Quảng Nam: Sau hai năm phát triển du lịch xanh

VHO- Sau hai năm triển khai phát triển du lịch xanh theo Kế hoạch 5177 của UBND tỉnh, Quảng Nam là địa phương cấp tỉnh đầu tiên ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh.

Quảng Nam: Sau hai năm phát triển du lịch xanh - Anh 1

Du lịch tại làng cổ Lộc Yên - Quảng Nam 

Ngày 26.5, UBND tỉnh Quảng Nam, Sở VHTTDL tổ chức Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Kế hoạch 5177/KH-UBND ngày 10.8.2021 của UBND tỉnh này về phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025.
Mục tiêu cụ thể mà Kế hoạch hướng đến nhằm làm mới sản phẩm du lịch, gia tăng giá trị sản phẩm du lịch thu hút du khách góp phần tăng lượt khách, tăng doanh thu, thu hút lao động địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch tại địa phương. 
Xây dựng mô hình du lịch xanh kiểu mẫu dựa trên các giá trị tiềm năng thiên nhiên và văn hóa bản địa tạo thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch xanh, tour trải nghiệm du lịch  xanh thực sự có giá trị. 
100% đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch được đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với kiến thức về du lịch xanh; 50% doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch được tập huấn, hướng dẫn thực hành áp dụng bộ tiêu chí du lịch xanh. 
Hội nghị cũng đã nêu các kết quả thực hiện Kế hoạch số 5177 của tỉnh Quảng Nam thời gian ở các nội dung như: Ban hành văn bản quản lý nhà nước; Công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và quảng bá du lịch xanh; Kết quả khảo sát, lập danh mục các điểm xây dựng mô hình sản phẩm du lịch xanh,…
Hiệp hội Du lịch Quảng Nam triển khai Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam đến các doanh nghiệp du lịch, tổ chức Hội thảo du lịch xanh trên nền tảng văn hóa Quảng Nam, hội chợ DL xanh, Festival nghệ thuật sắp đặt môi trường biển, triển khai chương trình tuần hoàn rác thải, phân loại và giảm thiểu rác thải nhựa; thiết lập các mô hình du lịch xanh trong các loại hình hoạt động du lịch hướng đến tư vấn hỗ trợ cho cộng đồng du lịch Quảng Nam,…
Đến nay, đã có 11 đơn vị lữ hành, lưu trú được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam và thiết lập được nhiều mô hình du lịch xanh ở nhiều loại hình du lịch. Nhận thức về phát triển du lịch xanh được lan tỏa rộng rãi ở nhiều địa phương, ở cả khu vực công lẫn khu vực tư. Năm 2023, đã có hơn 20 đơn vị nộp hồ sơ tham gia và sẽ tổ chức đánh giá trong thời gian tới.

Quảng Nam: Sau hai năm phát triển du lịch xanh - Anh 2

Chương trình “Tái chế xà phòng sạch”, “Vải cho cuộc sống” từ các khách sạn ở Hội An, Đà Nẵng để trao tặng lại các cơ sở y tế 

Tại Hội nghị, nhiều địa phương, doanh nghiệp quan tâm và đặt vấn đề là việc thiếu cơ chế khuyến khích để thúc đẩy, lan tỏa du lịch xanh. 
Ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam nhìn nhận, việc phát triển du lịch xanh hiện nay của Quảng Nam vẫn ở giai đoạn vận động các doanh nghiệp, đơn vị tự nguyện áp dụng, thực hành chứ chưa có cơ chế khuyến khích lẫn chế tài để thúc đẩy vấn đề này.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Dung - Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP.Hội An, mạng lưới doanh nghiệp du lịch ở Hội An chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ nên cần cơ chế hỗ trợ các đơn vị này tham gia thực hiện du lịch xanh bởi nếu không có các hình thức ưu đãi, khuyến khích thực chất thì với nguồn lực hạn hẹp của doanh nghiệp rất khó để chuyển đổi.
Đại diện UBND huyện Tiên Phước cho rằng, việc phát triển du lịch tại địa phương hiện chủ yếu vẫn mang tính tự phát, nguồn thu không nhiều nên người dân không mặn mà. Nếu không có cơ chế hỗ trợ các chủ thể tham gia phát triển du lịch xanh thì rất khó để vận động, lan tỏa.

Qua hai năm thực hiện, thông qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và hoạt động chuyển đổi mô hình du lịch xanh trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cả du khách đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thay đổi nhận thức về chiến lược tăng trưởng kinh tế xanh của tỉnh nói chung và định hướng phát triển du lịch xanh của tỉnh nói riêng. 
Nhiều doanh nghiệp có chuyển hướng áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh trong quá trình vận hàng, việc chuyển đổi theo hướng xanh bền vững không chỉ góp phần bảo vệ môi trường tương lai mà còn giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và còn làm tiền đề để các doanh nghiệp địa phương có kinh nghiệm trong việc hướng đến nhãn hiệu DL xanh theo tiêu chuẩn quốc tế,…
Bên cạnh đó, cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đến từ những yếu tố khách quan như ảnh hưởng thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường; quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ làm gia tăng áp lực cho việc xử lý rác thải, nước thải; cơ sở hạn tầng ở các điểm du lịch còn hạn chế,…Những yếu tố chủ quan như môi trường du lịch chưa đảm bảo; sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp hoạt động có liên quan đến du lịch còn hạn chế; chưa có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, khu điểm du lịch chuyển đổi hoạt động đáp ứng theo Bộ tiêu chí xanh, bền vững,…

Quảng Nam: Sau hai năm phát triển du lịch xanh - Anh 3

Du khách tham gia tour du lịch trải nghiệm các mô hình tái chế rác thải tại Hội An

Hội nghị cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với các UBND tỉnh, các địa phương, doanh nghiệp,…trong thời gian tới để thực hiện Kế hoạch hiệu quả, phù hợp với thực tế. 
Đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đề xuất, bên cạnh hỗ trợ về chính sách, tài khóa, cơ quan chức năng có thể ưu tiên hỗ trợ thúc đẩy du lịch  xanh bắt đầu bằng truyền thông và thu hút nguồn khách thông qua việc tổ chức sự kiện. Chính quyền địa phương cần nghiên cứu giải pháp thị trường hóa sản phẩm du lịch xanh, trước mắt là cần duy trì sự kiện hội chợ DL xanh Quảng Nam định kỳ để đối tác tìm hiểu, thúc đẩy giao dịch sản phẩm du lịch xanh.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Hồ Quang Bửu-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc phát triển du lịch xanh đang đi đúng hướng nhưng cần sự vào cuộc mạnh mẽ của đa ngành, đa lĩnh vực chứ không chỉ riêng ngành Du lịch bởi định hướng này có tầm nhìn dài hạn về sau.
Đồng thời đề nghị Sở VHTTDL nghiên cứu tham mưu một nghị quyết về hỗ trợ, thúc đẩy DL xanh để trình HĐND tỉnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 thì mới có thêm nguồn lực, giải pháp căn cơ để thúc đẩy du lịch  xanh Quảng Nam tiếp tục lan tỏa.

THU HOÀI

Ý kiến bạn đọc