Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Cương lĩnh, chiến lược đầu tiên về văn hóa của Đảng

Thứ Bảy 25/02/2023 | 08:00 GMT+7

VHO- LTS: Năm 1943, ngay khi tập trung cho việc vận động chính trị và chuẩn bị đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc, vào thời điểm cao trào và nóng bỏng nhất, Đảng ta vẫn quan tâm đến văn hóa. Trong vị trí lịch sử của nó, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 hoàn toàn có giá trị như là một Cương lĩnh đầu tiên, là chiến lược đầu tiên về văn hóa của Đảng.

Hiện tượng đặc biệt, hiếm có đối với một Đảng chưa cầm quyền

Tròn 80 năm, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam được công bố rộng rãi vào đầu năm 1943 trong bối cảnh Đảng ta chưa giành được chính quyền. Các nhà nghiên cứu văn hóa ở trong nước và nước ngoài đều coi sự xuất hiện của bản Đề cương này là một hiện tượng đặc biệt, hiếm có đối với một Đảng chưa cầm quyền, mà đã có tầm nhìn chiến lược về một lĩnh vực tinh thần không kém phần quan trọng đối với chính trị và kinh tế. Điều đó phản ánh sự nhạy bén chính trị và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, bắt nguồn từ một thực trạng đất nước đang bị “một cổ ba tròng” của phong kiến, thực dân Pháp và phát xít Nhật đua nhau thống trị và đàn áp nhân dân ta. Sự phối hợp của các thế lực ngoại xâm không chỉ là việc tìm cách vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động đến tận xương tủy, mà đi theo đó là hàng loạt những thủ đoạn với dã tâm hủy hoại tinh thần của nhân dân ta, xóa bỏ các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, để chúng dễ bề ru ngủ, triệt tiêu ý thức phản kháng của nhân dân; trong khi đó, chúng ra sức đề cao văn hóa ngoại bang. Vì vậy, bản Đề cương là sự cảnh báo cần thiết và kịp thời đối với toàn dân tộc, bóc trần mối nguy hại của chính sách văn hóa phản động, như tuyên truyền, giới thiệu, phô trương văn hóa của thực dân và phát xít, đề cao chủ nghĩa Đại Đông Á, mua chuộc nhà văn có tài, hăm dọa các nhà văn tiến bộ có tư tưởng cách mạng; xuất bản hàng loạt tài liệu nhồi sọ, thực hiện chính sách kiểm duyệt ngặt nghèo, tuyên truyền chủ nghĩa ái quốc mù quáng…

(PGS.TS NGUYỄN HỒNG VINH, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân)

Tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của Đảng

Từ năm 1930, sau khi được thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng triển khai hoạt động của mình theo hướng đó - vận động chính trị, tiến lên vận động chuẩn bị đấu tranh vũ trang, tức là “làm cách mạng chính trị” như Đề cương về văn hóa Việt Nam đã khẳng định. Song, có một điểm khác căn bản với các phong trào cách mạng và yêu nước khác, không chỉ ở mặt ý thức hệ, mà ở chỗ, ngay khi tập trung cho việc vận động chính trị và chuẩn bị đấu tranh vũ trang để giải phóng dân tộc, vào thời điểm cao trào và nóng bỏng nhất (năm 1943), Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất tỉnh táo và bản lĩnh, dành trí tuệ, tâm huyết chuẩn bị đường hướng cho việc tiến hành một sự nghiệp lớn: Đấu tranh xây dựng “một nền văn hóa mới”. Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời vào năm 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết đó của những người cộng sản Việt Nam. Ở đây không phải chỉ là việc sử dụng phương thức hoạt động văn hóa để thực hiện mục tiêu vận động chính trị (như các chí sĩ yêu nước lúc đó thường làm) mà là sự chuẩn bị lý luận, cương lĩnh cho sự ra đời một nền văn hóa mới sau khi cách mạng chính trị thành công, là sự vận động văn hóa như là một mặt trận, một sức mạnh đặc biệt góp phần cho sự phát triển của cách mạng chính trị…

Có thể khẳng định rằng, sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa và là kết quả của sự tổng kết thực tiễn một cách khoa học, nghiêm túc, sáng tạo. Đó vừa là sự kế thừa khoa học, vừa là sự phủ định biện chứng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đến các văn kiện tiếp theo. Song, rõ ràng là nền móng vững chắc, sự khai phá mở đường đã bắt đầu đúng đắn từ bản Đề cương lịch sử này. Trong vị trí lịch sử của nó, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 hoàn toàn có giá trị như là một Cương lĩnh đầu tiên, là chiến lược đầu tiên về văn hóa của Đảng.

(GS.TS ĐINH XUÂN DŨNG, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương)

Giá trị định hướng cho dân tộc

Trong bối cảnh thế giới bất ổn, chia rẽ và đối lập hiện nay, và khi đâu đó văn hóa có thể trở thành động lực xa cách và đối kháng, dân tộc Việt Nam thật may mắn khi từ đầu hành trình đấu tranh giành lại độc lập và thống nhất đất nước được tư duy vô cùng “trúng” và “hiện đại” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về ý nghĩa, tầm quan trọng và các giá trị định hướng thiết yếu của văn hóa trong tổng thể đường lối tạo thành một kim chỉ nam vững chắc và bền vững.

Nhìn lại, không phải cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nào trên thế giới cũng giữ được đoàn kết dân tộc không chỉ bằng chủ trương chính trị mà còn bằng tầm nhìn và giá trị văn hóa kết hợp được, phát huy được văn hóa đa sắc tộc, dung hòa được bản sắc dân tộc và tự tin giao lưu với thế giới bên ngoài và các nền văn hóa khác.

Đường lối này lại hoàn toàn phù hợp với phương châm đúng hướng cho cộng đồng ASEAN là thống nhất trong đa dạng.

Diễm phúc nữa của chúng ta là tư duy và quan điểm của Việt Nam về giá trị và vai trò của văn hóa trong tổng thể sự nghiệp của dân tộc ngay từ thời Đề cương về văn hóa thập niên 40 thế kỷ trước đã đồng nhất với thời đại khi đề cao yêu cầu dân chủ, khoa học và đại chúng. Đương nhiên, kế thừa di sản này đòi hỏi phải không ngừng động não, sáng tạo để có thể thật sự phát huy di sản văn hóa dân tộc, luôn tạo cho di sản có sức sống trường tồn xuyên thời gian và không gian, đặc biệt khi ngày nay có hơn 5 triệu người Việt và gốc Việt sinh sống khắp năm châu, đặt ra một yêu cầu quan trọng là hỗ trợ cho cộng đồng “hải ngoại” giữ được phần nào bản sắc dân tộc. Đồng thời cộng đồng đó là nhịp cầu thuận lợi để chúng ta giao lưu trao đổi với hơn 100 nước định cư.

Hội nhập và tính đại chúng về văn hóa thời hội nhập và kỹ thuật số là xu thế tất yếu nhưng không thể thiếu thế đứng vững vàng từ định vị bản sắc dân tộc để không bị cuốn chìm theo phong trào. Và luôn cần ý thức làm sao để hội nhập là quá trình hai chiều, không chỉ du nhập cái hay của thế giới mà còn chia sẻ được với thế giới cái nổi trội, cái đặc sắc, cái tốt đẹp của Việt Nam, người Việt Nam và văn hóa Việt Nam.

(Bà TÔN NỮ THỊ NINH, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM)

Sự ra đời của bản Đề cương là một tất yếu lịch sử

Lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới, có một đề cương văn hóa hoàn chỉnh. Trước đó, ở cách mạng Pháp những tư tưởng mới của Vônte, Môngtexkiơ, Rútxô, Điđrô… mới chỉ là những tư tưởng cá nhân chứ chưa phải là quan điểm của một phong trào. Phong trào Ngũ tứ được coi là một cuộc vận động văn hóa, nhưng gọi như vậy chỉ vì nó được khởi đầu từ giới sinh viên. Bài nói chuyện của Mao Trạch Đông tại Tọa đàm văn nghệ Diên An cũng vậy, đó cũng chỉ trình bày quan điểm văn nghệ công nông thôi, chứ chưa phải là một đề cương văn hóa. Trong khi đó, Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo thực sự là một đề cương văn hóa đúng nghĩa. Đó là điểm quan trọng thứ nhất.

Thứ hai, sự xuất hiện của Đề cương về văn hóa Việt Nam là một tất yếu lịch sử, chứ không phải là sự kiện ngẫu nhiên. Bởi vì dân tộc mình có truyền thống bốn nghìn năm coi trọng các giá trị văn hóa, không chỉ là văn hóa theo nghĩa rộng, mà cả những giá trị văn hóa cụ thể cho từng loại hình, từng lĩnh vực… Cho nên khi Đề cương về văn hóa năm 1943 được đưa ra, thì khắp nơi, từ những người làm cách mạng cho đến quần chúng đều truyền tay nhau say sưa đọc, vì văn kiện đó đã đáp ứng đúng tâm tư nguyện vọng của họ; nếu không đáp ứng thì Đề cương này sẽ rơi vào quên lãng.

Mặt khác, lúc bấy giờ Pháp khuyến khích phong trào sống vui vẻ, trẻ trung; xuất bản các ấn phẩm kiếm hiệp, thần bí; mở các tiệm hút, tiệm nhảy; phát xít Nhật lập ra Viện Văn

 hóa Nhật để tuyên truyền về tư tưởng “Đại Đông Á”… đã tạo nên tình hình mà Trường Chinh gọi là 3 nhược điểm: Phản dân tộc, phản khoa học và phản đại chúng. Cho nên Đề cương về văn hóa 1943 đã thể hiện kịp thời sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa trước tình hình thực tế ấy.

Cũng do nhu cầu của một dân tộc yêu văn hóa, nên trong lịch sử đã có Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ…; đến lúc ấy đã có những nhà lãnh đạo như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… không chỉ là những nhà cách mạng, mà đồng thời là những người rất uyên thâm về văn hóa. Với cả một truyền thống văn hóa dân tộc liên tục từ xưa đến nay như vậy, sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam là một tất yếu lịch sử.

Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 mang tính khoa học rất rõ. Đề cương gồm 5 phần có quan hệ với nhau rất chặt chẽ và sắp xếp khoa học, từ cách đặt vấn đề đến triển khai vấn đề, giải quyết vấn đề. Các tư tưởng trong đề cương được lập luận rất chặt chẽ theo kiểu cấu trúc móc xích, tạo nên sức thuyết phục cao, rất có hiệu quả. Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 còn đưa ra những kịch bản khác nhau: Nếu văn hóa dân tộc thắng thì dân tộc Việt Nam sẽ như thế nào, còn nếu như văn hóa phát xít thắng thì dân tộc Việt Nam sẽ ra sao… Các từ ngữ sử dụng trong Đề cương mang tính cách mạng với lối dùng từ rất dứt khoát, quyết liệt, rõ ràng. Cách sử dụng từ ngữ như thế trong thời điểm lúc bấy giờ đã truyền cảm xúc và tạo sức thu hút lớn, làm cho người ta khi cầm Đề cương thì phải đọc, mà đọc xong rồi thì như nhiều người hồi tưởng lại, thấy như có ngọn lửa cháy trong người.

(GS.TSKH TRẦN NGỌC THÊM)

Tính tiên phong của Đề cương về văn hóa Việt Nam

Đề cương về văn hóa Việt Nam có ý nghĩa thời sự và thực tiễn rất cao bởi nó đã góp phần thức tỉnh những trí thức, những văn nghệ sĩ đang bi quan dao động, mất phương hướng thấy được lối thoát. Muốn được giải phóng trước hết phải tự nguyện dấn thân vào con đường giải phóng dân tộc và chính họ phải là lực lượng xung kích tham gia vào mặt trận văn hóa - tư tưởng. Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, nhân dân và góc nhìn sự vật dưới con mắt biện chứng đã đem lại một cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn thay đổi, muốn tìm đường đi mà chưa thấy lối.

Sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng như tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên và rất cơ bản về những đặc điểm và thuộc tính của nền văn hóa Việt Nam. Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng ta mang tính tiên phong so với các chính đảng và các phong trào chính trị xã hội lúc bấy giờ. Đề cương có ý nghĩa tiên phong, mở những đường hướng cho cách mạng Việt Nam, nhất là lĩnh vực tư tưởng, văn hóa định hình những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc cơ bản, được bổ sung và phát triển trong nhiều năm tiếp theo. Đề cương chỉ rõ cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công. Tôi cho rằng các nội dung đề cập trong Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời đã làm tròn được mục đích và ý nghĩa của nó.

(GS.TS TRẦN NGỌC VƯƠNG)

Tiếp tục “đào sâu” những giá trị, bổ sung vào nội dung của Đề cương

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 có giá trị lịch sử rất đặc biệt, đó là luận cương văn hóa duy nhất của một chính Đảng được đưa ra trong thời kỳ Việt Nam chưa giành được độc lập; với nội dung khá toàn diện, đề cập đến cả 3 lĩnh vực tư tưởng, học thuật và nghệ thuật và đã xác định 3 nguyên tắc phát triển: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Đề cương về văn hóa 1943 đã mang tính lý luận về văn hóa khá hoàn chỉnh trong điều kiện mà những lý thuyết về văn hóa chưa phát triển, đất nước còn có sự xuất hiện của nhiều nhóm theo hướng khác nhau. Ở trong tình thế lý luận về văn hóa chưa định hình trong xã hội lúc đó, nhưng đưa ra được các nội dung và nguyên tắc phát triển như Đề cương về văn hóa 1943 là thành tựu lớn về lý luận văn hóa.

Đề cương về văn hóa 1943 chính là khẳng định được thành tựu về lý luận văn hóa phù hợp với điều kiện của Việt Nam ở thời điểm đó cho đến mãi sau này. Theo tôi, nhờ lý luận đó mới tập hợp được đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, thậm chí là quan lại, công chức theo phong trào Việt Minh, tham gia kháng chiến chống Pháp và kéo dài các thời kỳ cách mạng sau này. Nếu không có đề cương này thì khó thu hút được, bởi Đảng Cộng sản Việt Nam đặt nền tảng tư tưởng công nông, nhưng Đề cương về văn hóa 1943 lại đặt ra được những vấn đề lớn về văn hóa nên đã “chinh phục” được tầng lớp tinh hoa trí thức, văn nghệ sĩ. Không ngạc nhiên là tầng lớp văn nghệ sĩ tiêu biểu thời kỳ đó, các nhà thơ, nhà văn cho đến các nhà văn hóa lớn đã theo kháng chiến và cho đến khi xây dựng đất nước sau này.

Qua 80 năm, điều kiện lịch sử, hoàn cảnh xã hội đã có rất nhiều thay đổi, vì vậy những nội dung của đề cương sẽ tiếp tục được bổ sung để phát triển. Tôi tin rằng, Hội nghị lần này và quan trọng là sau Hội nghị, sẽ tập hợp được trí tuệ của các chuyên gia trong từng lĩnh vực để tiếp tục “đào sâu” những giá trị, bổ sung vào nội dung của Đề cương về văn hóa.

(Nhà nghiên cứu NGUYỄN XUÂN HOA, nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế)

Như một bản Tuyên ngôn về văn hóa của Đảng

Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 là văn kiện chính thức đầu tiên của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ, phân tích đúng đắn tình hình đời sống văn hóa; vạch ra những nhiệm vụ để tiến tới xây dựng nền văn hóa dân chủ, tiến bộ ở Việt Nam. Đề cương đã xác định, văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế, văn hóa). Ở đó người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa. Cách mạng văn hóa phải do Đảng lãnh đạo.

Đề cương về văn hóa cũng nêu rõ, phải xóa nạn mù chữ, vì không biết chữ, con người bị hạn chế về mọi mặt, đặc biệt là văn hóa. Do đó vấn đề phải nâng cao trình độ dân trí, tranh đấu về tiếng nói, chữ viết, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đã được Đảng ta nhìn thấu và xác định là một nhiệm vụ cấp thiết trong Đề cương về văn hóa. Nhiệm vụ khai dân trí được đặt lên vai của những người làm cách mạng và là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức. Đề cương về văn hóa khẳng định những nhiệm vụ cần kíp đó phải được tiến hành ngay từ lúc bấy giờ và cả mai sau.

Những định hướng từ Đề cương đã giúp cho chúng ta lập nên được những kỳ tích. Ngay sau khi được thông qua, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng đã đem lại một “sinh khí” mới cho văn hóa Việt Nam. Có thể khẳng định Đề cương có giá trị như một bản Tuyên ngôn văn hóa của Đảng ta; xác định rõ những tính chất, phương hướng để xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam; để lại những dấu ấn to lớn trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đã 80 năm kể từ khi ra đời, Đề cương về văn hóa vẫn còn mang tính thời đại sâu sắc.

(TS VŨ DƯƠNG THÚY NGÀ, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL)

Cần được xem như di sản văn hóa của dân tộc

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 trở thành tài liệu đầu tiên, quan trọng và duy nhất, có tác dụng tập hợp lực lượng rất lớn những người có tư tưởng tiến bộ bấy giờ trong mặt trận Văn hóa cứu quốc. Ngày nay, đất nước thanh bình nhưng sự xâm lăng về văn hóa lại vô cùng khó lường, đôi khi còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm. Tư tưởng đại chúng trong phát triển về tinh thần tự lực, tự cường được xem như những giá trị chung cho quốc gia, dân tộc.

Nhìn lại 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định rằng đây không chỉ là cương lĩnh lãnh đạo văn hóa để định hướng và hành động mà cũng được xem như là di sản văn hóa của dân tộc, cần phải bảo tồn và phát triển nó trong bối cảnh hiện tại. Những giá trị cốt lõi cần gìn giữ, bên cạnh đó cần cập nhật các giá trị mới, phù hợp với thời đại.

Chặng đường phát triển của văn hóa Việt Nam 80 năm qua từ khi bản Đề cương ra đời, chúng ta nhận thấy được những thành tựu phát triển về văn hóa xã hội của đất nước. Các di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy, được sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Đề cương thực sự đã đi vào cuộc sống và trở thành quen thuộc của mỗi cá nhân trong xã hội. Những quan điểm và nội dung được đề cập trong bản đề cương từ hơn nửa thế kỷ trước đến nay vẫn còn mang tính thời đại. Đây là cơ sở, nền tảng cho các nghị quyết về phát triển văn hóa như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII; Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI. Hiện nay, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế, một số quan điểm trong Đề cương về văn hóa 1943 đã được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp với thời kỳ mới. Tuy nhiên, tư tưởng thông suốt về dân tộc, khoa học, đại chúng của Đề cương về văn hóa 1943 vẫn còn nguyên giá trị. Là cơ sở, nền tảng để phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

(PGS.TS LÂM NHÂN, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Văn hóa TP.HCM)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top