Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng:

Coi di sản là tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Sáng 17.4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Coi di sản là tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước - ảnh 1
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật  nhằm kiến tạo hành lang pháp lý để gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản trở thành tài sản, coi đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước.

Bộ trưởng cũng nêu, căn cứ để sửa đổi Luật là các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hoá và các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 Khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nghị quyết số 33 của BCH Trung ương khóa XI và Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33 về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021.

Bộ trưởng cũng cho biết, dự án Luật đã được tiếp thu các ý kiến đóng góp mà gần đây nhất là các ý kiến tại cuộc họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội vào ngày 8.4.

Việc sửa đổi Luật cũng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hoá 2001 và 15 năm thực hiện luật di sản văn hoá sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá 2009, như một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; Một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được quy định trong luật.

Coi di sản là tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước - ảnh 2
Toàn cảnh phiên họp

Ban soạn thảo cũng đã tiến hành rà soát các luật có liên quan trực tiếp với Luật Di sản văn hóa có quy định liên quan đến di sản văn hóa hoặc gián tiếp có liên quan như bộ luật Dân sự, các Luật: Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Đầu tư, Đầu tư công, Đất đai, Lâm nghiệp, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Lưu trữ..., để quy định trong Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như nội luật hóa các Công ước quốc tế, Chương trình có liên quan đến di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tương thích và thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa và di sản văn hóa.

Như vậy, Luật Di sản văn hoá sửa đổi là cần thiết, nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Việc sửa đổi Luật nhằm kiến tạo hành lang pháp lý để gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản trở thành tài sản, coi đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Về bố cục, thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết,  dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bổ sung 1 loại hình di sản văn hoá mới,  gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều).

Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua tại hồ sơ lập đề nghị Luật, trong đó hoàn thiện các quy định về chính sách của nhà nước về bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu đối với di sản văn hoá, quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, di sản văn hoá vật thể gồm di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, bảo tàng, về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành địa phương.

Coi di sản là tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước - ảnh 3
Các đại biểu dự phiên họp

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng khẳng định, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, xác định di sản văn hóa là lĩnh vực chuyên ngành nhưng tính liên ngành rộng, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, ngành quản lý, do đó, hồ sơ dự án Luật đã được Bộ VHTTDL chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan dự thảo, tổ chức các hội thảo, xin ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý, các Bộ, ngành địa phương, làm việc với các Bộ quản lý nhà nước liên quan về các nội dung có tính chất đan xen giữa Luật Di sản văn hóa với các Luật, hoàn thiện hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội.

“Sau khi Bộ trưởng Bộ VHTTDL thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình số 39/TTr-BVHTTDL ngày 29.3.2024, trình Quốc hội dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức họp phiên họp thẩm tra sơ bộ mở rộng vào ngày 8.4, Bộ VHTTDL đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý, có phương án tiếp thu, và giải trình.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại cuộc họp hôm nay, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến thẩm định của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tại phiên họp thẩm tra nêu trên, Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Ý kiến bạn đọc