Tết giữa trùng khơi

VHO- Đây là lần đầu tiên tôi được đón Tết xa nhà và ở một nơi mà cứ mỗi lần nhắc tới là thấy lòng nghẹn lại: Trường Sa.

Tết giữa trùng khơi - Anh 1

Những chiến sĩ trẻ háo hức nhận nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa Ảnh: THUÝ HÀ

Tết ở đây không có bữa cơm đoàn viên chiều 30 với những người ruột thịt sau một năm quay cuồng với những gánh nặng, lo toan nhưng chúng tôi được ở bên các anh, những người lính Trường Sa và hơi ấm quê nhà cứ ngập tràn mãi ở Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị.

Xuân ở vùng biển đảo thiêng liêng

Để quân và dân trên quần đảo Trường Sa có một cái tết đầm ấm và ý nghĩa, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân đã tổ chức 3 đoàn công tác thay, thu quân và chúc tết quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Quà tết Kỷ Hợi 2019 gửi đến các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa đầy đủ về số lượng, phong phú về chủng loại. Bên cạnh tiêu chuẩn theo quy định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội cùng nhiều địa phương, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân tặng nhiều phần quà có ý nghĩa và giá trị cho quân, dân trên đảo.

Cùng ngồi rửa lá bàng vuông để gói bánh chưng với các chiến sĩ ở đảo Nam Yết, tôi thấy lòng mình se lại vì nhớ nhà, nhớ con. Chúng tôi hành quân trên biển mới có mấy ngày đã nhớ bờ như thế, các anh, có những người đã nhiều lần ra đảo, có những người ăn tết xong một năm nữa mới được về bờ sẽ nhớ nhà, nhớ quê đến thế nào. Bánh chưng ở đảo gói bằng lá bàng vuông, ăn thoáng có vị đắng, chát nhưng lại thơm mùi thảo dược. Thứ mùi làm tôi liên tưởng đến mùi khói bếp những ngày tết mưa phùn ẩm ướt ở miền Bắc. Lại cũng giống như hương lá mùi già mà chiều 30 tết mẹ lại đun cho tôi tắm tất niên.

Ở Trường Sa, những ngày này, “không có ngọc lan, không có hẹn hò” nhưng tình đồng đội vô cùng đầm ấm. Chỉ cần một lần thôi, được tới Trường Sa, được lên những đảo chìm, đảo nổi, được ngồi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ trên đảo sẽ thấy, trên đời thứ duy nhất còn lại là tình người, thứ lớn nhất mà bất cứ lúc nào mình cũng có thể hy sinh là Tổ quốc và sự bình yên của những người thân yêu.

Tết giữa trùng khơi - Anh 2

 Giao lưu văn nghệ ở đảo Nam Yết Ảnh: PHAN GIANG

Trên cầu cảng Sinh Tồn Đông, tôi gặp Hồ Duy Kiên. Kiên là trai Hà Nội, trong đợt thay quân này em hoàn thành nghĩa vụ và được về lại bờ. Tay khư khư ôm cây bàng quả vuông, em đi cạnh người bạn thân của mình, cả 2 đầy lưu luyến. Kiên bảo: “Em vui vì được về quê ăn Tết, cây bàng quả vuông là món quà đầy ý nghĩa mà em muốn mang về đất liền. Nó cũng sẽ nhắc nhớ đến một kỷ niệm thời tuổi trẻ được sống, làm việc trên vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc mà mãi mãi trong cuộc đời em không thể quên”.

Trong khi ngoài cầu tàu, những chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ hành quân ra tàu, chia tay đảo, chiến sĩ Nguyễn Xuân Quang (Đồng Nai) trực quan sát ở đài chỉ huy vẫn miệt mài với công việc của mình dù không quên hỏi tôi: “Chị ơi, chuyến xuồng cuối ra chưa? Trên những chuyến xuồng ấy, có đồng đội của em. Tối qua chúng em không ngủ, người đi- người ở, nhớ nhau chị ạ”. Quang ra đảo Sinh Tồn Đông từ tháng 7.2018, năm nay em ăn tết ngoài đảo, những chiến sĩ mới ra thay quân đều rất hào hứng, chờ đợi một cái Tết xa quê mà nếu chỉ là lính nghĩa vụ, có lẽ không có lần thứ 2 trên đời.

Những ngày tháng sống bên nhau, các em đã quá thân thiết, không còn ai có quê riêng nữa, dù là người Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Thuận, Phú Yên hay TP.HCM, Khánh Hòa… trên quần đảo này, chỉ còn hai tiếng Việt Nam là lúc nào cũng vang lên, cũng làm người ta thấy yêu thương, ấm áp.

Mang hơi ấm của đất liền ra Trường Sa

Đoàn công tác của chúng tôi đi trên tàu Trường Sa 571 do Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân), đại tá Trần Minh Thuần làm Trưởng đoàn. Với tôi và rất nhiều thành viên khác, được đi đoàn với một “thủ lĩnh” hành trình có tới 30 năm binh nghiệp, trong đó 22 năm công tác trong Quân chủng Hải quân với bề dày kinh nghiệm chiến đấu, hiểu rõ về biển đảo, tinh tế và sâu sắc trong cuộc sống, là một may mắn.

Đoàn chúng tôi đi tuyến đảo phía Bắc gồm các đảo: Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Thị, Song Tử Tây, Đá Nam.

Tết giữa trùng khơi - Anh 3

 Thi gói bánh chưng Tết Ảnh: PHAN GIANG

Ngay khi đoàn ở Nam Yết, có tín hiệu báo động, toàn đảo báo động tác chiến phòng không cấp 1. Nam Yết là đảo lớn. Cũng như những đảo khác, các cán bộ, chiến sĩ luôn ngày đêm huấn luyện, chắc tay súng, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những tình huống như thế này hết sức bình thường. Đại tá Trần Minh Thuần thể hiện là một người cực kỳ bản lĩnh, sáng suốt và điềm tĩnh. Anh một mặt chỉ huy anh em sĩ quan, chiến sĩ vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, quay lại chủ trì họp đoàn, anh kể những câu chuyện mà chúng tôi nghe xong, thấy lòng mình lắng lại, thấy chúng tôi thật may mắn vì được ở đây bên các anh, giữa thời khắc năm cũ và năm mới, giữa hiểm nguy và an bình, giữa yêu thương và trống vắng nhưng có một thứ không bao giờ thay đổi là sự toàn vẹn lãnh thổ và tình người giữa biển khơi.

Trở lại đảo Nam Yết, với đại tá Trần Minh Thuần, như là trở về nhà. Năm 2011 anh đã là Phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng và năm 2012 anh là Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết. Chiều cuối năm, nắng vẫn vàng nhưng buồn man mác. Ngồi giữa nghĩa trang liệt sĩ của đảo Nam Yết, dưới bóng dừa và phong ba xanh mướt, gương mặt đại tá Trần Minh Thuần như trầm tư và khắc khổ hơn. Anh gọi tên từng chiến sĩ của mình: Lại Huy Công, Đinh Thanh Bình, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Vũ Hoàng Phương. Những chàng trai 19, 20 đã hóa thân mình vào sóng nước Trường Sa, mãi mãi nằm lại đảo xa để giữ màu xanh của biển trời Tổ quốc. Năm nén hương trên tay đại tá Trần Minh Thuần bốc cháy, như niềm vui của các chiến sĩ ngày gặp lại thủ trưởng. Anh Thuần kể, những năm được đón tết trên đảo, lúc giao thừa, anh ra nghĩa trang ngồi với các chiến sĩ của mình, chuyện trò với họ, để anh em dù ở thế giới bên kia, cũng không thấy quạnh hiu.

Khi chúng tôi về sân chủ quyền trên đảo Nam Yết, ánh hoàng hôn đã buông tím trên những bóng dừa, trên cây bàng vuông hàng trăm năm tuổi. Khói bếp từ nồi bánh chưng bốc lên cay mắt. Bảy chị em trong đoàn công tác tha thướt trong tà áo dài truyền thống chuẩn bị cho đêm giao lưu văn nghệ đón xuân 2019. Tiếng chuông chùa Nam Huyên vang lên từng hồi thánh thót. Chỉ chừng đó thôi, đã thấy lòng thanh thản, đã thấy mùa xuân ở bên mình, đã thấy hơi ấm đất liền đầy ắp ở Trường Sa. 

 LẠI THÚY HÀ

Ý kiến bạn đọc