Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Tàn nhẫn với di sản của tiền nhân!

VHO- “Căn cứ vào các tài liệu như sắc phong, câu đối tại đình thì đến nay ngôi đình làng tôi đã tồn tại 167 năm rồi, còn trước đó nữa ra sao không ai biết... Đình bị hư hỏng xuống cấp nhiều năm, các cụ quyết định tu sửa bằng vật liệu bền vững, những cấu kiện gỗ của đình thì đem bán để lấy thêm kinh phí. Nói thật nhá, cái mê ấy vẫn còn đẹp lắm...”.

Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Tàn nhẫn với di sản của tiền nhân! - Anh 1

Đình làng Thanh Khê khi chưa bị hạ giải - Ảnh của N.V.A

Lời ông T, thành viên Ban kiến thiết tu bổ đình làng Thanh Khê (xã Yên Nghĩa, Ý Yên, Nam Định) cứ nhưng nhức vang lên khi chúng tôi gặng hỏi về quá trình tu sửa đình cũng như quyết định bán gần như toàn bộ cấu kiện gỗ của ngôi đình cổ. Vẻ mặt ông thản nhiên, giọng nói không biểu hiện sự luyến tiếc: “Các cụ đòi 65 triệu đồng đấy nhưng các anh đến mua xin 1 triệu để phụ tiền vận chuyển, nên bán từng ấy gỗ là 64 triệu đồng”.

“Có họa tiết đẹp như thế bọn em mới mua chứ”

Khoảng ngày 9.4, trên mạng xã hội xuất hiện những thông tin liên quan đến việc tháo dỡ đình đem bán với vô vàn lời bình luận sâu cay. Tìm hiểu kỹ hơn thì được biết trước đó (ngày 22.2) cũng trên mạng xã hội, tài khoản P.A đăng “tút” như dạng rao bán năm gian nhà gỗ cổ kèm theo những tấm ảnh ghi lại bức “Mê” và các cấu kiện gỗ đang nằm phơi mưa nắng, đồng thời đưa ra những thông tin mập mờ rằng có vẻ như đây là ngôi đình rất có giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật chạm khắc.

Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Tàn nhẫn với di sản của tiền nhân! - Anh 2

Đình Thanh Khê đang trong quá trình xây dựng mới (chụp chiều 10.4) Ảnh: T.S

Khi kiểm tra kỹ những thông tin trên nhiều người vào bình luận và chắc nịch cho rằng, không đời thủa nào lại có chuyện người dân, nhất là người cao tuổi lại đang tâm tháo dỡ ngôi đình thờ thần hoàng làng linh thiêng đem bán để lấy tiền tu bổ, tôn tạo thành ngôi đình mới. Không ít bình luận nhận định đây là tin giả, bịa đặt nhằm câu like. Nhưng không, đây lại là sự thật đến mức khó tin làm buốt xót những người trân quý di sản của các bậc tiền nhân!

Lần theo địa chỉ rao bán “ngôi nhà cổ” trên mạng chúng tôi “nhảy” vào inbox với người có tài khoản P.A. Sau một hồi lân la gạn hỏi, tài khoản P.A tiết lộ “có khả năng là đình thôi chứ theo suy đoán của em đây là ngôi nhà cổ của dân bị tịch thu sung công vào giai đoạn cải cách ruộng đất. Hơn nữa có thầy sư đã nói đây không phải là đình, vì đã là đình thì phải có đầu đao”. Nhập vai người muốn mua “ngôi nhà cổ” này để dựng từ đường dòng họ, tài khoản P.A cho biết, hiện đang có rất nhiều người liên lạc đặt vấn đề để mua, nhưng chưa có ý định bán. “Nếu anh thật sự có tâm thì anh đến theo địa chỉ này, anh em mình trao đổi, thương thảo. Giá em đưa ra là 1,5 tỉ đồng”, tài khoản P.A cho biết, rồi mấy giờ sau gửi cho chúng tôi hình ảnh định vị điểm đến nhà P.A.

Tài khoản P.A tên thật và đầy đủ là N.V.A, hiện đang thường trú tại xã H.M thuộc một huyện ở Nam Định. Dáng người gầy nhỏ, nhưng tỏ ra rất xởi lởi, không hề có ý định giấu giếm điều gì. Gặp chúng tôi, N.V.A liền hỏi “có phải anh H hôm qua liên lạc không”, rồi dẫn chúng tôi đi qua ba xưởng gỗ mà theo giới thiệu đây là những xưởng gỗ của N.V.A cùng với mấy anh em họ cùng làm. Đến xưởng gỗ đầu tiên N.V.A chỉ tay vào bức mê (tên dân gian), còn theo thuật ngữ chuyên môn gọi cốn vì nóc chạm đồ án hổ phù hàm thọ đang dựng bên tường: “Đây là bức mê mà hôm trước em đăng trên mạng đó. Bọn em vừa cho làm sạch sẽ, đánh bóng lên anh ạ. Nói thật các cụ ta ngày xưa chạm trổ không chê vào đâu được. Quá đẹp. Chỉ riêng hai bức mê này em đã bán được tiền trăm triệu”. Tại xưởng này còn chứa một bộ xà nách cũng được chạm trổ rồng, phượng hết sức tinh xảo. Dẫn đến xưởng thứ hai, N.V.A giới thiệu một số cấu kiện khác của ngôi đình cổ như cột con, xà nách, vì kèo. Tất cả cũng đã được làm sạch và đánh bóng.

Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Tàn nhẫn với di sản của tiền nhân! - Anh 3

 Tượng và đồ thờ đang để gian hậu cung của đình Ảnh: T.S

Sau một lúc chạy ngoằn ngoèo từ xã này sang xã khác, xe chúng tôi dừng trước một xưởng gỗ khá lớn, bên trong chứa vô vàn cột gỗ xen lẫn cổ, cũ và mới. “Ở xưởng này bọn em để 8 cột cái và cột con, cũng đã làm sạch rồi. Ngoài ra còn có hai thượng lương để lắp hai bức mê. Kia là bồ xà nách. Tất cả là của ngôi nhà cổ em đã đăng”, N.V.A giới thiệu rồi mời chúng tôi về nhà để tiếp tục thương thảo. Là người xởi lởi, N.V.A không có ý định giấu giếm bất kỳ điều gì liên quan đến “ngôi nhà cổ” này, vì thế sau khi réo điếu thuốc lào bát, anh ta thổ lộ: “Nói thật với anh, ngôi nhà cổ này, à mà là đình đấy bọn em phải bổ sung thêm 16 cột nữa, thêm vào đó là rui, mè... mới thành được một công trình được. Nhưng giá trị nhất vẫn là mấy bức có họa tiết, bọn em mới mua, còn không thì không bao giờ”.

“Em mua ngôi này ở Vũ Thư, Thái Bình à” chúng tôi gạ hỏi, N.V.A cười xòa: “Không anh ạ, trên điện thoại em nói thế thôi chứ em mua ở Nam Định đấy. Bọn em mua cũng nhanh lắm. Bọn em đến xem kỹ, thấy có mấy bức chạm khắc đẹp, có họa tiết thì bọn em mới mua đấy. Anh muốn xác định rõ nguồn gốc của ngôi nhà này, em sẽ đưa anh đến tận nơi. Bây giờ ở đó các cụ đổ bê tông hết rồi”. Nói xong N.V.A mở máy điện thoại cho chúng tôi xem những bức ảnh khi mới bắt đầu hạ giải ngôi đình cho đến những clip ghi lại cảnh các thợ xây đang đổ bê tông phần mái…

Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Tàn nhẫn với di sản của tiền nhân! - Anh 4
 

 N.V.A (người cầm thước) đang đo chiều cao bức mê sau khi đã được làm sạch, đánh bóng, hiện đang để tại xưởng gỗ. (Ảnh chụp vào trưa 10.4 ) Ảnh: T.S

“Hỏi các cụ đã, 15 triệu sẽ bán đấy”

Sau bữa cơm trưa vội vàng, chiều 10.4 chúng tôi theo xe chỉ dẫn của N.V.A đến ngôi đình bị tháo dỡ toàn bộ cấu kiện, trong đó có những bức mê (cốn vì nóc chạm đồ án hổ phù hàm thọ), niên đại cuối thế kỷ 19 cùng với những bộ xà nách được chạm trổ tinh xảo, điêu luyện của các nghệ nhân xưa. Từ xã H.M đến làng Thanh Khê, xã Yên Nghĩa, huyện Ý Yên cũng phải mất hơn giờ xe chạy.

Đứng trước ngôi đình cổ Thanh Khê 167 tuổi giờ chỉ là một công trình 5 gian bằng bê tông cốt thép mới vài tháng tuổi. Phía trong đội thợ đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng. Ở trên nền sân đình đang đắp đôi rồng theo kiểu thức lưỡng long chầu nguyệt. Xung quanh vôi vữa, gạch đá, đồ gỗ không thể tái sử dụng được nữa vì bị mối mọt, còn là 8 chân cột đá tảng, những hiện vật xưa cổ còn sót lại. Sau đầu hồi còn có những mẫu gỗ chạm khắc mà người xưa hay gọi là dạ tàu cũng bị vứt lỏng chỏng.

Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Tàn nhẫn với di sản của tiền nhân! - Anh 5

 Bức mê tại đình làng Thanh Khê trước khi bị hạ giải Ảnh của N.V.A

Quan sát công trình cổ xưa nay chỉ được mấy tháng tuổi, trong chúng tôi cứ nghèn nghẹn, buốt xót. Mươi phút sau có một người đàn ông, trạc tuổi lục tuần đạp xe đến. Với vài câu thăm hỏi, ông này mở lời giời thiệu tên là T, thành viên Ban kiến thiết tu bổ đình làng Thanh Khê. “Cái đình này, căn cứ theo sắc phong, câu đối do các cụ dịch là đã tồn tại 167 năm. Đình này thờ Thành hoàng làng, hình như thờ vị Cao Minh Đại vương. Đình bị mối mọt hết. Chưa sập được đâu nhưng khi dở ra thì nó mục nát, cái hoành, rui kia kìa... Còn 8 cái cột và đòn rui, đòn tay, đòn tiếc bán được 64 triệu đồng, họ xin 1 triệu vì công vận chuyển để họ cũng tu sửa lại đình. Giờ mình làm mới tất, chỉ giữ lại 16 cột đá từ hồi các cụ. Vừa rồi họp làng để xin tu sửa lại, tiền công đức của con cháu ở ngoài ủng hộ được hơn 1 tỉ, dân đóng góp mỗi khẩu là 500 ngàn, tổng được hơn 1 tỉ. Nói chung là làm cũng thoải mái. Tôi nói riêng chứ, có cái mê ở trong kia kìa, ngày xưa các cụ đục ra con cua, con cá, con rồng đẹp lắm. Chạm trổ đẹp lắm. Khi các anh ấy đến mua thì nói chúng cháu chỉ thích nhất cái mê ấy, mua về để tu sửa đình nhà cháu thôi. Những cái ấy còn ngon lắm”, ông T say sưa kể.

Xung quanh việc tháo dỡ những ngôi đình, nhà thờ cổ đem bán: Tàn nhẫn với di sản của tiền nhân! - Anh 6

 Bức mê và toàn bộ cấu kiện gỗ của đình làng Thanh Khê được N.V.A đưa về xưởng; sau đó chụp ảnh đăng lên mạng rao bán Ảnh của N.V.A

Đang thản nhiên cho chúng tôi biết về quá trình tu bổ cũng như bán cấu kiện gỗ của di tích thì đột nhiên ông T. quay sang một thanh niên đang ngồi xổm nhìn về phía đình (đây là anh rể của N.V.A, tên là Đ): “Đây này, ông này mua cấu kiện gỗ của đình chứ gì nữa, đúng rồi”. Nói thêm về ngôi đình của mình, ông T. cho biết các cột đá cổ trong đình đều có chữ tất, còn 8 cột gỗ đã đem bán cũng có chữ Hán trên đó khắc ghi những người hưng công xây dựng làng. Khi hỏi ông có biết những chữ khắc trên các cột đá cổ hiện còn ở đình không, ông T. cho hay là không biết, nhưng mới đây đã mang đi dịch rồi. “Đình làng mình có sắc phong nào không ông?”, không phút chần chừ ông T nói “có chứ, hiện đang đi cất gửi ở đình trên rồi, đình được xếp hạng di tích quốc gia đó. Nghe các cụ nói đời nào cũng có sắc phong”.

Nhìn mấy chân cột đá đang nằm chơ chỏng vốn là chân cột kê 8 cây cột gỗ của đình (nay đã bị bán) tự ngày xưa, N.V.A và Đ. tiến đến hỏi han ông T để gạ mua. “Còn mấy chân cột này ông bán cho bọn con đi, để lại làm gì”, Đ. “nhập cuộc”. Ông T. nghĩ một lúc rồi nói, “phải xin ý kiến các cụ đã chứ. Nghe nói để lại làm chỗ ngồi và vật chứng của đình”. Nghe vậy N.V.A chen vào, “vật chứng thì mấy cái cột đá cũng là vật chứng rồi, bán cho chúng con để cho nó đồng bộ”. Ngắt lời, ông T. phân bua, “có lẽ không được đâu. À này, nếu mua thì bán 15 triệu. Tối tôi hỏi ý kiến các cụ, các cụ đồng ý sẽ bán”. 

(Còn tiếp)

 Phóng sự điều tra của NGUYỄN THANH SƯƠNG

Ý kiến bạn đọc