Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

“Bà mụ” của phụ nữ và trẻ em đồng bào dân tộc

Thứ Sáu 24/03/2023 | 11:04 GMT+7

VHO-  Niềm vui của chị được gom góp từ niềm vui của những ca “mẹ tròn con vuông”, từ hạnh phúc của các gia đình chào đón em bé khỏe mạnh, kháu khỉnh.

 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan gặp mặt các CĐTB

7 năm làm bà đỡ… không phụ cấp

Chị Thiêm không thể nhớ 12 năm qua mình đã đỡ đẻ cho bao nhiêu ca, nhưng với chị, những ca “đẻ rơi” dọc đường là những kỷ niệm khó quên. “Nhận được tin báo có ca vỡ ối chuẩn bị sinh trên đường, tôi mang đồ nghề tức tốc tới ngay. Đứa bé chào đời tím tái, không khóc được, người nhà sản phụ nói: “Đứa trẻ chết rồi, đừng làm gì nữa”, nhưng tôi vẫn cố gắng vận dụng hết những kiến thức và kinh nghiệm, hút mũi đờm, xoa bóp, nhấn ngực. 15 phút sau trẻ mới hồng hào dần và cất tiếng khóc. Đến giờ thằng bé cũng gần 10 tuổi rồi, mỗi lần gặp, mẹ bé lại nhắc: Nếu không nhờ cô, thằng bé chết rồi!”.

Đảm trách quản lý 3 thôn xa xôi nhất tại huyện Xín Mần, có những hôm chị Thiêm phải cuốc bộ cả chục cây số đến nhà thai phụ thăm khám, tư vấn. Trước đây, người dân quen với tập tục sinh con tại nhà nên rất nguy hiểm, những ca thấy không an toàn, chị phải vừa dùng tình cảm, sự tin tưởng và cương quyết để thuyết phục gia đình, sản phụ đến trạm y tế để sinh con. Mất cả ngày đi đường, khi quay về tới nhà trời tối mịt, nhưng phụ cấp chưa đến 700.000 đồng/tháng, nhiều lúc ông xã khuyên chị bỏ nghề. “Tôi làm vì tình yêu nghề thôi, chứ phụ cấp không đủ sống. Công việc lại phải đi đêm tối, vất vả. Hôm trước mượn xe máy của chồng đi đến nhà sản phụ, trên đường bị ngã, hỏng xe mà chưa có tiền sửa”, “bà mụ” kể.

Trong buổi gặp mặt với lãnh đạo ngành Y tế, nhiều CĐTB đã nêu lên những khó khăn và hạn chế trong công việc cũng như chính sách đãi ngộ, nhưng vượt lên trên hết vẫn là lòng yêu nghề, tình yêu thương đồng bào và sự tin tưởng của bà con. Cô đỡ Vàng Thị Mỉ (bản Hang Hóc, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) chia sẻ: “Đường đi lên các thôn khá xa và nguy hiểm, có những ngày mưa không đi xe được em phải cuốc bộ khoảng 1-2 tiếng mới tới nơi. Trong gần 6 năm làm công việc cô đỡ, dù có vất vả nhưng em vẫn rất vui vì giúp được bà con. Đặc biệt, kiến thức về mang thai, chăm sóc sau sinh của bà con trong thôn cũng được cải thiện rõ rệt”. Đồng bào có phong tục khi trong nhà có người sinh con thì người lạ không được vào, nhưng với các cô đỡ thì lại hoàn toàn khác: “Tôi thì vẫn ra vào bình thường vì bà con tin tưởng, coi như người nhà. Thậm chí, họ còn ra cửa để nói chuyện và đón tôi”, một cô đỡ bày tỏ. Cô cũng cho hay, thù lao cho công việc của mình là 447.000 đồng/tháng, “cũng hơi ít, nhưng Nhà nước cho như thế nào thì mình lấy thế thôi”.

Không may mắn như thế, cô đỡ Tẩn Thị Tách (SN 1996, dân tộc Dao, Mèo Vạc, Hà Giang) dù có thâm niên 7 năm làm CĐTB nhưng chưa được nhận phụ cấp lần nào. Tuy vậy, đôi chân của cô vẫn miệt mài đến với bà con vì không muốn các sản phụ mắc bệnh, tử vong khi mang thai và sinh đẻ. Tách phụ trách 3 thôn với 249 hộ, trong đó 2 thôn rất khó khăn, chủ yếu là người dân tộc Mông và cách xa trung tâm. Năm 2022, cả 3 thôn cô phụ trách có 36 thai phụ, Tách đỡ hơn 10 ca. “Mỗi lần đi khám thai và đỡ đẻ rất khó khăn vì nhà dân ở xa, trong khi em không có phương tiện, đi bộ là chủ yếu nên mất đi thời gian vàng cứu sản phụ”, Tách nói. Cô cũng nêu lên mong muốn Nhà nước hỗ trợ phụ cấp, dụng cụ làm việc cho CĐTB để các “bà mụ” đỡ vất vả hơn.

 Các cô đỡ đã góp phần không nhỏ vào thành tựu của Việt Nam trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (ảnh minh họa)

Cần những chính sách xứng đáng

Xúc động trước những chân tình của các CĐTB, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan một lần nữa ghi nhận vai trò của mạng lưới CĐTB trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng... “Nhờ có cùng ngôn ngữ, phong tục, tập quán và tín ngưỡng, lại ở ngay trong cộng đồng nên giữa CĐTB và đồng bào không còn khoảng cách về địa lý và văn hóa, dễ dàng tiếp cận tới bà mẹ, trẻ em ở những vùng khó khăn, cung cấp các dịch vụ phù hợp, được đồng bào DTTS tin tưởng, chấp nhận. Các cô đỡ đã góp phần không nhỏ vào thành tựu của Việt Nam trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Để trở thành CĐTB, mỗi học viên phải trải qua quá trình học tập ít nhất là 6 tháng theo chương trình và nội dung đào tạo của Bộ Y tế. Đến nay chưa ghi nhận ca tai biến nào khi có sự hỗ trợ của CĐTB. Với sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế, đến nay toàn quốc đã có 3.077 CĐTB được đào tạo. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, đến nay hoạt động đào tạo đã ngừng hoạt động do không có kinh phí. Hiện tại, số CĐTB được hưởng phụ cấp đã giảm xuống chỉ còn 911 người, trong đó có 732 người kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế.

Thừa nhận việc hoạt động của các CĐTB có gặp một số khó khăn, chủ yếu do các chính sách về hỗ trợ phụ cấp chưa được thực hiện tốt, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị ngành Y tế các cấp phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng và thực thi đầy đủ các chính sách đãi ngộ đối với CĐTB, nhằm hỗ trợ, động viên họ yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến sức lực vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam khẳng định: “Các CĐTB là nguồn lực quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc duy trì và mở rộng đội ngũ CĐTB có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả đạt được về sức khỏe bà mẹ, cứu sống sản phụ và trẻ sơ sinh. Để duy trì đội ngũ CĐTB, chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi các chính sách, chương trình liên quan, đặc biệt là ở tuyến tỉnh; xây dựng và cập nhật các Nghị quyết, kế hoạch hành động và văn bản hướng dẫn cấp quốc gia và cấp tỉnh để hỗ trợ đầy đủ cho việc đào tạo, triển khai, vận hành, duy trì đội ngũ CĐTB. Điều này cần bao gồm phân bổ ngân sách đầy đủ và tăng cường nguồn nhân lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Việt Nam, tiếp tục huy động thêm hỗ trợ từ các đối tác phát triển, doanh nghiệp và tổ chức xã hội có liên quan, đặc biệt là trong việc xây dựng năng lực cho các cô đỡ thôn, bản ở các tỉnh có nhu cầu”, Phó trưởng Đại diện tổ chức UNICEF nhấn mạnh. 

Suốt 12 năm cần mẫn gắn bó với công việc của cô đỡ thôn, bản (CĐTB), chị Vàng Thị Thiêm (dân tộc Nùng, thôn Nàn Lũng, Nàn Ma, Xín Mần, Hà Giang) chưa bao giờ nghĩ có ngày mình được mời ra Hà Nội dự Hội nghị “Cùng chung tay hỗ trợ cô đỡ thôn, bản vì sức khỏe bà mẹ trẻ em vùng dân tộc thiểu số” do Bộ Y tế tổ chức, được giao lưu với 30 CĐTB tiêu biểu cả nước và đặc biệt là được Bộ trưởng Bộ Y tế gặp mặt, tôn vinh…

 

THẢO LAM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top