Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Đảo Lý Sơn “khát” nước ngọt

Thứ Ba 23/05/2023 | 14:13 GMT+7

VHO- Thời điểm này đang vào mùa nắng nóng, thế nhưng nguồn nước ngầm trên huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang dần cạn kiệt khiến đời sống sinh hoạt và sản xuất của bà con trở nên khó khăn hơn.

Nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở đảo Lý Sơn đang khan hiếm

Thiếu nước ngọt trầm trọng
Vài năm trở lại đây, cùng với sự phát triển kinh tế đặc biệt là du lịch đã dẫn đến nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của đảo Lý Sơn hiện đang cạn kiệt dần. Ông Nguyễn Văn Định (42 tuổi) ở An Hải, huyện Lý Sơn cho biết, một bộ phận người dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề nông, trồng lạc, hành, tỏi… nên cần lượng nước ngọt rất lớn để tưới tiêu. Tuy nhiên, càng đào nhiều giếng thì càng “khát” vì mạch nước ngầm càng suy kiệt. Vào mùa hè, đảo Lý Sơn thiếu nước ngọt trầm trọng để tưới tiêu, sinh hoạt...

Càng đào nhiều giếng thì càng “khát” vì mạch nước ngầm càng suy kiệt

Những ngày này, nắng nóng lẫn trong hơi mặn của biển khiến đảo Lý Sơn thêm oi bức. Trên cánh đồng bà Phạm Thị Trường (huyện Lý Sơn) cùng với nông dân ở đây chật vật tìm nguồn nước tưới cho cây trồng. “Mấy cái giếng đào đã cạn nước, một số nhiễm mặn nên tôi phải chuyển đổi từ trồng hành sang trồng bắp để tiết kiệm nước vào mùa hè. Thế nhưng, nước cũng không đủ để duy trì cho cây phát triển. Một số người dân không có giếng thì phải đi nhờ nước từ các giếng của các hộ lân cận, trung bình họ phải trả khoảng 120.000 đồng/giờ để chạy nước tưới cho đồng ruộng”, bà Trường cho hay.
Theo UBND huyện Lý Sơn, tình trạng nước nhiễm mặn đã lan rộng toàn đảo Lý Sơn khiến 325ha diện tích đất nông nghiệp và hơn 22.000 dân trên đảo phải chịu cảnh “khát” nước ngọt. Không chỉ người dân địa phương, hàng năm, Lý Sơn đón khoảng 165.000-230.000 khách, cao điểm những ngày cuối tuần có khoảng 1.100-1.300 khách/ngày gây áp lực rất lớn cho mạch nước ngầm. Mới đầu mùa nắng, nhưng toàn bộ thôn Tây An Vĩnh, đa số giếng nước đều bị nhiễm mặn, người dân vẫn phải bơm lên và xử lý bằng máy lọc nước để phục vụ sinh hoạt.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: “Hiện nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt, sản xuất, du lịch toàn huyện khoảng 21.000m3/ngày nhưng trữ lượng nước đánh giá chỉ 15.000m3/ngày, như vậy người dân đã khai thác vượt ngưỡng hơn 6.000m3/ngày, gây nhiễm mặn nghiêm trọng, suy giảm túi nước trên huyện đảo”.

Toàn huyện Lý Sơn có 2.149 giếng đào

Tìm cách giữ nước ngọt cho đảo Lý Sơn
Toàn huyện có một hồ chứa nước là hồ Thới Lới, 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Năm 2014 chỉ có 546 giếng, thì nay đã lên tới 2.149 giếng (mật độ hơn 210 giếng/km2). Số lượng giếng nước càng tăng thì đảo Lý Sơn lại càng khát.
Năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi cấm đào, khoan giếng mới để bảo vệ túi nước ngọt trên đảo Lý Sơn. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào muốn khoan giếng đều phải xin phép. Tuy nhiên, tình trạng khoan giếng trái phép vẫn tiếp tục tái diễn. Hằng năm, chính quyền địa phương phát hiện, xử phạt nhiều trường hợp lén lút khoan giếng lấy nước trồng hành, tỏi.

Một công trình cấp nước sạch ở đảo Lý Sơn

Để giải bài toán nước ngọt cho đảo, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư nhiều dự án cung cấp nước nhưng không được như kỳ vọng. Cụ thể, công trình hệ thống cấp nước tại trung tâm huyện (đảo Lớn) được đầu tư xây dựng năm 2016, công suất thiết kế 1.000m3/ngày đêm, cấp nước cho 1.700 hộ dân. Tuy nhiên trên thực tế, công suất của công trình chỉ còn 147m3/ngày đêm, cấp nước cho 600 hộ dân. Công trình Nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Bé (An Bình), được đầu tư xây dựng năm 2012, công suất thiết kế 200m3/ngày đêm. Nhưng thực tế, hoạt động của nhà máy chỉ đạt 47% công suất thiết kế, cấp nước cho 98 hộ dân. Các công trình cấp nước chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu sử dụng nước của toàn đảo.
Mới đây, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp kiểm tra dự án hệ thống trữ nước sinh hoạt kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn. Dự án có mức đầu tư 75 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương 45 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2017 đến năm 2020. Quy mô đầu tư xây dựng các hạng mục như bể chứa, kênh thu gom nước, hệ thống đường ống cấp nước, nhà quản lý. Dự án được thực hiện đến tháng 4 năm 2020 đạt khoảng 21% khối lượng. 

Kiểm tra dự án hệ thống trữ nước sinh hoạt kết hợp tưới tiết kiệm cho nông nghiệp đảo Lý Sơn

Tuy nhiên, hiện dự án đang tạm dừng thi công. Nguyên nhân là do bể chứa nước 2A tại chân núi Giếng Tiền, nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích thắng cảnh núi Giếng Tiền. Hiện huyện Lý Sơn đang chờ phê duyệt của Đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 theo quyết định điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất để có cơ sở cập nhật cho dự án, tiến hành làm các bước điều chỉnh dự án.
Qua kiểm tra, ông Minh yêu cầu huyện Lý Sơn phải có báo cáo tổng thể, toàn diện và làm rõ trách nhiệm của đơn vị tư vấn trong quá trình khảo sát, lập dự án. Sau khi có báo cáo giải trình của đơn vị tư vấn, huyện Lý Sơn có báo cáo nhận rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trước UBND tỉnh, chậm nhất trước ngày 30.5.2023. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành rà soát toàn bộ dự án, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh để giải quyết vướng mắc của dự án theo hướng kết thúc dự án hoặc điều chỉnh thời gian và mục tiêu thực hiện dự án.

Dự án có mức đầu tư 75 tỉ đồng đang tạm dừng thi công

Theo tính toán của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi, với hơn 10km2 diện tích lưu vực, ước tổng lượng nước mưa trên đảo khoảng 9 triệu m3/năm. Nếu trừ lượng nước thấm vào đất và bốc hơi, lượng nước mưa còn lại khoảng 3 triệu m3 chảy tràn ra bề mặt, sau đó đổ ra biển. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước cho khoảng 70% hộ gia đình và phục vụ phần diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại (khoảng 200ha) cần hơn 1 triệu m3.
Huyện đảo Lý Sơn được hình thành từ quá trình phun trào của núi lửa hàng triệu năm trước, rộng chừng 10km2, phần lớn diện tích là đồi núi. Hằng trăm năm trước, những cư dân trên đảo đã dò tìm mạch nước, đào giếng bên bờ biển. Từ những miệng giếng đầu tiên phục vụ sinh hoạt, giếng nước xuất hiện càng lúc càng nhiều để phục vụ sản xuất.

NHƯ ĐỒNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top