Thiếu như... giáo viên nghệ thuật và các môn mới

VHO- Trường phổ thông không có nguồn tuyển, Trường ĐH Sư phạm chưa đào tạo đủ giáo viên phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đặc biệt ở môn nghệ thuật và các môn mới… là thực tế đang diễn ra ở tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Để tháo gỡ thực trạng này, hiện một số tỉnh, thành cũng đã ban hành chính sách và đề xuất các giải pháp, tuy nhiên, hiệu quả thu được vẫn chưa cao.

Thiếu như... giáo viên nghệ thuật và các môn mới - Anh 1

 Giáo viên nhận nhiệm sở đầu năm học mới

 Cả nước còn thiếu trên 64.500 giáo viên phổ thông

Năm 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai thực hiện giảng dạy môn Tiếng Anh, Tin học (bắt buộc) ở lớp 3, môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018, vì thế số lượng giáo viên các môn học này vô cùng “khan hiếm”; cùng với đó là tình trạng thiếu giáo viên do cắt giảm biên chế hoặc bỏ việc, nghỉ hưu nhưng tuyển mới khó khăn…

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, hiện các trường THPT chưa có giáo viên môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) để học sinh lựa chọn theo quy định trong Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022-2023. Số lượng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THCS có trình độ đại học trở lên chưa đủ để bố trí giảng dạy nên rất khó điều động đội ngũ này sang dạy ở cấp THPT. Công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với ngành Sư phạm âm nhạc và Sư phạm mỹ thuật chưa đáp ứng kịp nhu cầu tuyển dụng. Ngoài ra, số lượng giáo viên Tin học, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất cũng chưa đủ do hằng năm không đủ nguồn tuyển.

Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh nêu bất cập, hiện nay các giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn nên việc bố trí giảng dạy đối với môn Tin học và Công nghệ, Nghệ thuật, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý gặp nhiều khó khăn. Một số hoạt động giáo dục mới xuất hiện chưa có giáo viên chuyên trách (Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp). Cạnh đó, có giáo viên phải dạy 2 chương trình cùng lúc nên rất khó tập trung, đầu tư chuyên môn.

Tại tỉnh miền núi Gia Lai, Sở GD&DT cho biết, các môn học như: Tiếng Dân tộc thiểu số; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; các môn tích hợp liên môn Lịch sử và Địa lý; Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT đều chưa có giáo viên được đào tạo. Số lượng học sinh tăng hằng năm, trong khi phải thực hiện quy định cắt giảm biên chế nên địa phương hiện thiếu đến 3.000 giáo viên.

Tương tự, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang Nguyễn Thế Bình cho biết, tỉnh có đặc thù 89% đồng bào dân tộc thiểu số, 40% là hộ nghèo, toàn tỉnh chỉ có 256.000 học sinh, nhưng mạng lưới trường lớp còn tản mạn với trên 1.900 điểm trường, 300 lớp ghép 2 trình độ. Tỉnh Hà Giang đang thiếu gần 3.400 giáo viên theo định mức, dự tính đến năm 2030, số giáo viên nghỉ hưu và thôi việc hơn 4.000 người, rõ ràng nhu cầu của tỉnh là rất lớn.

Tìm giải pháp thu hút giáo viên

Đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thông tin, việc mở thêm 4 ngành mới là Sư phạm khoa học tự nhiên, Sư phạm công nghệ, Giáo dục công dân, Sư phạm lịch sử - địa lý đã nâng tổng số chương trình đào tạo giáo viên của trường lên 22 mã ngành, nhưng vẫn chưa đủ giáo viên phục vụ cho Chương trình GDPT 2018. Cụ thể, trường chưa có chương trình đào tạo Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật trong khi nhu cầu xã hội đang rất cần giáo viên các ngành này.

Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), tính đến tháng 5.2023, toàn quốc có gần 864.000 giáo viên phổ thông (GVPT), so với định mức quy định thì còn thiếu trên 64.500 người. “Bên cạnh việc thiếu giáo viên, tình trạng giáo viên nghỉ việc có xu thế tăng lên, trung bình mỗi năm khoảng 10.000 người; số GVPT nghỉ hưu từ nay đến 2026 khoảng 12.000 người. Như vậy có thể thấy, tính riêng các trường công lập đã cần thêm trên 106.500 GVPT (bao gồm trên 64.500 giáo viên bù đắp phần còn thiếu, 30.000 giáo viên bù cho số giáo viên nghỉ việc và nghỉ hưu, chưa kể đến tình trạng tăng dân số tự nhiên và tăng số lớp tiểu học dạy 2 buổi/ngày). Do đó, vấn đề đào tạo giáo viên trong thời gian tới cần được tính toán để đáp ứng đủ nguồn tuyển, nhất là đối với các môn mới, môn học đặc thù như Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật,…”, ông Vũ Minh Đức nêu.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên nói trên, Sở đã tham mưu phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS năm học 2022-2023. Dự kiến, đề xuất giải pháp thu hút đối với giáo viên bậc tiểu học: Chi hỗ trợ trong năm đầu tiên là 100%; năm thứ hai là 70%; năm thứ ba là 50%; mức chi này thực hiện 1 lần cho 1 người. Bên cạnh đó, tăng thu nhập cho giáo viên tiểu học với mức tăng hằng tháng là 25%; tăng ngân sách dành cho giáo dục để có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, giáo viên, nhân viên đảm bảo cuộc sống ổn định, yên tâm công tác…

Tại tỉnh Hậu Giang, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hoài Thúy Hằng, để thu hút, giữ chân giáo viên giảng dạy các môn Tiếng Anh, Tin học và Âm nhạc, Mỹ thuật đáp ứng Chương trình GDPT mới, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết hỗ trợ 50 triệu đồng cho giáo viên dạy các môn học nói trên ở các tỉnh khác về Hậu Giang công tác và giáo viên mới ra trường tại địa phương. “Chúng tôi mới áp dụng vào năm học 2022-2023 và đã thu hút được hơn 10 giáo viên, chủ yếu tập trung ở các môn Tiếng Anh và Tin học, môn Nghệ thuật vẫn rất ít”, bà Hằng thông tin.

Nhằm thu hút và đào tạo tuyển sinh ngành Sư phạm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng nảy sinh nhiều bất cập, nhất là vấn đề tuyển dụng sinh viên khi ra trường và bồi hoàn chi phí đào tạo. Theo Vụ Giáo dục đại học, thực tế cho thấy, số sinh viên nhập học những năm gần đây có chiều hướng tăng hơn những năm trước (từ 53% năm 2019 tăng lên 82,8% vào năm 2021 và 79,4% vào năm 2022), điều này cho thấy chính sách theo Nghị định 116 đã dần thu hút được sinh viên.

Được biết, với sự hỗ trợ của Chương trình ETEP (Phát triển các trường Sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông), đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán của các địa phương đã hoàn thành bồi dưỡng các mô-đun cốt lõi, được trang bị kiến thức và kỹ năng thực hiện Chương trình GDPT 2018; qua đó, đổi mới cách thức tiếp cận trong giảng dạy và giáo dục học sinh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sau khi Chương trình ETEP kết thúc, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần phối hợp với các địa phương như thế nào để tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc