Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Sớm chuẩn hóa các nhóm trẻ tư thục

Thứ Hai 24/04/2023 | 10:24 GMT+7

VHO- Gửi trẻ là nhu cầu lớn của mọi gia đình, nhất là lao động nhập cư. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều nhóm trẻ độc lập tư thục được hình thành, góp phần giải quyết kịp thời những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, quản lý chặt chẽ và nâng cao chất lượng mô hình này đang là vấn đề cấp thiết ở mỗi địa phương, đặc biệt khi thời gian nghỉ hè đang đến gần.

 Kiểm tra các nhóm trẻ tư thục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Thực hiện Thông tư 49-2021/TT-BGDĐT ngày 31.12.2021 của Bộ GD&ĐT về Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục (gọi tắt Thông tư 49), Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các quận, huyện, ngành giáo dục, UBND các phường triển khai kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ độc lập, tư thục…

Nỗi lo của phụ huynh

Đà Nẵng hiện có 731 nhóm lớp tư thục; trong đó có 507 nhóm trẻ trên 7 em và 224 nhóm trẻ tối đa 7 em. Đặc điểm chung ở nhóm trẻ độc lập tư thục là chủ yếu nhận giữ con em của người dân lao động thu nhập thấp, công việc và giờ giấc không ổn định…

Không phủ nhận sự đáp ứng kịp thời của nhóm trẻ tư thục, nhưng thực tế tại các mô hình này đã xảy ra nhiều vụ xâm hại để lại dư chấn nặng nề và cản trở sự phát triển của trẻ. Đơn cử, cuối năm 2022, trên địa bàn phường Hòa An và Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), hai nhóm lớp độc lập tư thục bị tố cáo bạo hành, bỏ đói trẻ. Mới đây, vào đầu tháng 4, tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu tiếp tục xảy ra vụ việc cháu bé 2 tuổi tử vong khi được gửi ở nhóm trẻ Mặt Trời Nhỏ.

Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết, sau vụ việc, UBND quận đã tiến hành rà soát, kiểm tra các nhóm trẻ còn lại. Kết quả cho thấy, một số nhóm, lớp không bảo đảm về điều kiện trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến thực phẩm, lưu mẫu, kiểm thực 3 bước chưa bảo đảm theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; không lưu trữ phiếu đi chợ hằng ngày; trẻ phải sinh hoạt chung với gia đình chủ… “Toàn quận có 141 nhóm lớp tư thục, sau khi rà soát, nếu nhóm nào không đủ điều kiện theo Thông tư 49 sẽ không được cấp phép và không cho hoạt động; các nhóm dưới 7 trẻ sẽ không được cấp mới; động viên phụ huynh gửi các cháu ở trường mầm non công lập và ngoài công lập để được chăm sóc tốt và an toàn hơn”, ông Lịch cho biết.

Tương tự, trên địa bàn quận Sơn Trà hiện có khoảng 100 nhóm trẻ độc lập, tư thục. Cơ quan chức năng cũng đang tập trung rà soát, kiểm tra hoạt động của các nhóm có bảo đảm theo Thông tư 49, từ đó Phòng GD&ĐT quận sẽ tiếp tục thẩm định một lần nữa để có hướng quản lý nhóm trẻ này.

Ông Võ Trung Minh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Sơn Trà thừa nhận: “Có thể nói, việc gửi con tại các nhóm trẻ độc lập tư thục là lựa chọn của một bộ phận người dân vì phù hợp với điều kiện kinh tế, hoàn cảnh. Vấn đề là cần tăng cường hỗ trợ, quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các nhóm trẻ; phối hợp của các ngành, địa phương, đoàn thể và cả phụ huynh để bảo đảm sự an toàn cũng như chăm sóc tốt nhất cho các cháu”.

Một nhóm trẻ tư thục trên địa bàn TP Đà Nẵng

Không thể xóa bỏ mà phải tìm cách khắc phục

Chánh văn phòng phụ trách Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Anh Tú phân tích: “Thực tế nhu cầu ở các nhóm trẻ tư thục này rất cao. Nếu so sánh sẽ thấy cả hai đều có ưu và nhược điểm, ví dụ, nhóm trẻ trường công với số lượng vài trăm cháu sẽ khó giám sát và ít điều kiện được quan tâm hơn. Nhóm trẻ trường tư chỉ khoảng vài chục cháu, quy mô nhỏ nên dễ kiểm tra, nếu có xảy ra vi phạm cũng sẽ được phát hiện nhanh chóng. Thuận lợi nổi trội ở nhóm trường công là cơ sở vật chất đầy đủ, trình độ giáo viên bài bản, được chuẩn hóa, môi trường vui chơi tốt hơn, nhưng lại hạn chế về thời gian đưa đón, không linh động được như nhóm trẻ tư. Nhìn vào thực tế, khi cha mẹ là công nhân phải tăng ca, làm ngoài giờ thì chỉ có bảo mẫu nhóm trẻ tư là đáp ứng được. Còn một mô hình nữa là trông trẻ tự phát, nghĩa là một người ở nhà trông con, cháu và nhận trông thêm vài trẻ con hàng xóm… Mô hình này đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của các gia đình, phụ huynh nhưng nên hạn chế vì người chăm nuôi không được tập huấn về chuyên môn, cơ sở vật chất, dinh dưỡng không đảm bảo, chỉ đáp ứng ở mức độ an toàn ban đầu”.

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng, về cơ bản nhóm trẻ trường công và nhóm trẻ tư thục vẫn phải tồn tại song song trong điều kiện sống hiện nay, không thể xóa bỏ một trong hai mà phải chấp nhận và tìm cách khắc phục nhược điểm, nâng cao chất lượng hoạt động. Về giải pháp, các nhóm trẻ tư thục nên được chuẩn hóa để khuyến khích, như đầu tư cơ sở vật chất, sắm sửa đồ chơi, trang thiết bị, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, qua đó vừa giảm áp lực cho trường công, vừa nâng cao chất lượng…

“Những năm qua, Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em TP đặc biệt quan tâm đến nhóm trẻ em này. Hội phối hợp với Sở GD&ĐT, Sở LĐ,TB&XH tiến hành kiểm tra định kỳ, chỉ đạo các cơ sở giám sát thường xuyên theo nhiệm vụ chức năng. Thường xuyên tổ chức lớp tập huấn cho bảo mẫu, cấp dưỡng, tạo điều kiện cho nhóm trẻ hoạt động đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra, nhận thức, trách nhiệm của người dân cũng ngày càng nâng cao đã góp phần rất lớn trong việc phát hiện các trường hợp xâm hại để cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp thành lập đoàn giám sát chuyên ngành, qua đó chỉ ra hạn chế, thiếu sót ở mỗi cơ sở, đồng thời hỗ trợ cho các nhóm trẻ có hoàn cảnh khó khăn”, ông Nguyễn Anh Tú chia sẻ thêm.

Bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng thông tin, ngay từ đầu năm học, Sở đã có Công văn 2361/SGDĐT-GDMN ngày 9.9.2022 về nâng cao tinh thần trách nhiệm công tác bảo đảm an toàn thể chất và tinh thần cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non; nội dung này xuyên suốt cho cả năm học. Đồng thời, theo phân cấp quản lý cơ sở nhóm trẻ độc lập do UBND xã, phường thực thi quản lý và cấp phép thành lập. Do đó, Sở cũng đã tham mưu UBND thành phố có Công văn số 5565/UBND-SGDĐTngày 11.10.2022 về tăng cường công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn; trong đó tập trung chỉ đạo các quận, huyện quản lý hoạt động cơ sở độc lập, tư thục; giao Sở GD&ĐT phối hợp UBND các quận, huyện và các tổ chức, ban, ngành liên quan… tổ chức thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. 

MINH CHÂU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top