Nhức nhối trào lưu phân biệt vùng miền trên mạng xã hội

VHO - Thời gian ngắn trở lại đây, vấn đề phát ngôn phân biệt vùng miền lại xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Để tránh việc bị các nền tảng truy quét, nhiều tài khoản đã sử dụng cách nói lái trong những bình luận. Sự kỳ thị cứ “âm ỉ” trong suy nghĩ một bộ phận cư dân mạng có suy nghĩ lệch lạc, để rồi có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, gây ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa ứng xử trên không gian số.

Nhức nhối trào lưu phân biệt vùng miền trên mạng xã hội - Anh 1

 Những phát ngôn phân biệt vùng miền tràn lan trên mạng xã hội cần sớm được dẹp bỏ

 Châm biếm, mỉa mai, công kích nhau

Đó là những bình luận mang tính chất phân biệt vùng miền phổ biến trên TikTok nói riêng và mạng xã hội nói chung những ngày gần đây. Điều đáng nói, cụm từ nói lái “Bắc Kỳ” hay “Nam Kỳ” trong những dòng bình luận xuất hiện với tần suất lớn. Mang hàm ý tiêu cực, nhưng những bình luận này lại nhận được sự hưởng ứng của không ít cư dân mạng. Thậm chí khi bị công kích, hàng loạt tài khoản không ngần ngại “phang ra” vô số từ ngữ miệt thị nặng nề để đáp trả, phê phán cái sai này bằng một cái sai khác.

Bình luận tiêu cực thường xuất hiện ở những clip gây tranh cãi trên không gian mạng, bắt nguồn từ những hình ảnh so sánh tập quán giữa các địa phương, nay trào lưu này đã bị biến tướng. Mới đây, một tài khoản TikTok có tên Nhật Hải Biết Tuốt đã đăng tải clip với nội dung “Sài Gòn là nơi cực kỳ lý tưởng cho tội phạm hoạt động. Vì sao ở Sài Gòn trộm cắp nhiều như vậy, thì điểm cốt lõi nhất là do văn hóa”. Đoạn clip còn được chèn hình ảnh camera ghi cảnh nhóm thanh niên giật túi bim bim ở một cửa hàng tạp hóa trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP.HCM). Khi đó, vụ việc đang được cơ quan công an làm rõ, chưa có bất kỳ kết luận nào, nhưng người này đã vội vã nhận định: “Trong Sài Gòn, họ nhậu nguyên ngày nguyên đêm, chắc là các cụ đang nhậu thì hết xoài, hết ổi nên tranh thủ giật bim bim để nhậu tiếp...”. Nội dung của Nhật Hải đã châm ngòi một cuộc khẩu chiến trên mạng xã hội. Dù anh đã lên clip xin lỗi nhưng ngay ở dưới clip này vẫn xuất hiện rất nhiều bình luận vô cùng phản cảm.

Ngoài ra, dư luận cũng từng bức xúc về việc chủ tài khoản TikTok Hoàng Minh đã quay video, đăng tải lên mạng xã hội những nội dung sai sự thật, xúc phạm người miền Trung. Trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng, Minh thừa nhận đã sản xuất, chỉnh sửa, đăng tải video không đúng sự thật. Cùng với đó, bên cạnh những bình luận chỉ trích Hoàng Minh thì cũng xuất hiện không ít bình luận tiêu cực, mang tính chất chia rẽ, mất đoàn kết.

Là một trong những bạn trẻ thường xuyên sử dụng mạng xã hội, Hoàng Ngọc Linh (23 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, mọi phát ngôn phân biệt vùng miền đều là không thể chấp nhận và thể hiện sự thiếu hiểu biết. Nguy hiểm hơn, nhiều tài khoản không có động thái báo cáo cho nền tảng mà còn hùa theo đám đông để hào hứng công kích lẫn nhau. Điều đó tác động tiêu cực đến nhận thức của nhiều người, nhất là thế hệ mới lớn, vị thành niên.

Cần tôn trọng sự đa dạng về văn hóa, lối sống

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, những bình luận phân biệt vùng miền có thể gây chia rẽ trong cộng đồng, tạo sự căng thẳng và mâu thuẫn giữa các nhóm người dùng đến từ các địa phương khác nhau; làm rạn nứt khối đoàn kết toàn dân tộc; ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước trước bạn bè quốc tế.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng chỉ rõ, trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh văn hóa ứng xử trên không gian mạng, việc lan truyền bình luận phân biệt vùng miền có thể làm suy yếu những nỗ lực này, thậm chí có thể đẩy lùi quá trình xây dựng một môi trường mạng lành mạnh và tích cực. Ông cho rằng, nguyên nhân của thực trạng đó xuất phát từ việc nhiều người dùng mạng xã hội thiếu hiểu biết về sự đa dạng văn hóa của đất nước, bao gồm cả bản sắc và đặc điểm của các địa phương. Điều này dẫn đến việc hình thành và lan truyền những định kiến và suy nghĩ phân biệt rất tai hại. Ngoài ra, mạng xã hội thường không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến việc những thông tin không chính xác được lan truyền một cách dễ dàng, bao gồm cả các bình luận kỳ thị vùng miền.

Đồng quan điểm, TS Đặng Vũ Cảnh Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho biết, những phát ngôn phân biệt dù vô tình hay cố ý đều là hiện tượng phản văn hóa. Nếu không có sự ngăn chặn kịp thời, vấn đề này sẽ ngày càng nhức nhối, thậm chí là mang tính chất phân biệt quốc gia, chủng tộc; không chỉ làm tổn thương những “người trong cuộc”, nơi họ sinh ra, lớn lên mà vô hình chung còn làm tổn thương văn hóa dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội.

TS Đặng Vũ Cảnh Linh đề xuất, đã đến lúc cơ quan chức năng cần vào cuộc, có cơ chế xử phạt mạnh tay với những phát ngôn, hành vi phản văn hóa, gây chia rẽ vùng miền. Cùng với đó, vấn đề giáo dục nhận thức phải được thực hiện ngay từ trong gia đình, nhà trường. Cần cho thế hệ trẻ hiểu rằng, mỗi vùng đất đều có những nét văn hóa độc đáo, đáng trân trọng. Do đó, phải dừng ngay suy nghĩ phát ngôn xúc phạm văn hóa, lối sống để không có lỗi với những giá trị truyền thống mà cha ông đã để lại. “Để làm được điều này, giáo dục trong gia đình phải là “gốc”, nhà trường được coi là phần “thân” còn giáo dục xã hội được coi là “ngọn”. Cha mẹ phải làm gương cho con cái, giáo dục cho con hiểu đạo lý, biết sẻ chia, tôn trọng sự đa dạng về văn hóa, lối sống của những người đến từ những vùng quê khác”, TS Đặng Vũ Cảnh Linh nêu. 

 ĐÌNH TOÁN - NGỌC QUỲNH

Ý kiến bạn đọc