Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột: Điểm hẹn văn hoá giữa Tây Nguyên

VHO - Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động tháng 3.2019 đến nay, Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã dần khẳng định vị thế của mình trong việc tạo không gian văn hoá đọc cho giới trẻ, đây thực sự là một điểm nhấn về văn hoá, về kiến trúc đặc trưng Tây Nguyên và là địa điểm du lịch thu hút khách.

Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột: Điểm hẹn văn hoá giữa Tây Nguyên - Anh 1

Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) là địa điểm thu hút đông đảo người dân và du khách

Đề án Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt ngày 17.12.2018 tại Quyết định số 3400/QĐ-UBND. Đề án được khởi công xây dựng từ tháng 12.2018 và chính thức đi vào hoạt động ngày 9.3.2019, đúng dịp tỉnh Đắk Lắk tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7. Đề án Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột nhằm tạo điểm nhấn mới lạ, độc đáo và đậm chất văn hoá ngay tại trung tâm TP Buôn Ma Thuột – Thủ phủ cà phê Việt Nam. Góp phần quảng bá văn hoá đọc, văn hoá cà phê và văn hoá truyền thống của các dân tộc bản địa, từ đó nâng cao niềm tự hào, tình yêu quê hương, xứ sở.

Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột được xây dựng tại hẻm số 2 đường Phan Chu Trinh kéo ra đến đường Nguyễn Tất Thành (phường Thắng Lợi, TP Buôn Ma Thuột) – phía sau Nhà Thờ Chính tòa Buôn Ma Thuột, với độ dài khoảng 100m. Theo đề án ban đầu, tuyến đường sẽ có 23 gian hàng chia thành các khu vực đọc sách, uống cà phê, đồ lưu niệm. Bên cạnh đó, trên  dọc tuyến đường này sẽ được vẽ 19 bức tranh miêu tả về cảnh đẹp Đắk Lắk, thể hiện các hoạt động sản xuất cà phê của nông dân cùng đời sống văn hóa của người đồng bào Ê đê.

Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột: Điểm hẹn văn hoá giữa Tây Nguyên - Anh 2

Đến với Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, người dân và du khách có thể thoải mái tham quan, chụp ảnh lưu niệm ở cung đường hoàn toàn mới lạ, ngoài ra còn có nhiều hoạt động trải nghiệm khác như: đọc sách miễn phí, thưởng thức các hương vị cùng “gu” cà phê riêng biệt tại mỗi gian hàng.

Đã đến với TP Buôn Ma Thuột rất nhiều lần nhưng hầu như khi nào rảnh anh Trần Mạnh Hào, du khách đến từ TP HCM cũng tìm đến Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột để nhâm nhi tách cà phê. Anh Hào cho biết: “Đặc thù công việc nên hầu như tháng nào tôi cũng đến Buôn Ma Thuột từ 1 đến 2 lần. Và địa điểm tôi hay tìm đến là Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Không gian ở đây giống như 1 Tây Nguyên thu nhỏ với những gian hàng kiến trúc nhà sàn truyền thống, những bức bích hoạ lớn tái hiện đời sống của người dân bản địa, giới thiệu về cà phê Buôn Ma Thuột và cả những nhà sách với số lượng đầu sách nhiều. Một cảm giác thật thú vị và bình yên mỗi khi nhâm nhi tách cà phê ở đây”.

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu ở TP Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Gia đình tôi thường xuyên đến với Đường sách vào dịp cuối tuần. Ở đây có không gian cho người lớn uống cà phê, lại có không gian để cho trẻ đọc sách, là nơi lý tưởng để gia đình quay quần bên nhau. Các con tôi cũng thích địa điểm này, và hầu như khi có thời gian rảnh là chúng lại muốn vợ chồng tôi chở ra Đường sách”.

Điểm nhấn độc đáo ở Đường sách đó chính là không gian thưởng thức cà phê và đọc sách đều được thiết kế mở, tạo cảm giác thân thiện, thoải mái cho khách thưởng lãm. Đặc biệt, với những người yêu thích đọc sách, đây là không gian khá lý tưởng để đọc miễn phí tại chỗ và lựa chọn mua những cuốn sách hay. 

Em Vũ Phạm Thảo Nghi (17 tuổi) ở TP Buôn Ma Thuột cho hay: “Em và các bạn thường xuyên đến Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, hầu như sau giờ học có thời gian rảnh là bọn em tìm đến đây. Ngoài việc ở đây có không gian để đọc sách, trải nghiệm văn hoá đọc, lan toả văn hoá đọc, chúng em còn được checkin với những bức bích hoạ đẹp. Đây thực sự là một nơi rất thích hợp cho giới trẻ bọn em vừa học, vừa chơi vừa trải nghiệm”.

Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột: Điểm hẹn văn hoá giữa Tây Nguyên - Anh 3

Các chương trình giới thiệu sách, giao lưu với các nhà văn, nhà thơ luôn là sự kiện thu hút đông đảo các em học sinh tham gia

Cùng chung quan điểm, em Tô Ngọc Khánh, học sinh lớp 10 Trường THCS - THPT Dông Du, TP Buôn Ma Thuột tâm sự: “Em rất thích các chương trình, sự kiện được tổ chức ở Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột. Nhất là các chương trình giới thiệu sách, giao lưu với các nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi, trò chuyện với các nhà văn ở TP.HCM. Đến đây em được gặp gỡ những người yêu thích sách như em và được biết nhiều cuốn sách hay. Ngoài ra, em còn được giao lưu với các nhà văn, nhà thơi. Đây thực sự là một cơ hội hết sức tuyệt vời cho em. Khi chúng ta đọc xong 1 cuốn sách, hiểu về nó rồi thì chúng ta nên lan toả để mọi người cùng biết về cuốn sách đó. Như vậy, văn hoá đọc sẽ được lan toả”.

Theo bà Trần Đoàn Thuỳ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (đơn vị quản lý, vận hành Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột), đến thời điểm này Đường sách đã hoạt động được 4 năm, trong đó có 2 năm bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 đã khiến cho số gian hàng giảm còn 11. Mặc dù vậy, trong suốt thời gian hoạt động đơn vị đã tổ chức 587 chương trình văn hoá, văn nghệ và lễ hội, ngày hội trong khuôn viên Đường sách Buôn Ma Thuột. Trung bình mỗi ngày Đường sách đón khoảng 200 lượt khách tham quan, checkin, đọc sách và thưởng thức cà phê, trải nghiệm văn hoá. Đặc biệt những ngày lễ hoặc diễn ra sự kiện số lượng du khách đến Đường sách đến hàng ngàn người.

“Với mong muốn đem lại một điểm nhấn mới lạ, độc đáo, đậm chất văn hoá và xây dựng không gian văn hoá đọc cho giới trẻ, trong suốt quá trình hoạt động, Công ty Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột và các đơn vị thuê mặt bằng kinh doanh trong khuôn viên Đường sách luôn nỗ lực để tạo ra một sân chơi, một không gian văn hoá thu nhỏ giữa lòng TP Buôn Ma Thuột. Đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng, Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột đã và đang làm tốt vai trò của mình và là địa chỉ yêu thích của người dân, du khách, nhất là các em học sinh”, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách Buôn Ma Thuột bày tỏ.

NGỌC HOÀ

Ý kiến bạn đọc