Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Độc đáo Lễ hội Am Chúa

Thứ Ba 02/05/2023 | 10:18 GMT+7

VHO- Lễ hội Am Chúa được đánh giá là một trong những lễ hội còn lưu giữ được nhiều nghi thức cổ truyền của người Việt ở Khánh Hòa cũng như nét đẹp trong tục thờ Mẫu. Trong câu chuyện về Thiên Y Ana Thánh Mẫu cho thấy sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt - Chăm, tôn vinh vai trò của người Mẹ xứ sở trong việc sáng tạo ra muôn loài…

Nghi thức cúng Thánh Mẫu tại Lễ hội Am Chúa

 Thu hút đông đảo du khách

Năm nay, từ ngày 20 đến 22.4 (tức từ ngày mùng 1 - 3 tháng 3 âm lịch), tại Khu di tích Am Chúa (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), Lễ hội diễn ra thu hút hàng ngàn người dân, du khách thập phương đến tham dự. Ngoài người dân địa phương và khách du lịch, lễ hội còn có sự tham gia của 100 đoàn hành hương từ các tỉnh lân cận với gần 3.000 người đăng ký thực hành các nghi thức tín ngưỡng thờ Mẫu.

Tại đây, các trình diễn nghệ thuật dân gian diễn ra hết sức tiêu biểu, đặc sắc và trang trọng, thể hiện sự thành kính và tôn sùng vị Thánh Mẫu, đồng thời cầu cho mưa gió thuận hòa, cuộc sống của nhân dân được bình yên, êm ấm. Sau nghi thức khai mạc là các nghi thức lễ tế cổ truyền. Các đoàn hành hương lần lượt biểu diễn Hát văn, Múa bóng rỗi, ngợi ca công đức của Thánh Mẫu Thiên Y Ana, thể hiện ước mơ bình dị của người dân là mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an...

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa cho biết: Số lượng các đoàn hành hương về dự lễ hội năm nay tăng hơn 10 đoàn so với năm trước. Mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội cũng quy mô hơn, chu đáo hơn. Việc bố trí, sắp xếp thời gian các đoàn vào thực hiện nghi lễ dâng hương rất bài bản, chu tất. Lễ hội Am Chúa là sinh hoạt văn hóa tâm linh để thể hiện tục lệ uống nước nhớ nguồn của người dân địa phương nói riêng và người dân cả nước nói chung, nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với Thánh Mẫu Thiên Y Ana - vị thần đã dạy cho dân biết cách cày cấy, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, đoàn kết đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại cuộc sống bình yên cho xứ Trầm hương.

Trao đổi với Văn Hóa, anh Nguyễn Thành Duy (du khách đến từ TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cho biết: Không khí Lễ hội rất tôn nghiêm, du khách đến đây rất đông và ai cũng hào hứng, phấn khởi. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia dâng hương, chiêm bái Thánh Mẫu, mong lễ hội năm sau tôi sẽ được trở lại nơi đây.

Phát huy giá trị di tích

Am Chúa được xây dựng trên ngọn núi Đại An (còn gọi là núi Dưa, núi Qua Sơn…), thuộc thôn Đại Điền Trung, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Am Chúa nằm ở tọa độ: 610 vĩ Bắc, 930 kinh Đông. Am Chúa là di tích lịch sử - văn hóa gắn liền với tín ngưỡng thờ Thiên Y Thánh Mẫu, bắt nguồn từ tục thờ Mẹ xứ sở (là nữ thần Po I nư Nagar của dân tộc Chăm).

Từ năm 1653, vùng đất Khánh Hòa ngày nay chính thức là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Sự cộng cư và hòa cư của người Việt với người Chăm cùng một số tộc người ở khu vực đã đánh dấu sự hình thành, phát triển một cách mạnh mẽ tín ngưỡng thờ Nữ thần, Mẫu thần của người Việt. Tín ngưỡng bản địa thờ Mẹ sứ sở của người Chăm đã được người Việt vào tiếp quản, Việt hóa để trở thành tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana. Chỉ mới chưa đầy 4 thế kỷ (XVII - XXI), tín ngưỡng này đã phát triển rộng khắp, bao trùm lên toàn bộ đời sống tinh thần của người Việt ở Khánh Hòa, len lỏi vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống hằng ngày và trở thành một tín ngưỡng chủ đạo của người dân Khánh Hòa hiện nay.

Sự tích về Thiên Y Ana được lưu truyền qua các tài liệu thành văn (các bài cúng, văn bản), bia ký và đặc biệt là qua rất nhiều truyện kể dân gian mà cốt lõi dựa trên truyền thuyết về Nữ thần xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm trên dải đất miền Trung và Nam Trung Bộ Việt Nam. Tuy nhiên, so với các tỉnh khác trong khu vực, tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana ở Khánh Hòa mạnh mẽ hơn cả. Tại đây còn lưu lại một cách rõ nét và đậm đặc nhất những dấu tích về Bà như: Đền thờ (Tháp Bà) Ponagar của người Chăm đã được bàn giao lại cho người Việt trông coi vào thế kỷ XVIII; Am Chúa (Đại An Tiên miếu) (nơi Bà giáng trần, sinh sống và khai hóa văn minh); Chùa Suối Đổ (xã Diên Toàn); Miếu Bà, miếu Cổ Chi (xã Diên Điền); Miếu Cây Ké, miếu Cổ Chi, miếu Tam Tòa (thị trấn Diên Khánh)…

Lễ hội Am Chúa được đánh giá là một trong những lễ hội còn lưu giữ được nhiều nghi thức cổ truyền của người Việt ở Khánh Hòa và nét đẹp trong tục thờ Mẫu. Câu chuyện về Thiên Y Ana Thánh Mẫu cho thấy sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Việt - Chăm, tôn vinh vai trò của người Mẹ xứ sở trong việc sáng tạo ra muôn loài. Lễ hội Am Chúa đã trở thành ngày lễ theo tín ngưỡng dân gian, mọi người đến lễ Mẫu với tinh thần tự nguyện, hướng thiện, cầu bình an và hạnh phúc.

Năm 1999, Am Chúa được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hiện nay, di tích này vẫn còn lưu giữ nhiều sắc phong của triều đình nhà Nguyễn. 

XUÂN HƯỚNG

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top