Tín hiệu vui từ khách du lịch tàu biển

VHO - Cùng với cơ sở hạ tầng được trang bị hiện đại, cơ bản đáp ứng được về chất lượng, ngành du lịch Đà Nẵng đang sẵn sàng cho việc đón tiếp số lượng lớn khách quốc tế tàu biển trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Tín hiệu vui từ khách du lịch tàu biển - Anh 1

 Khách du lịch tàu biển cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng

 Điểm đến thuận tiện

Đà Nẵng được đánh giá là một điểm đến thuận tiện của các hãng tàu biển quốc tế, khách du lịch tàu biển cũng được đánh giá là dòng khách quan trọng có sức chi tiêu cao của thị trường du lịch Đà Nẵng. Trong năm 2023, thành phố Đà Nẵng đón 22 chuyến tàu biển với hơn 18.000 lượt khách. Đầu năm 2024, tàu biển du lịch 5 sao Dream Cruise mang gần 2.000 khách du lịch cập Cảng Tiên Sa tham quan thành phố Đà Nẵng. Tàu Dream Cruise là du thuyền sang trọng 5 sao với kích thước chiều dài lên đến 261,31m, chiều rộng 32,25m, nội thất tiện nghi với những trang bị hiện đại gồm 16 tầng, 1.008 phòng và phục vụ hơn 2.016 người.

Dự kiến trong năm 2024 sẽ có khoảng 45 chuyến tàu du lịch cập Cảng Tiên Sa, ước đạt hơn 50.000 lượt khách, điều này cũng chứng tỏ du lịch tàu biển đang dần khẳng định thế mạnh, đem lại lợi thế mới cho ngành du lịch Đà Nẵng. Đưa khách du lịch đến tham quan Đà Nẵng trên chuyến tàu Dream Cruise, chủ tàu Dream Cruise Vương Văn Lai đánh giá, Đà Nẵng là một trong những điểm đến được nhiều du khách quốc tế mong muốn đến tham quan du lịch, trải nghiệm. Thời gian tới, tàu Dream Cruise sẽ tiếp tục đưa nhiều du khách quốc tế, chủ yếu là khách Trung Quốc đến Đà Nẵng. Không chỉ tàu Dream Cruise, cảng Tiên Sa còn thường xuyên đón các hãng tàu lớn như: Seabourn Encore; Aidabella; Azamara Journey; Zuiderdam; Resorts World One; Seabourn Odyssey; Aztania; Westerdam; Viking Cruise (Zhao Shang Yi Dun)…

Trong 3 tháng đầu năm 2024 có gần 20 chuyến tàu biển, đưa gần 20.000 lượt khách đến tham quan, vui chơi tại Đà Nẵng, nhìn nhận lạc quan về con số này, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng đánh giá: “Số lượng tàu liên tục cập cảng Tiên Sa, cho thấy du lịch tàu biển đang phục hồi và tăng trưởng nhanh. Đây là nỗ lực không ngừng của thành phố cũng như các đơn vị lữ hành trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, bổ sung thêm các sản phẩm du lịch để phục vụ du khách”.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Thị Hoài An cho biết, để bảo đảm an toàn cho khách du lịch tàu biển khi đến Đà Nẵng, sau khi tiếp nhận thông báo của các đơn vị đón tàu biển, Sở Du lịch thành phố có văn bản gửi các đơn vị liên quan hỗ trợ, phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, môi trường du lịch, triển khai công tác chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch. Bên cạnh đó sở cũng kết nối làm việc với các hãng tàu gửi thông tin, ấn phẩm về các điểm tham quan của Đà Nẵng trước cho khách để khách tham khảo về các dịch vụ. Sau khi rời tàu, các chuyên viên hỗ trợ du khách đã tặng bản đồ du lịch và đánh dấu các điểm tham quan nổi tiếng, đồng thời gợi ý thêm một số địa điểm hấp dẫn khác.

Cần có thêm những sản phẩm phù hợp

Cùng với các thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường hàng không, đường bộ, thì khách du lịch tàu biển là một trong những nguồn khách tiềm năng của Đà Nẵng. Để thu hút nguồn khách này, các doanh nghiệp du lịch cho rằng ngành du lịch Đà Nẵng cần tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá, đa dạng sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch tàu biển. Phía doanh nghiệp cũng cần có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Những năm gần đây xu hướng đi du lịch của khách tàu biển đang được trẻ hóa, vì thế những người làm du lịch cần phải linh hoạt hơn trong việc xây dựng thêm các sản phẩm, tăng tính trải nghiệm gắn với văn hóa địa phương dành cho du khách. Ngoài ra, các điểm khách đến chủ yếu là tham quan, mua sắm đồ lưu niệm tại các chợ hoặc siêu thị, do vậy rất cần có thêm những sản phẩm phù hợp với thời gian của khách để kích thích khách chi tiêu, mua sắm nhiều hơn”, anh Trịnh Thanh Bình - đại diện một công ty lữ hành nêu ý kiến.

Về cơ sở hạ tầng, cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng bảo đảm đón các tàu du lịch loại lớn với dung tích đăng ký đến 150.000 GRT. Tuy nhiên, hiện nay theo đánh giá của các chủ tàu, cảng Tiên Sa chưa có nhà chờ và nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch phân khúc cao cấp. Về vấn đề này, ông Cao Trí Dũng đề xuất: “Mỗi chuyến tàu biển thường chở theo số lượng khách đông, thời gian tham quan ngắn nên các hoạt động điều hành, đón khách phải bảm đảm an toàn. Vì thế, để đáp ứng xu hướng khách tàu biển ngày càng tăng, thành phố cần sớm có đề án phát triển du lịch tàu biển, cảng dành cho du lịch tàu biển, thu hút được các nhà đầu tư lớn, xây dựng các trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp, thu hút được các nhãn hàng lớn để kích thích chi tiêu của du khách”.

Trong định hướng phát triển du lịch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng xác định khách du lịch tàu biển là một trong những nguồn khách chủ lực, quan trọng của ngành du lịch thành phố. Để thu hút và phục vụ nguồn khách này, Đà Nẵng sẽ tập trung đầu tư hướng cảng Tiên Sa trở thành cảng chuyên phục vụ khách du lịch tàu biển. Kêu gọi hình thành các dịch vụ phục vụ khách đạt tiêu chuẩn quốc tế tại cảng như nhà chờ, dịch vụ giải trí, mua sắm tại chỗ gồm quầy lưu niệm, ẩm thực, các chương trình nghệ thuật, khôi phục một số làng nghề truyền thống, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp khám phá, trải nghiệm phong tục tập quán, văn hóa địa phương, vùng miền để thu hút khách quốc tế, nhất là thị trường khách châu Âu, Bắc Mỹ. 

MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc