Bao giờ di tích Thái Miếu mới được tu bổ, phục hồi?

VHO - Di tích Thái Miếu (hay Thái Tổ Miếu) tọa lạc bên trong khu di sản Đại Nội Huế hiện đã xuống cấp rất nghiêm trọng và đối diện với nguy cơ sụp đổ. Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương đầu tư dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu giai đoạn 1” với kinh phí 272,7 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai.

Bao giờ di tích Thái Miếu mới được tu bổ, phục hồi? - Anh 1

Một trong hai cổng vào chính điện Thái Miếu đã bị hư hại, xung quanh cỏ mọc um tùm

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới, ngày 15.5.2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Nghị quyết số 35/NQ-HĐND về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu giai đoạn 1”. Dự án có tổng kinh phí 272,7 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn vốn hợp pháp khác.

Có kinh phí nhưng chưa kịp… làm

Tháng 8.2021, Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 2246/QĐ-BVHTTDL cho phép Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai quật khảo cổ tại di tích Thái Miếu. Đợt khảo cổ này nhằm làm rõ hơn kết cấu kiến trúc của công trình chính Thái Miếu, từ đó có phương án bảo tồn, tu bổ phù hợp. Việc khai quật khảo cổ trên diện tích 952m2 với 11 hố ở các vị trí quan trọng của di tích Thái Miếu đã đưa lại nhiều kết quả về kết cấu công trình chính như: Hệ thống nền móng, bậc cấp, hệ thống bó vỉa, gạch lát, sân trước điện, đường bao quanh...

Theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, di tích Thái Miếu sẽ được tu bổ trên quy mô diện tích 1.917m2 (71m x 27m). Dự án sẽ phục hồi toàn bộ công trình theo yếu tố nguyên gốc; cân chỉnh, tu bổ, phục hồi nền, bậc cấp và chân đá táng, nền hoàn thiện lát gạch xi măng; chống ẩm nền và chống mối cho toàn bộ công trình. Phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, ván, vách, trần, cửa đi bằng gỗ nhóm II, sơn son thếp vàng bề mặt cấu kiện gỗ; phục hồi mái lợp ngói âm dương tráng men vàng; phục hồi toàn bộ các con giống và họa tiết trang trí, nội thất… Với công trình di tích Thái Miếu Môn có diện tích 54m2, sẽ gia cường nền móng, chống ẩm nền; cân chỉnh và tu bổ phần nền, bậc cấp bên trong và bên ngoài cổng; bóc tách phần vữa bị mủn mục, tô trát phục hồi bằng vữa tam hợp, bả màu hoàn thiện; phục hồi hệ mái, họa tiết trang trí; phục hồi hệ thống cửa bằng gỗ nhóm II…

Đồng thời phục hồi hệ thống sân, nền, đường đi và trang bị hệ thống điện, cấp thoát nước, phòng cháy chữa cháy; tôn tạo hệ thống cây xanh, thảm cỏ đảm bảo cảnh quan di tích… Dự án sẽ được triển khai trong vòng 4 năm kể từ khi khởi công. Tiếp đó, tháng 10.2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có Nghị quyết về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trong đó dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu giai đoạn 1” được bố trí 100 tỉ đồng, gồm 50 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương bổ sung và 50 tỉ đồng từ nguồn thu phí tham quan di tích. Trong năm 2021, dự án được dự kiến bố trí 50 tỉ đồng nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 theo Quyết định số 487/QĐ-TTg ngày 30.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 cho tỉnh Thừa Thiên Huế để đầu tư trùng tu một số công trình bị hư hỏng nặng thuộc Di tích Cố đô Huế.

Bao giờ di tích Thái Miếu mới được tu bổ, phục hồi? - Anh 2

 Công trình chính điện di tích Thái Miếu được xây dựng lại năm 1972 đã xuống cấp nghiêm trọng

Đẩy nhanh hoàn thành thủ tục

Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của công trình trùng tu di tích, phải thực hiện các trình tự, thủ tục theo quy định; cùng với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Dự án đã không kịp thời phê duyệt trong các năm 2021 và năm 2022 để được bố trí kế hoạch vốn theo quy định. Số vốn 50 tỉ đồng thuộc nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 chưa được giao cho dự án, đã huỷ dự toán và thu hồi về ngân sách Trung ương.

Để tiếp tục triển khai các thủ tục thực hiện dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi và tôn tạo tổng thể di tích Thái Miếu - giai đoạn 1”, cuối năm 2023, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư của dự án là nguồn ngân sách tỉnh. Trao đổi với phóng viên Văn Hóa ngày 5.3, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thông tin: Hiện nay, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh công tác chuẩn bị và hoàn thành các thủ tục để dự án sớm được triển khai. Phấn đấu trong năm 2024, di tích Thái Miếu sẽ được khởi công trùng tu giai đoạn 1, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản Huế.

Theo ghi nhận của phóng viên tại không gian di tích Thái Miếu, hiện nay công trình điện chính đang hiện hữu trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, gần như bỏ hoang. Tường bị nứt, mái tôn lợp tạm bị bung ra, hệ thống cột kèo và vật dụng bằng gỗ bên trong công trình đã bị mối mọt gặm nhấm, hư hại; nhiều đoạn nền móng bị sạt, sụt lún… Công trình Thái Miếu Môn cũng trong cảnh hoang tàn, còn trơ một số cấu kiện giữa trời mưa nắng. Di tích Thái Miếu nằm ngay cạnh phía Nam của di tích Triệu Miếu, nhưng nhiều du khách khi đến tham quan Triệu Miếu vẫn không mấy ai biết đến một công trình di tích Thái Miếu rất quan trọng dưới thời nhà Nguyễn.

Năm 1804, vua Gia Long cho xây dựng Thái Miếu ở góc Đông Nam bên trong Hoàng thành Huế, đối xứng với Thế Miếu (góc Tây Nam). Tổng thể của di tích Thái Miếu là một tổ hợp kiến trúc với hơn 10 hạng mục công trình; trong đó công trình chính Thái Miếu có kiến trúc gỗ được xây dựng theo lối nhà kép “trùng thiềm điệp ốc”. Đây là công trình gỗ quy mô lớn nhất trong Hoàng thành Huế với: Tiền điện có 15 gian 2 chái, chính điện 13 gian 2 chái. Thái Miếu là nơi thờ 9 chúa Nguyễn, từ chúa Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần. Vào năm 1947, Thái Miếu đã bị phá hủy do sự tàn phá của chiến tranh; và đến năm 1972, bà Từ Cung (tức Đoan Huy Hoàng Thái hậu) cùng con cháu Nguyễn Phúc tộc đã quyên góp kinh phí và xây dựng lại công trình chính của Thái Miếu (quy mô nhỏ hơn) ngay trên nền của công trình cũ.

Qua nhiều năm, công trình này cũng hư hại và xuống cấp nên Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đưa án thờ của các chúa Nguyễn sang thờ tạm tại di tích Triệu Miếu.

 SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc