Không nên giao địa phương quyết định về cơ quan chuyên môn

VH- Bộ Nội vụ đã hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan và cá nhân.

Theo đó, chỉ có 4 sở được đề xuất tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước gồm: Sở Tư pháp, TN&MT, LĐ,TB&XH và Y tế.

Đối với các Sở, ngành còn lại dự thảo đề xuất trao thẩm quyền cho UBND trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất lại với nhau. Riêng với các Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND sẽ tổ chức thí điểm hợp nhất tương ứng với Ban Tổ chức tỉnh, Ủy ban Kiểm tra tỉnh và Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND cấp tỉnh. Đối với bốn Sở đặc thù, chuyên ngành không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương gồm: Sở Quy hoạch kiến trúc (Hà Nội và TP.HCM) và ba Sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập (Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch), Bộ Nội vụ đề xuất trao quyền để cấp tỉnh có thể xem xét, quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập…

 Việc sáp nhập, hợp nhất các sở, ngành có chức năng, nhiệm vụ trùng lắp hoặc tương tự nhằm tinh gọn bộ máy là đúng đắn, hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề còn khiến nhiều chuyên gia băn khoăn là việc trao thẩm quyền cho UBND trình HĐND quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất liệu có hợp lý?

Bài học trong quá khứ về việc giao quyền tự quyết cho các địa phương trong công tác tổ chức bộ máy, cán bộ nên đã dẫn đến tùy tiện, vô nguyên tắc kéo dài trong thời gian dài. Đó là tình trạng các địa phương thành lập quá nhiều cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ trong các sở, ngành làm bộ máy phình to. Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo, quản lý gây “lạm phát” cán bộ quản lý. Từ đó, dẫn đến hậu quả là nhiều đơn vị, địa phương số lượng cán bộ nhiều hơn nhân viên đến hiện nay vẫn chưa được khắc phục triệt để.

Mặt khác, việc trao cho HĐND địa phương quyết định cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện sẽ dẫn đến tùy tiện, khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ xuyên suốt từ trung ương đến địa phương. Khi đó sẽ xuất hiện tình trạng địa phương này giao cho sở, ngành này nhưng địa phương khác lại giao cho sở, ngành kia rất khó quản lý điều hành chung, thống nhất.

Ngoài ra, giao quyền cho địa phương nên chắc chắn các cơ quan chuyên môn ở địa phương sẽ không ổn định, thường xuyên thay đổi hợp nhất, sáp nhập làm cho bộ máy hành chính khó có thể vận hành xuyên suốt, hiệu quả. Ở nhiều nước trên thế giới, bộ máy quản lý ở cấp trung ương có thể thay đổi, sáp nhập, giải thể theo nhiệm kỳ nhưng hệ thống hành chính ở địa phương là ổn định, liên tục. Do đó, dù xảy ra khủng hoảng ở cấp trung ương, thậm chí Chính phủ bị giải tán, không hoạt động trong thời gian dài nhưng bộ máy hành chính ở địa phương vẫn hoạt động bình thường.

Vì thế, không nên giao quyền tự quyết trong việc thành lập, hợp nhất các cơ quan chuyên môn cho chính quyền địa phương. Theo đó, trung ương quy định, tiêu chí áp dụng chung, thống nhất cho cả nước về thành lập các cơ quan chuyên môn ở địa phương. Đối với một số Sở, ngành đặc thù thì tùy vào tình hình thực tế, điều kiện kinh tế - xã hội, tự nhiên, dân số… đưa ra các tiêu chí cụ thể để địa phương quyết định thành lập.

Phải quyết liệt, triệt để trong việc sáp nhập, hợp nhất bộ máy cơ quan chuyên môn ở địa phương mới hy vọng giảm được bộ máy, biên chế trong các cơ quan hành chính ở địa phương. Đặc biệt, là phải giữ cho bộ máy ổn định, hạn chế tùy tiện, cục bộ, tránh tình trạng áp đặt ý chí cá nhân, tư duy nhiệm kỳ trong việc sắp xếp bộ máy nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị ở các địa phương.

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc