80 năm Nhật ký trong tù (1943-2023): Sáng ngời cốt cách văn hóa của người chiến sĩ cộng sản

VHO- Tại Hội thảo khoa học 80 năm Nhật ký trong tù: Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương tổ chức mới đây tại Hà Nội, các đại biểu đều nhận định tác phẩm Nhật ký trong tù không chỉ có ý nghĩa văn chương sâu sắc mà là tài sản vô giá trong di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

80 năm Nhật ký trong tù (1943-2023): Sáng ngời cốt cách văn hóa của người chiến sĩ cộng sản - Anh 1

 Trang bìa cuốn “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bảo vật quốc gia

PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương khẳng định, Nhật ký trong tù là tác phẩm có đời sống đặc biệt và giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc. Tác phẩm đã làm phong phú thêm di sản văn hóa và cách mạng cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh; góp phần quan trọng làm giàu kho tàng văn hóa, tinh thần của dân tộc, nhân dân ta. Với những giá trị to lớn và bền vững đó, ngày 1.10.2012, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận và tôn vinh tác phẩm Nhật ký trong tù là Bảo vật quốc gia.

Cũng theo nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Nhật ký trong tù cho ta thấy cốt cách văn hóa sáng ngời của một nhà yêu nước vĩ đại, một chiến sĩ cộng sản kiên cường; tâm thế ung dung, tự tại. Khi đọc tác phẩm, chúng ta được tiếp cận với chất thép của ý chí cách mạng, tính chiến đấu, sự nhiệt tình và trách nhiệm xã hội của thơ ca.

GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học cho rằng, Nhật ký trong tù là bức chân dung tự họa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Dẫu vậy, thơ chỉ mới nói được một phần nhỏ về Người. Con người Hồ Chí Minh lớn hơn bất kỳ sự thể hiện nào trong thơ. Nhưng qua tập thơ, chúng ta hiểu thêm về số phận con người và mở rộng ra nhiều điều khác nữa. Nhật ký trong tù là một tác phẩm quý giá không gì thay thế được, càng không gì so sánh được”, GS Phong Lê nói.

Với GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, nguyên Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQGHN) nhận định, sau khi đọc Nhật ký trong tù, độc giả thấy được 5 bài học lớn về tư tưởng, đạo lý nhân sinh quan và nghệ thuật. Đó là bài học về “không gì quý hơn tự do”; bài học “gian nan rèn luyện mới thành công”; bài học “đưa chất thép vào thơ” và “nhà thơ là chiến sĩ”; bài học về “trí tuệ, bản lĩnh trong phân tích và nắm bắt thời cơ”; bài học về “tinh thần lạc quan”. Trong đó, sự lạc quan giữ vai trò quan trọng. Chính nghĩa, sự tin tưởng vào ngày mai tươi sáng chính là nguồn động viên người chiến sĩ cách mạng trong thời kỳ gian khổ…

Ở góc độ văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thành, Trường ĐH Khoa học (Đại học Huế) cho hay, nếu đọc kỹ Nhật ký trong tù, độc giả có thể nhận ra bài học về văn hóa ứng xử. Văn hóa ứng xử của Người đã đạt đến sự toàn diện, toàn mỹ khi không chỉ quan tâm đến con người mà nâng niu, trân trọng cả thế giới. Bất kể là con người hay loài vật, đồ vật; không phân biệt địa vị, qua Nhật ký trong tù, Người đều thể hiện tính nhân văn, luôn dành cho chúng tình yêu thương. Mất đi một vật thể là mất đi một kẻ tương thân, tương tri.

80 năm Nhật ký trong tù (1943-2023): Sáng ngời cốt cách văn hóa của người chiến sĩ cộng sản - Anh 2

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Lan tỏa sâu rộng các giá trị

Với những ý nghĩa cao cả đó, nhiều đại biểu cho rằng, cần tiếp tục hành trình lan tỏa sâu rộng Nhật ký trong tù trong giới nghiên cứu cũng như bạn đọc cả nước và thế giới. Trong môi trường giáo dục, ThS Trần Thị Yến Trinh, Trường THPT Thủ Khoa Huân (Tiền Giang) nêu rõ, việc đưa tác gia Hồ Chí Minh và các tác phẩm của Người vào giảng dạy ở chương trình giáo dục phổ thông là thật sự cần thiết. Tuy nhiên vẫn còn đó một số hạn chế nhất định khi riêng với Nhật ký trong tù, trước đây chỉ có bài thơ Mộ (Chiều tối) được đưa vào SGK Ngữ văn. Do đó, muốn đưa tác phẩm đến gần hơn, sâu hơn với học sinh, giáo viên phải tự biết cách mở ra “những cánh cửa mới”.

Đối với giới nghiên cứu và bạn đọc nói chung, từ Phần Lan, TS Ngôn ngữ học Võ Xuân Quế cho hay, việc dịch, sưu tầm, giới thiệu các bản dịch là cách hiệu quả, ý nghĩa giúp lan tỏa những giá trị sâu sắc của Nhật ký trong tù. Tuy nhiên không chỉ với Nhật ký trong tù mà nhiều tác phẩm văn học khác hiện nay chưa thể biết chính xác con số bản dịch ngôn ngữ sang tiếng nước ngoài. Do đó, TS Võ Xuân Quế đề nghị đã đến lúc cần xây dựng một ngân hàng dữ liệu tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra ngôn ngữ nước ngoài, trong đó có Nhật ký trong tù. Đây cũng là cách để quá trình sưu tầm, giới thiệu các bản dịch của tác phẩm được bài bản, đầy đủ và đảm bảo tính chính xác.

Cùng với việc làm đó, để tri ân những tác giả đã yêu mến, dành tâm sức dịch và lan tỏa Nhật ký trong tù, TS Võ Xuân Quế cho rằng, cần có hình thức tôn vinh các nhà nghiên cứu, dịch giả nói trên. Đây là những ứng xử văn hóa cần thiết với cá nhân và gia đình các dịch giả - những người bạn vô tư, chân thành đã dành tình cảm quý mến với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đất nước, con người Việt Nam.

Đặc biệt, trong phát biểu chỉ đạo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong muốn các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục chủ động, đầu tư nghiên cứu, giới thiệu những giá trị to lớn, đặc sắc về tư tưởng và nghệ thuật của tập thơ Nhật ký trong tù để lan tỏa sâu rộng hơn nữa đến đồng bào trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế. Đồng thời, Bí thư Trung ương Đảng đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, lĩnh hội đầy đủ giá trị đặc biệt của tác phẩm nhằm trau dồi, bồi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh và đạo đức cách mạng, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; để đất nước “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn. 

 Tình yêu đất nước là nội dung nổi bật nhất của tập thơ “Nhật ký trong tù”. Tình cảm thiêng liêng ấy càng trở nên cao đẹp khi gắn liền với lòng nhân ái. Người cũng bị giam cầm, phải chịu đựng nỗi đọa đày, đau khổ nhưng lại rất ít nói đến nỗi khổ của mình mà chủ yếu dành tình yêu thương, sẻ chia với những người lao khổ xung quanh. Bác đã đạt tới mức quên mình, là hiện thân của tinh thần khoan dung, nhân ái của dân tộc ta…

(Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương NGUYỄN TRỌNG NGHĨA)

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc