Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều hiện vật quý

Thứ Năm 18/05/2023 | 14:56 GMT+7

VHO- Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2023), sáng 18.5, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ tiếp nhận hiện vật được trao tặng từ gia đình ông Nguyễn Đình Ngoắt (xóm Phù Thiết, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Thị Triển (1940- 1967), nữ dân quân bắn rơi máy bay trinh sát chụp ảnh ban đêm đầu tiên của quân đội Mỹ vào đêm 27.7.1966.

Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận những hiện vật vô giá

Theo TS. Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày quốc tế Bảo tàng, việc tiếp nhận các hiện vật của gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Triển dành tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh là hoạt động đặc biệt ý nghĩa.

Liệt sĩ Nguyễn Thị Triển, xã đội phó đội dân quân, phó bí thư xã đoàn Hưng Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình- người đầu tiên bắn cháy máy bay trinh sát chụp ảnh ban đêm. Theo lời kể của ông Nguyễn Đình Ngoắt (Lệ Thủy, Quảng Bình), nay đã hơn 60 tuổi là cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Thị Triển cho biết, ông và gia đình rất vinh dự, tự hào đối với những cống hiến và sự hy sinh của người o (cô) liệt sĩ của mình. Trong ấn tượng của ông - thời điểm ấy đang là một cậu bé học sinh cấp hai trường làng - thì o Triển có khuôn mặt phúc hậu, mái tóc đen dài và miệng lúc nào cũng nở nụ cười thật tươi. 26 tuổi, ở quê ông, ai cũng đã con bồng, con bế nhưng o Triển quyết tâm gác lại những hạnh phúc riêng tư để toàn tâm thực hiện mọi nhiệm vụ mà tập thể giao phó.     

Đêm 27.7.1966, như thường lệ, o Triển cùng một số người khác đang đi tuần quanh vùng thì phát hiện một máy bay trinh sát chụp ảnh ban đêm của giặc Mỹ đang chuẩn bị chụp ảnh địa bàn. Không do dự, người nữ dân quân gan dạ ấy đã chỉ huy tổ trực chiến đi cùng bắn cháy máy bay, tên phi công bị thương rơi xuống trong đêm tối.

Chiếc đồng hồ đeo tay Bác Hồ tặng nữ dân quân gan dạ Nguyễn Thị Triển

Chiến công của người nữ dân quân gan dạ Nguyễn Thị Triển thời điểm ấy đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân vùng đất cát Hưng Thủy. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, một tin vui về với vùng quê cách mạng ấy: Nữ đội phó dân quân Nguyễn Thị Triển - Người đầu tiên bắn cháy chiếc đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và được Bác Hồ quyết định tặng đồng hồ đeo tay. Vinh dự ấy không còn là niềm vui riêng của cá nhân o Triển mà trở thành niềm tự hào chung và là niềm khích lệ tinh thần to lớn của cả vùng quê nghèo xứ Lệ.

Theo lời kể của ông Nguyễn Đình Thoan (anh trai ruột bà Triển) và ông Nguyễn Đình Ngoắt chia sẻ lại: Sau khi lập công, bà Triển được trực tiếp ra Hà Nội báo công. Ngày 20.9.1967 (tức ngày 17.8.1967 âm lịch), bà Triển đã hi sinh trong khi đang làm nhiệm vụ. Vài tháng sau ngày Liệt sĩ Nguyễn Thị Triển hi sinh, phần thưởng cao quý của Bác Hồ được gửi đến gia đình bà. Ông Nguyễn Đình Thoan thay mặt gia đình nhận phần thưởng tại huyện Lệ Thủy. Khi đón nhận chiếc đồng hồ Bác tặng, mẹ chị Triển là cụ Đinh Thị Nhỏ đã gìn giữ cẩn thận trong gia đình, coi như báu vật. Đi đến đâu cụ cũng mang theo chiếc đồng hồ, kể cả khi vào Bình Phước sống với con trai. Cụ vẫn luôn nhắc nhở con cháu phải giữ gìn cẩn thận món quà Bác tặng như một báu vật thiêng liêng. Năm 1982, cụ Nhỏ mất, đồng hồ được giao lại cho con trai cụ. Chiếc đồng hồ được cất giữ cẩn thận tại nhà ông Nguyễn Đình Ngoắt, người gọi Liệt sĩ Triển là cô ruột tại xóm Phù Thiết, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông Ngoắt giữ đồng hồ từ năm 1984 đến nay.

Bằng khen nhuốm dấu vết thời gian

Ông cho biết chiếc đồng hồ là hiện vật thiêng liêng Bác Hồ tặng, gia đình phải gìn giữ rất cẩn thận, nhất là khi o Triển đã không còn nữa. Chiếc đồng hồ Bác tặng đã luôn ở đó, chứng kiến sự đổi thay và lớn lên của bao thế hệ con cháu trong gia đình người nữ dân quân gan dạ năm xưa. Có những thời điểm gia đình ông khó khăn đến cùng cực, miếng ăn còn không đủ no, thì chiếc đồng hồ vàng là vật có giá trị lớn lao nhất. Nhưng chưa bao giờ, dù là trong suy nghĩ tồn tại ý nghĩ là sẽ bán nó đi. Ông Ngoắt chia sẻ thêm: “Giá trị tinh thần thì không có gì đo đếm được. Với gia đình tôi, đó không chỉ là niềm tự hào, mà là sự hiện diện của Bác Hồ, của o Triển trong mỗi bước đường đời, là suối nguồn khích lệ, động viên con cháu luôn cố gắng sống tốt, sống đẹp”

 Với mong muốn những kỷ vật quý báu của gia đình, của Liệt sĩ Nguyễn Thị Triển, đồng thời là những kỷ vật có giá trị liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh được bảo quản và phát huy giá trị một cách tốt nhất, gia đình Liệt sĩ Nguyễn Thị Triển đã hiến tặng những hiện vật nói trên cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, kèm theo một số tài liệu có liên quan khác.

“Đồng hồ đeo tay” và “Huân chương chiến công hạng Ba” là những phần thưởng cao quý mà Bác Hồ đã tặng cho Liệt sĩ Nguyễn Thị Triển cách đây hơn nửa thế kỷ. Trong đó, phần thưởng “Huân chương chiến công hạng Ba” của Liệt sĩ Nguyễn Thị Triển được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng do lập được chiến công lớn và nhiều thành tích trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và bảo vệ Tổ quốc.

Chiếc đồng hồ đeo tay là loại đồng hồ cơ, vận hành bằng giây cót, có chất liệu bằng kim loại màu vàng, sáng bóng, đã qua hơn 50 năm đường nét của đồng hồ vẫn rất tinh tế và sắc sảo, Đây là loại đồng hồ do Nga sản xuất có chữ tiếng Nga tạm dịch: “Chiến thắng”.

TS. Vũ Mạnh Hà cho biết thêm, trong kháng chiến chống Mỹ, mảnh đất miền Trung trong đó có Quảng Bình là một trong những vùng chịu ảnh hưởng khốc liệt nhất. Nhiều người con của đất nước, của mảnh đất này đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương cho nhân dân, cho chiến sĩ, cho dân quân. Bác từng nói, mỗi người mất đi, Bác cũng như mất đi một phần thân thể. Mỗi chiến sĩ, dân quân hi sinh, Bác đều vô cùng quan tâm và gửi thư, kỷ vật đến gia đình. Trong thời gian vừa qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tiếp nhận rất nhiều hiện vật quý. Có những bức tranh có giá hàng tỉ đồng nhưng các gia đình đều sẵn sàng tặng lại Bảo tàng.

Những hiện vật được trao tặng có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiệp vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh

"Gia đình liệt sĩ Nguyễn Thị Triển đã tặng lại những kỷ vật vô cùng quý giá. Chúng tôi biết ơn nghĩa cử cao đẹp đó và ý thức rằng, công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh là chúng tôi đang trông nhà và tiếp khách cho Bác. Bác đã đi xa nhưng hơi ấm, tình cảm của Người vẫn còn mãi ở đây. Những kỷ vật của Bác ở đây là minh chứng về tình cảm của Bác đối với nhân dân và của nhân dân đối với Bác. Chúng tôi ý thức về việc gìn giữ, lan tỏa những tình cảm đó, những giá trị cao đẹp đó đến nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế", ông Vũ Mạnh Hà chia sẻ.

Những hiện vật được trao tặng có ý nghĩa quan trọng trong công tác nghiệp vụ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, làm phong phú thêm kho hiện vật về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là những kỷ vật có giá trị, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân, chiến sĩ, đặc biệt là liệt sĩ, anh hùng Nguyễn Thị Triển. Những hiện vật này sẽ được Bảo tàng lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị lâu dài.

HÀ NGÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top