Hà Giang: Kiểm tra, hậu kiểm công tác an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể

VHO- Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hà Giang vừa tiến hành kiểm tra bếp ăn tập thể trường học thuộc 3 huyện trên địa bàn tỉnh. Đây là công việc hằng năm nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, nhất là bếp ăn trường học.

Hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang  có 606 trường học tổ chức ăn bán trú, bao gồm các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và một số trường PTDT nội trú, bán trú tiểu học, bán trú THCS. Qua kiểm tra thực tế tại các trường về cơ bản, các trường học đều thực hiện đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, các điều kiện về cơ sở vật chất (nhà bếp, phòng ăn, kho bảo quản thực phẩm), trang thiết bị dụng cụ phục vụ cho sơ chế, chế biến, bảo quản, lưu mẫu thực phẩm, nhân viên phục vụ tại bếp ăn đã được quan tâm; các trường cũng nghiêm khắc rút kinh nghiệm, rà soát toàn bộ quy trình tổ chức bữa ăn bán trú, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và khâu chế biến thực phẩm, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong nhà trường, nhằm phát hiện và cảnh báo các mối nguy không đảm bảo ATTP tới sức khỏe học sinh.

Hà Giang: Kiểm tra, hậu kiểm công tác an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể - Anh 1

Ông Ngọc Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Giang phát biểu tại buổi kiểm tra

Quá trình kiểm tra, đoàn ghi nhận ý thức chấp hành, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên nấu ăn trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các nhà trường. Về hồ sơ pháp lý lĩnh vực ATTP đáp ứng theo quy định. Khu vực bếp nấu đã sắp xếp, bố trí thiết kế theo nguyên tắc 1 chiều từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu sơ chế, chế biến và chia thức ăn. Bếp được vệ sinh thường xuyên. Tất cả bếp ăn bán trú các trường có đầy đủ dụng cụ và trang thiết bị phục vụ chế biến, nấu nướng, ăn uống, sử dụng bằng các vật liệu dễ vệ sinh; có hồ sơ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhà trường còn một số khó khăn, bất cập trong công tác bảo đảm ATTP như: Cơ sở vật chất của nhà trường chủ yếu do kinh phí địa phương hỗ trợ nên nhiều trường còn gặp khó khăn; Nhà bếp chưa được xây dựng theo tiêu chuẩn 1 chiều; Nội dung ghi chép hồ sơ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu và dán tem lưu mẫu tại một số trường chưa đúng theo quy định; Hợp đồng cung cấp thực phẩm chưa chặt chẽ; Tủ bảo quản bát, đĩa chưa vệ sinh, thiếu giá kệ bảo quản thực phẩm; chưa bố trí thùng phân loại rác theo quy định.

Từ những thực tế đó, đoàn kiểm tra có một số đề xuất, kiến nghị đối với UBND huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng bếp ăn theo tiêu chuẩn 1 chiều đối với các trường; Đầu tư cơ sở vật chất: Lớp học, nhà lưu trú học sinh, công trình và thiết bị vệ sinh, hệ thống xử lý nước thải; hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt. Đối với ngành giáo dục và đào tạo, bổ sung nhân viên y tế trong các trường học. Đối với Ban Giám hiệu các trường học, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác y tế, đảm bảo ATTP; chỉ đạo hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước ngay từ đầu năm học; Ban hành kế hoạch, phương án phòng chống ngộ độc thực phẩm phải cụ thể, chi tiết và có tính khả thi; Thường xuyên kiểm tra, rà soát và đánh giá các tiêu chí theo bảng kiểm công tác an toàn thực phẩm.

Qua đây, Chi cục ATVSTP Hà Giang khuyến cáo các trường học cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của giáo viên, nhân viên nhà trường về việc bảo đảm ATTP, phòng chống bệnh truyền qua thực phẩm.

Thời gian vừa qua, việc cung cấp bữa ăn bán trú, bữa ăn ca tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục rất phổ biến và đa dạng với rất nhiều hình thức khác nhau: tự tổ chức bếp ăn tại chỗ, mua suất ăn sẵn do đơn vị khác cung cấp, hợp đồng với các doanh nghiệp để tổ chức bếp ăn. Các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật của các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể.

Tuy nhiên, vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động và học sinh. Trước thực tế này, ngày 20.2, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 787/BYT-ATTP gửi Bộ GD&ĐT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc Tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể.

Bộ Y tế đề nghị Bộ GD&ĐT và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tập trung thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2.2.2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm về quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước an toàn thực phẩm trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh việc người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định.

Chủ động xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, trong đó bảo đảm các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn tại các trường học, bếp ăn tại các cơ sở y tế phải được kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, được phân công, phân cấp quản lý đầy đủ, bảo đảm không để sót, không để cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm được hoạt động.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, nhất là ngành Y tế - Giáo dục, phối hợp với các Ban quản lý khu công nghiệp/khu chế xuất, Ban giám hiệu nhà trường, Lãnh đạo các cơ sở y tế trong giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định an toàn thực phẩm từ nguồn gốc thực phẩm, quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, giao nhận thực phẩm, kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn trường học, bếp ăn tại các cơ sở y tế và các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho khu công nghiệp/khu chế xuất, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn. Phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm, biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với từng đối tượng (công nhân, học sinh, sinh viên, cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm, nhân viên nhà trường...), chú ý về vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, đơn vị tổ chức bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, đặc biệt là Ban quản lý các khu công nghiệp/khu chế xuất, Ban giám hiệu nhà trường, Lãnh đạo các cơ sở y tế để bảo đảm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bền vững và có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng; biểu dương các cơ sở bếp ăn tập thể, cung cấp suất ăn sẵn chấp hành tốt các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm...

HẠNH BÍCH

Ý kiến bạn đọc