Có chặn được chuyện “mạnh ai nấy đi”?

VH- Có thể nói, tình trạng cán bộ, công chức sử dụng ngân sách hoặc từ nguồn tài trợ của doanh nghiệp để đi nước ngoài chưa hợp lý khiến dư luận bức xúc. Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm, lãng phí, yếu kém trong quản lý nhà nước và cử đoàn đi nước ngoài tại một số bộ, ngành, địa phương từ 2012-2016, cơ quan này cũng yêu cầu xem xét, xử lý cá nhân, tổ chức có liên quan.

Mới nhất là vụ tỉnh Thanh Hóa dự toán kinh phí cho 3 cán bộ đi Mỹ với số tiền hơn 1,7 tỉ đồng nhưng khi báo chí lên tiếng thì mức được phê duyệt chỉ gần 700 triệu đồng. Hay như các tỉnh Bình Thuận, Cà Mau tổ chức đoàn đi nước ngoài học hỏi kinh nghiệm, công tác nhưng thành phần có cả cán bộ sắp về hưu, thân nhân cán bộ, khi bị dư luận lên tiếng phản đối buộc phải loại những người này hoặc hủy bỏ chuyến đi...

Trong một thời gian dài việc đi nước ngoài chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ nên dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy đi”, địa phương nào có điều kiện, kêu gọi được tài trợ từ doanh nghiệp là đi... Do đó, đã gây ra lãng phí, thất thoát ngân sách khá lớn, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều trường hợp dư luận nghi ngờ thực chất việc tài trợ cho cán bộ, công chức đi nước ngoài là biến tướng của hối lộ, khi nguồn tiền tài trợ đều từ các tổ chức, doanh nghiệp có dự án, làm ăn với địa phương.

Việc tổ chức cho cán bộ đi nước ngoài là cần thiết. Không chỉ để học hỏi kinh nghiệm, tham gia các hội nghị, hội thảo để xúc tiến, quảng bá thương mại, du lịch, giao kết làm ăn, mở rộng thị trường... Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm là cán bộ, công chức đi nước ngoài như thế nào để đạt được hiệu quả, gắn với công việc, mang lại lợi ích tối đa cho đất nước, doanh nghiệp.

Vì vậy, việc sớm ngăn chặn, chấn chỉnh, phát hiện, xử lý kịp thời việc tổ chức đoàn đi nước ngoài chưa hợp lý là rất quan trọng. Bởi vì, khi đã xảy ra sai phạm rồi mới vào cuộc xử lý thì khi đó vừa mất cán bộ mà ngân sách cũng đã lãng phí.

Theo chúng tôi, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc đi nước ngoài của cán bộ, công chức, kể cả sử dụng ngân sách hoặc từ tài trợ của doanh nghiệp. Theo đó, bắt buộc công khai thành phần, thời gian và kinh phí tổ chức đoàn đi công tác, làm việc ở nước ngoài để nhân dân, báo chí và cơ quan chức năng giám sát.

Khi đó, nếu có sai phạm, bất hợp lý sẽ bị lên án, ngăn chặn kịp thời, hạn chế hậu quả tiêu cực có thể xảy ra. Quy định này áp dụng cho tất cả cán bộ, công chức khi đi công tác nước ngoài, chỉ trừ cán bộ cấp cao và cán bộ ngoại giao thực thi công vụ thực hiện theo quy định riêng.

Như vậy sẽ góp phần hạn chế tình trạng các ngành, địa phương tổ chức đoàn đi nước ngoài tràn lan, kém hiệu quả và gây lãng phí ngân sách. Điều này còn góp phần ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực khi các tổ chức, doanh nghiệp lợi dụng việc tài trợ để hối lộ, lôi kéo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật.

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc