Tình yêu đất Việt mãnh liệt của ông Năm Yersin

VHO - Chào đời ở Thụy Sĩ, thành danh tại Pháp nhưng dành những năm tháng cuối đời nơi một vùng đất hoang dã miền Trung Việt Nam thập niên 1940, Alexandre Yersin, một nhà khoa học kiệt xuất của thế giới, đã có một tình yêu sâu đậm với người dân và mảnh đất hình chữ S.

Tình yêu đất Việt mãnh liệt của ông Năm Yersin - Anh 1

Tượng đài bác sĩ Yersin tại Nha Trang

"Không đi đây đi đó, sao gọi là cuộc đời?"

Alexandre Émile Jean Yersin sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863 tại Aubonne, Thụy Sỹ. 22 tuổi, ông đến Pháp để theo đuổi sự nghiệp y khoa của mình. Năm 1888, ở tuổi 25, ông nhận bằng Tiến sĩ với luận án nghiên cứu về bệnh lao. Sau khi nhập quốc tịch Pháp để được chính thức hành nghề y tại nước này, ông làm việc cho Viện Pasteur non trẻ chuyên nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm và điều chế vắc xin.

Là một học trò và cộng sự xuất sắc của Louis Pasteur, chàng thanh niên Yersin khi ấy có nhiều triển vọng thăng tiến tại thủ đô nước Pháp. Tuy nhiên, ông không muốn thế giới của mình bị giới hạn trong một phòng thí nghiệm. Sau này, trong thư gửi mẹ, ông viết, "không đi đây đi đó, sao gọi là cuộc đời phải không mẹ?"

Qua những lần tiếp xúc với thông tin báo chí, các cuộc triển lãm thuộc địa, trong Yersin đã xuất hiện những cảm xúc đầu tiên về những miền đất ấy. Năm 1890, theo tàu Messageries Maritimes, ông đặt chân đến Việt Nam, khi ấy còn là xứ An Nam thuộc Đông Dương xa xôi, để sống một cuộc đời du ngoạn và thám hiểm.

Tình yêu với Nha Trang

Yersin từng đến Sài Gòn, nhưng chốn phồn hoa không phải nơi ông yêu thích. Ông cũng từng ra Bắc theo lời mời của Toàn quyền Paul Doumer để thành lập và làm Hiệu trưởng Trường Y khoa Hà Nội. Nhưng nơi đây không giữ chân Yersin được quá hai năm. Bởi tình yêu của ông đã dành cho Nha Trang: một xóm chài nghèo khó, một bờ biển hoang sơ, vịnh nước "đẹp tuyệt vời" của xứ An Nam.  Yersin biết nói tiếng Việt và còn được người dân Nha Trang gọi bằng cái tên dân dã là ông Năm.

Yersin thành lập viện Pasteur Nha Trang, mở trang trại chăn nuôi, sản xuất huyết thanh chống dịch hạch tại Suối Dầu, Nha Trang, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở Xóm Cồn.  Trong hơn 50 năm rời xa quê hương, Yersin yêu Nha Trang hơn mọi miền đất ông từng đặt chân đến.

Tình yêu đất Việt mãnh liệt của ông Năm Yersin - Anh 2

Viện Pasteur Nha Trang ngày nay

Tình yêu đất Việt mãnh liệt của ông Năm Yersin - Anh 3

Tượng bác sĩ Yersin trong Viện Pasteur Nha Trang

Cuối cùng, tình yêu ấy đã hóa thành vĩnh cửu khi ông yên nghỉ ngày 1 tháng 3 năm 1943. Theo ước nguyện của ông, người ta đã an táng ông trên một ngọn đồi nhỏ gần trại chăn nuôi Suối Dầu, cách Viện Pasteur 22km về phía Tây. Cũng theo di chúc, thi hài Yersin được chôn cất "nằm úp" để vị bác sĩ quá cố ôm lấy đất Nha Trang, vĩnh viễn không chia lìa xứ sở này.

Tình yêu đất Việt mãnh liệt của ông Năm Yersin - Anh 4

Cổng đã được mở sẵn cho khách đến viếng khu mộ 

Ngày nay, từ trung tâm TP.Nha Trang, du khách có thể đi theo đường Võ Nguyên Giáp hoặc tỉnh lộ 3 để đến viếng mộ Yersin.

Tình yêu đất Việt mãnh liệt của ông Năm Yersin - Anh 5

Cây cổ thụ với biển bảo vệ môi trường bên mộ ông Năm

Tình yêu đất Việt mãnh liệt của ông Năm Yersin - Anh 6

Ngôi mộ hiện nay là kết quả trùng tu sau hàng chục năm xuống cấp

Mặc dù không kèn trống, không điếu văn, nhưng trong đám tang ngày ấy, rất đông người tìm đến, đưa tiễn "ông Năm" về nơi an nghỉ cuối cùng.

Tình yêu đất Việt mãnh liệt của ông Năm Yersin - Anh 7

Cây cao su Việt Nam gắn liền với tên tuổi bác sĩ Yersin vì ông đã có công nhân giống loại cây này (nhập từ Indonesia) đem về trồng tại Suối Dầu

Tình yêu đất Việt mãnh liệt của ông Năm Yersin - Anh 8

Am thờ Yersin được người địa phương dựng cách mộ 3m

Tình yêu đất Việt mãnh liệt của ông Năm Yersin - Anh 9

Bia mộ Ông Năm tây

Yersin không muốn xây đền đài, lăng tẩm; mọi tài sản của ông được trao lại cho Viện Pasteur Nha Trang và những cộng sự trung thành lâu năm. Chỉ có những tán cây xanh mát phủ bóng và tiếng chim lích chích gần xa tô điểm cho khu mộ của một vị bác sĩ danh tiếng lẫy lừng.

Alexandre Yersin là người góp công đưa hai loài cây vô cùng giá trị là cao su và canh-ki-na vào Việt Nam. Ông còn là người đầu tiên phát hiện cao nguyên Lâm Viên có khí hậu gần giống châu Âu, nơi sau này đã phát triển nên thành phố Đà Lạt. Với nhiều công lao, đóng góp cho nền y học, kinh tế, nông nghiệp và địa lý Việt Nam, Yersin là người ngoại quốc duy nhất được Nhà nước truy tặng "Công dân Việt Nam danh dự" năm 2014. Năm 1990, quần thể di tích về bác sĩ Yersin tại Khánh Hòa được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

XUÂN NGUYÊN - MÂY TRẮNG

Ý kiến bạn đọc