Chung tay hành động để bảo vệ động vật hoang dã

VHO - Cuối tuần qua, WWF - Việt Nam và Ban Quản lý dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học” (Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID tài trợ) đã phối hợp với các địa phương tổ chức chương trình phát động, hưởng ứng chiến dịch “Hành động vì động vật hoang dã”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm kêu gọi cộng đồng dân cư, các doanh nghiệp và chính quyền địa phương cùng hành động vì động vật hoang dã, đa dạng sinh học.

Chung tay hành động để bảo vệ động vật hoang dã - Anh 1

 Hoa hậu H’Hen Niê tại chương trình phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã ở TP Huế

Chiến dịch với thông điệp “Ngừng ăn thịt thú, góp thiện cho đời” được triển khai với nhiều hoạt động tại các tỉnh như: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Quảng Trị và Quảng Bình từ tháng 3 đến tháng 5.2024. Đồng hành với chương trình truyền thông của chiến dịch này là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê và vũ công Đăng Quang. Tại chương trình phát động ở TP Huế ngày 16.3 vừa qua, lãnh đạo UBND TP Huế đã gửi đến thông điệp “Thành phố Huế - Nói không với thịt động vật hoang dã” và kêu gọi cộng đồng cùng chung tay để bảo vệ động vật hoang dã. Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng trên địa bàn TP Huế cũng đã có cam kết không tiêu thụ thịt thú rừng; đồng thời, tuyên truyền đến cộng đồng và du khách để cùng lan tỏa hành động vì động vật hoang dã.

Với các thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi”, “Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời”…, chương trình phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã nhằm góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo tồn thiên nhiên, đồng thời lên án hành vi tiêu thụ, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các sản phẩm động vật hoang dã. Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), trong nhiều năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á tiêu thụ nhiều thịt rừng và các sản phẩm khác từ động vật hoang dã. Nhu cầu tiêu thụ liên tục đối với các sản phẩm này dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng quần thể các loài hoang dã trong tự nhiên tại Việt Nam bao gồm những loài ăn cỏ lớn và mang lớn đặc hữu ở dãy Trường Sơn. Khảo sát vào năm 2021 cho thấy, khoảng 90% thú rừng bị săn bẫy trái phép được tiêu thụ qua các nhà hàng, quán nhậu ở khu vực thành thị.

THÙY AN

Ý kiến bạn đọc