Cần chú trọng yếu tố lịch sử, phong tục tập quán

VH- Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Theo đó, những đơn vị cấp huyện, cấp xã không đủ điều kiện tiêu chí về diện tích, dân số thì phải sáp nhập.

Việc sáp nhập nhằm đảm bảo tinh gọn bộ máy, biên chế và việc đầu tư nguồn lực được tập trung, hiệu quả hơn.

Việc sáp nhập đơn vị cấp huyện, cấp xã là cần thiết, phải làm, là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào việc sáp nhập mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo tiến độ nhưng hạn chế tối đa các vấn đề tiêu cực có thể phát sinh.

Liên quan đến sáp nhập, vấn đề bố trí, sắp xếp biên chế, bộ máy hiện có, “ai đi, ai ở” là rất khó khăn, nhạy cảm... đang bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn, gây “đau đầu” cho chính quyền các cấp.

 Tuy nhiên, còn một vấn đề cũng không kém quan trọng phải giải quyết khi sáp nhập, nếu không xử lý khéo léo, thận trọng thì có thể phát sinh mâu thuẫn, ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của người dân. Đó là vấn đề lịch sử, truyền thống đặc thù, riêng biệt của từng vùng gắn liền với địa danh cấp huyện, cấp xã có từ lâu đời.

Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hiện nay bên cạnh một số mới được thành lập, chia tách sau khi đất nước giành được độc lập, thống nhất thì nhiều đơn vị cấp huyện, cấp xã đã tồn tại từ xa xưa, rất nhiều năm về trước, thậm chí có đơn vị đã có từ hàng trăm năm nay.

Do đó, việc sáp nhập các đơn vị hành chính này phải có lộ trình, cần được cân nhắc thận trọng ở nhiều khía cạnh, giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, yếu tố lịch sử, phong tục tập quán, thói quen cộng đồng của dân cư cần được quan tâm chú trọng, xem xét kỹ lưỡng.

Không nên máy móc, rập khuôn tiến hành sáp nhập một cách cơ học, cộng gộp tùy tiện. Bởi vì, có đơn vị hành chính tuy không đảm bảo tiêu chí về dân số, diện tích nhưng lại có tính đặc thù vùng miền, yếu tố truyền thống, lịch sử lâu đời… Ngược lại, nếu nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có những nét tương đồng thì có thể bỏ qua tiêu chí để sáp nhập, hình thành một đơn vị mới vẫn hợp lý.

Ngoài ra, nếu việc sáp nhập diễn ra “ồ ạt”, không theo lộ trình sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt bình thường của người dân như phải làm lại giấy tờ nhân thân, địa chỉ cư trú… nhất là ở những nơi vừa phải sáp nhập cả cấp xã lẫn cấp huyện.

Theo chúng tôi, trước mắt cơ quan chức năng nên xem xét sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã mới được chia tách, thành lập trong thời gian gần đây. Theo đó, đơn vị nào mới chia tách mới thì sáp nhập lại như cũ. Đơn vị nào có thời gian chia tách gần nhất thì sáp nhập trước và cứ như thế lùi dần về mốc thời gian trước đó.

Có như vậy, việc sáp nhập cấp huyện, xã vừa đảm bảo mục đích, yêu cầu đặt ra, vừa tránh làm xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt người dân, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tình cảm của cán bộ, nhân dân địa phương có những nét đặc thù, riêng biệt.

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc