ức ngày ấy tôi vẫn không thể nào quên. Cụ Trường Chinh còn cõng tôi, dạy tôi bài hát về con muỗi…”, bà Bao kể chuyện. Gương mặt hằn dấu thời gian ngâm nga bài hát năm xưa: Chém cha con muỗi mày kêu vo vo. Tao già tao chỉ có xương khô da dầy. Mà mày cứ phất phơ bay. Nhà tao chỉ có cơm hẩm cà kho. Lấy đâu làm máu cho no bụng mày…

Năm 18 tuổi, bà Lê Thị Bao về làm dâu nhà cụ Lý Bạch. Cụ Lý Bạch tên thật là Phan Hữu Chỉ, chồng cụ bà Nguyễn Thị Hỏi, người đã nuôi giấu nhiều đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng trong ngôi nhà của mình giai đoạn 1941-1945. Ngôi nhà cụ Lý Bạch là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Ngày 1.9.1941, tại đây, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thành lập tổ Việt Minh; đồng thời, trực tiếp bồi dưỡng cho các thành viên trong tổ Việt Minh về phương pháp, công tác vận động quần chúng, kế hoạch bảo vệ cán bộ Đảng về hoạt động ở địa phương và công tác xây dựng cơ sở bí mật cho cách mạng, về chủ nghĩ cộng sản… Ngày 3.11.1942, cũng tại ngôi nhà này, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thay mặt Đảng, kết nạp 3 đồng chí vào Đảng và thành lập 1 chi bộ Đảng, tiền thân của Đảng bộ xã Võng La ngày nay. Đây cũng là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đông Anh, ra đời từ phong trào cách mạng của nhân dân trong huyện, trực thuộc An toàn khu của Trung ương. Nhiệm vụ chính trị của Chi bộ Đảng làng Võng La là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các cuộc họp và nơi làm việc của các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng tại cơ sở ở địa phương.

 Tấm bia di tích Cách mạng kháng chiến làng Chài được đặt tại Nhà truyền thống của xã

 

Đặc biệt, tại ngôi nhà cụ Lý Bạch, từ ngày 25 - 28.2.1943, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng được tổ chức, với sự tham gia của các đồng chí chủ chốt: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ. Tại Hội nghị này, nhiều nội dung quan trọng đã được bàn thảo, trong đó có việc thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh soạn thảo.

“Về làm dâu tại ngôi nhà lịch sử, ngày mỗi ngày tôi đều được nghe kể từng câu chuyện, từng ký ức về những tháng ngày gia đình nuôi giấu những cán bộ cách mạng. Tôi vẫn còn nhớ vị trí của từng đồ vật được sử dụng để ngụy trang, che giấu các cán bộ. Đây là hòm gỗ đựng thóc, kia là hầm, gốc mít, rặng tre… Ký ức ngày ấy vẫn vẹn nguyên trong lòng những người dân ở An toàn khu ven đô…”, bà Lê Thị Bao cho biết.

80 năm đã trôi qua, những nhân chứng lịch sử ở thời điểm ra đời bản Đề cương lịch sử đã không còn, nhưng những ký ức về quá khứ của vùng đất “dạ sắt, gan vàng” nơi lưu lại một giai đoạn hoạt động cách mạng hào hùng của những lãnh đạo cao cấp của Đảng, trong đó có Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn được lưu giữ trọn vẹn. “Tấm bia di tích, Nhà truyền thống cách mạng An toàn khu Võng La hay 12 điểm di tích gia đình cơ sở cách mạng… đã trở thành biểu tượng của niềm tự hào truyền thống; sống mãi trong ký ức, tâm khảm của người dân. Lòng yêu nước, kiên trung, một lòng đi theo Đảng, những đóng góp của cha ông, của các thế hệ đi trước được nhân dân xã Võng La luôn luôn trân trọng, giữ gìn…”, Phó Bí thư Thường trực Đảng bộ xã Võng La Lưu Ngọc Cảnh khẳng định. 

 BẢO ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top