Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Về bài “Danh thắng quốc gia Kim Sơn bị “bào mòn” bởi tình trạng khai thác đá”: Sở TN&MT Thanh Hoá nói gì?

Thứ Sáu 26/05/2023 | 12:22 GMT+7

VHO-Trong số hàng loạt các mỏ đá tại xã Minh Tân và Vĩnh An (huyện Vĩnh Lộc) được UBND tỉnh Thanh Hoá cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác đá, có tới hai mỏ đá chỉ cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ Danh thắng quốc gia Kim Sơn có 50m, đang ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, không gian, môi trường tự nhiên khu danh thắng quốc gia này, khiến dư luận rất bức xúc.

Văn Hóa  (số 3854 ra ngày 17.3) có bài “Danh thắng quốc gia Kim Sơn bị “bào mòn” bởi tình trạng khai thác đá, phản ánh hiện nay xung quanh khu vực danh thắng quốc gia Kim Sơn có một số mỏ đá được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản, chỉ cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích gần nhất là 50m và xa nhất là 550m đang khiến cho khu danh thắng này tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng và phá vỡ cảnh quan di tích. Trên con đường dẫn vào khu danh thắng Kim Sơn có rất nhiều xưởng chế biến đá, đường bụi mù mịt và đang xuống cấp với nhiều ổ trâu, ổ voi khắp nơi… gây nguy hiểm cho người dân và du khách. Ngay sau phản ánh của Văn Hoá, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, khẩn trương kiểm tra, xác minh, chủ động giải quyết, xử lý theo thẩm quyền, quy định của pháp luật.

Danh thắng quốc gia Kim Sơn đang bị “bức tử" bởi hoạt động khai thác đá

Danh thắng quốc gia Kim Sơn với 29 ngọn núi có chiều dài khoảng 3.000m, chiều cao hơn 500m và một hệ thống hang động tuyệt đẹp dài khoảng 2 km được người dân phát hiện vào năm 1919. Hiện trên vách đá trong các hang động còn lưu lại gần 20 bài thơ ca ngợi núi và hang động Kim Sơn của các văn nhân ngày trước. Ngoài ra, có động Tiên Sơn thuộc núi Thung Vịnh đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh với những khối đá thạch nhũ màu sắc lung linh, hình ảnh kỳ thú. Những yếu tố trên đã khẳng định, danh thắng này không những có giá trị về mặt lịch sử mà còn có giá trị địa lý, kiến tạo, địa chất, là nguồn tài nguyên tự nhiên để phát triển loại hình du lịch sinh thái và văn hóa tâm linh. Nhưng danh thắng quốc gia Kim Sơn hôm nay đang bị “xẻ thịt” bởi sự tán phá của con người. Việc cấp mỏ khai thác đá tràn lan của UBND tỉnh Thanh Hoá đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, không gian, môi trường tự nhiên khu danh thắng quốc gia này, khiến dư luận rất bức xúc. Theo báo cáo của Sở TN&MT Thanh Hoá, xung quanh khu vực di tích, danh thắng quốc gia Kim Sơn huyện Vĩnh Lộc hiện có các mỏ đá được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho doanh nghiệp khai thác gồm: Tổng Công ty Đầu tư Hà Thanh, Công ty TNHH MTV Quỳnh Kim, Công ty CP Vận tải thủy bộ và Thương mại Hương Xuân, cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích khoảng 200m; khu vực núi Nhót thuộc xã Vĩnh An là Công ty cổ phần Toàn Minh và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Sơn cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích khoảng 50m và động nước Kim Sơn khoảng 800m theo hướng Tây Nam; khu vực núi Côn Sơn, thuộc xã Minh Tân là Công ty TNHH Sản xuất đá Thái Bình Dương và Công ty TNHH SX-TM Tuấn Linh, cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích khoảng 550m; khu vực mỏ tại xã Minh Tân và Vĩnh An là doanh nghiệp tư nhân Hải Sâm và khu mỏ cấp cho Công ty cổ phần Khai thác khoáng sản Thịnh Phát tại xã Vĩnh An cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích khoảng 300m. Khu vực mỏ đá vôi là doanh nghiệp tư nhân Hải Sâm và Công ty TNHH MTV Quỳnh Kim nằm cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích khoảng 50m. Dọc tuyến đường đi vào khu danh thắng Kim Sơn, hiện có 4 đơn vị được cấp phép khai thác và 15 xưởng chế biến đá, một phần tuyến đường vào khu danh thắng dài khoảng 600 m đã xuống cấp.

Trao đổi với Văn Hoá, ông Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT Thanh Hoá) cho biết, trước khi tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hoá cấp phép, Sở TN&MT đã có văn bản tham vấn của các ngành và đặc biệt là Sở VHTTDL.
Theo ông Hùng, khu vực mỏ trên không thuộc khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản, phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng của tỉnh, hiện nay các đơn vị khai thác chủ yếu bằng phương pháp cắt dây, chỉ có hai đơn vị khai thác bằng phương pháp nổ mìn phá đá  là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Tân Sơn, Tổng Công ty Đầu tư Hà Thanh - CTCP.

Về nội dung phản ánh của Văn Hóa “trên con đường dẫn vào khu danh thắng Kim Sơn có rất nhiều xưởng chế biến đá, đường bụi mù mịt và đang xuống cấp với nhiều ổ trâu, ổ voi khắp nơi… gây nguy hiểm cho người dân và du khách”, “hằng ngày việc khai thác đá hoạt động gây tiếng ồn, tiếng rung do nổ mìn” là có cơ sở, Sở cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị khai thác đúng phạm vi được cấp phép, thực hiện đảm bảo các quy định khác về môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn, vận chuyển đúng tải trọng, thường xuyên tưới nước, tu sửa đường vận chuyển, quản lý và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo đúng phương án đã được thẩm định, phê duyệt, tránh làm ảnh hưởng đến khu danh thắng Kim Sơn và đời sống của người dân xung quanh.
Đồng thời, đề nghị UBND huyện Vĩnh Lộc chỉ đạo các phòng ban liên quan và các xa Vĩnh An, Minh Tân khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan sửa chữa các vị trí hư hỏng của tuyến đường đi vào khu di tích, đẩy nhanh tiến độ di dời 15 xưởng chế biến đá trên tuyến đường đi vào khu danh thắng Kim Sơn vào Cụm công nghiệp Minh Tân, đảm bảo cảnh quan, môi trường xung quanh khu danh thắng, giám sát quá trình hoạt động của các đơn vị trên địa bàn, chủ động xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) hoặc báo cáo những vấn đề vượt quá thẩm quyền, chức năng để được hướng dẫn, giải quyết.

Theo tìm hiểu của Văn Hoá,  trước đó, liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản xung quanh khu danh thắng quốc gia Kim Sơn, Sở VHTTDL Thanh Hóa cũng đã có nhiều văn bản đánh giá về mức độ ô nhiễm và sự ảnh hưởng của việc khai thác đá quanh danh thắng quốc gia Kim Sơn. Theo Sở VHTTDL, hoạt động khai thác các mỏ đá; vận chuyển, sản xuất, chế biến đá đã ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, không gian, môi trường tự nhiên khu vực, gây mất an toàn giao thông tuyến Quốc lộ 217- một những tuyến đường du lịch quan trọng, nối các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thanh Hoá.

Rõ ràng, việc UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản, chỉ cách ranh giới khoanh vùng bảo vệ khu danh thắng quốc gia Kim Sơn gần nhất là 50m và xa nhất là 550m, nếu không sớm điều chỉnh thì việc  khu danh thắng quốc gia này bị xâm hại nghiêm trọng chỉ còn là vấn đề thời gian.

NGUYỄN LINH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top