Cần tổng kiểm tra, xử lý các công trình, dự án đội vốn

Tình trạng các công trình, dự án sử dụng ngân sách nhà nước đội vốn lên hàng trăm, hàng ngàn tỷ so với dự toán ban đầu đã gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

Điển hình như dự án nạo vét sông Sào Khê ở Ninh Bình từ 72 tỉ ban đầu đội vốn lên đến 2.600 tỉ, tăng hơn 36 lần hay vụ con mương ở Hà Nội dài 1,04 km đội vốn hàng trăm tỉ đồng 10 năm vẫn chưa xong...

Điều đáng nói là rất nhiều công trình, dự án ở các địa phương đội vốn. Thậm chí có chuyên gia kinh tế cho rằng gần như đa số các công trình, dự án sử dụng ngân sách nhà nước đều… đội vốn, điều chỉnh tăng vốn, có dự án không thể hoàn thành vì thiếu vốn!

Câu hỏi đặt ra là tại sao cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt, cấp vốn lại dễ dàng tăng vốn cho các công trình, dự án kém hiệu quả? Đây là vấn đề cơ quan chức năng phải có câu trả lời cụ thể, thỏa đáng cho dư luận. Bởi vì, nguồn vốn của ngân sách dành cho đầu tư phát triển khá ít ỏi, rất khó khăn. Đa số các công trình, dự án có quy mô lớn đều phải vay nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Vì vậy, nhiệm vụ rất quan trọng là phải quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý có hiệu quả vốn đầu tư phát triển. Trong đó, việc hạn chế, kiểm soát chặt chẽ tình trạng tăng vốn, đội vốn của các công trình, dự án là ưu tiên hàng đầu nhằm chống thất thoát, lãng phí và sử dụng nguồn lực hiệu quả.

Theo chúng tôi, trước hết cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành tổng rà soát, kiểm tra, thanh tra tất cả công trình, dự án đội vốn so với dự toán đầu tư ban đầu. Điều này không chỉ làm rõ nguyên nhân, lý do công trình bị đội vốn để có hướng khắc phục, chấn chỉnh, sửa đổi, bổ sung các khâu, quy trình liên quan mà còn nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chủ đầu tư, đơn vị thi công và đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật.

Quan trọng hơn, qua đó làm rõ có hay không tình trạng tiêu cực, tham nhũng dẫn đến các công trình, dự án đội vốn để có cơ sở xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Trong điều kiện nước ta còn rất nhiều công trình quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng hoặc an sinh xã hội chưa thể triển khai thực hiện vì thiếu vốn. Vì thế, không thể chấp nhận tình trạng công trình, dự án đội vốn gây thất thoát, lãng phí ngân sách kéo dài, diễn ra tràn lan, nghiêm trọng mà chưa có biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn như hiện nay.

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc