Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Giới thiệu Dự án Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Thứ Tư 17/05/2023 | 11:18 GMT+7

VHO - Sáng nay 17.5, Bộ Quốc phòng đã tổ chức họp báo giới thiệu Dự án Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng và Thiếu tướng Lưu Quang Vụ, Phó Cục trưởng Cục tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam - Uỷ viên Ban soạn thảo Dự án Luật đồng chủ trì.

Giới thiệu Dự án Luật, Thiếu tướng Lưu Quang Vụ cho biết, ngay từ năm 1994,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện công tác bảo vệ công trình quốc phòng, khu vực quân sự. Sau 28 năm, việc bảo vệ các công trình quốc phòng và khu vực quân sự đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào củng cố, xây dựng thế trận khu vực phòng thủ, tăng cường tiềm lực quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội.

Trung tướng Nguyễn Văn Đức phát biểu khai mạc họp báo

Tuy nhiên, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập; một số nội dung chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời một số nội dung quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân không còn phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Do đó đặt ra yêu cầu cần thiết phải xây dựng một đạo luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự.

Trước hết, về cơ sở chính trị, từ năm 1995 đến nay Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, quan điểm về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân. Những chủ trương này cần được tiếp tục thể chế hóa bằng cách hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế về Quốc phòng, trong đó có việc hoàn thiện pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nhằm góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, Khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng". Việc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự có các quy định hạn chế quyền đi lại, hoạt động của cá nhân, tổ chức trong một số trường hợp nhất định, hiện nay chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật. Vì vậy, cần xây dựng dự án Luật quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp.

Thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung; trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, như: Luật Đất đai năm 2013; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017; Luật Quy hoạch năm 2017; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Xây dựng năm 2014, được sửa đổi bổ sung năm 2020…. Tuy nhiên, do Pháp lệnh được ban hành từ năm 1994 nên có nhiều nội dung quy định không còn phù hợp, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Quang cảnh buổi họp báo

Đặc biệt, sau 28 năm thực hiện, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập như: Việc xác định phạm vi, ranh giới bảo vệ của công trình quốc phòng và khu quân sự chưa được quy định cụ thể, rõ ràng; còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm, xâm canh trái phép vào phạm vi được giao quản lý, bảo vệ; công tác phối hợp giữa các địa phương với Bộ Quốc phòng và các đơn vị Quân đội trong xác định phạm vi, ranh giới để tổ chức quản lý, bảo vệ chưa được triển khai đồng bộ; việc xây dựng các quy hoạch, cấp phép hoạt động ở một số dự án phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý người nước ngoài cư trú ở một số địa phương, khu vực có liên quan đến công trình quốc phòng và khu quân sự chưa chặt chẽ…

Thiếu tướng Lưu Quang Vụ cũng nêu thực tiễn gần đây, các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới cho thấy, bên cạnh các yếu tố về lực lượng và vũ khí trang bị tham gia chiến tranh thì các công trình quốc phòng và khu quân sự có ý nghĩa rất quan trọng trong tác chiến phòng thủ.

Trên cơ sở lí luận và thực tiễn, việc xây dựng Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của Pháp lệnh; đồng thời, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự được xây dựng từ giữa năm 2022. Quá trình xây dựng dự luật, Ban soạn thảo dự án luật đã tiến hành khảo sát, hội thảo tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lấy ý kiến của 48 ban, bộ, ngành, địa phương; xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân trong và ngoài nước.

Cơ sở xây dựng Dự án Luật được xây dựng trên 4 nhóm chính sách: Thứ nhất, chính sách về hoàn thiện quy định về xác định phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự và nội dung quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thứ 2, chính sách về Chế độ quản lý, bảo vệ đối với khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược, hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống anten quân sự của các công trình quốc phòng và khu quân sự; thứ ba, chính sách về Chuyển đổi mục đích sử dụng, phá dỡ, di dời công trình quốc phòng và khu quân sự; thứ tư, chính sách đối với địa phương, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và địa bàn khu vực bị ảnh hưởng do yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ công trinhg quốc phòng và khu quân sự.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận trả lời báo chí

Dự án Luật Quản lý bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự gồm 34 điều 6 chương. Ngoài chương Quy định chung và Điều khoản thi hành, Dự Luật quy định các nội dung cơ bản về: Quản lý cônbg trình quốc phòng và khu quân sự; Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Quản lý Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu vực quân sự.

Tại họp báo, Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và Anh ninh của Quốc hội cho biết, Dự án Luật đã được Ủy ban Quốc phòng và Anh ninh của Quốc hội thẩm tra vào ngày 9.5.2023.

Theo kế hoạch, Quốc hội khóa XV sẽ cho ý kiến đối với dự án luật lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

HOÀNG HƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top