Bảo vệ trẻ em chỉ cần một cơ quan đầu mối

VH- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chủ trì hội nghị toàn quốc với sự tham dự của 18.000 đại biểu bàn về các giải pháp bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực, xâm hại và các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trẻ em.

Điều này chứng tỏ nhiệm vụ bảo vệ trẻ em nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và toàn xã hội.

Có thể nói tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em gần đây đang gia tăng hết sức đáng lo ngại, gây hoang mang rất lớn trong dư luận xã hội... Trong khi đó, các cơ chế, biện pháp bảo vệ trẻ em tỏ ra kém hiệu quả, chế tài đối với hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em chưa nghiêm, sự vào cuộc của cơ quan chức năng chưa kịp thời...

 Trong rất nhiều nguyên nhân thì có nguyên nhân là do chúng ta có quá nhiều cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em. Có đại biểu Quốc hội cho rằng, hiện nay có đến 17 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng hiệu quả hoạt động không cao, có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm vào cuộc xử lý các sai phạm, chưa bảo vệ hiệu quả, kịp thời nạn nhân là trẻ em của các vụ xâm hại. Đặc biệt, nhiều vụ việc xảy ra nhưng không có cơ quan nào vào cuộc xử lý kịp thời và chịu trách nhiệm đối với tình trạng xâm hại trẻ em.

Điều dư luận rất bức xúc là nhiều vụ việc xâm hại trẻ em rất nghiêm trọng nhưng không có cơ quan nào lên tiếng, đứng ra xử lý hoặc có xử lý nhưng hời hợt, không quyết liệt. Vì thế nhiều vụ việc chưa được quan tâm xử lý dứt điểm, chỉ đến khi lãnh đạo cao cấp lên tiếng, yêu cầu thì vụ việc mới được giải quyết rốt ráo và có kết quả cụ thể!

Vì vậy, để bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại cần giao cho một cơ quan làm đầu mối bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực, xâm hại, có thể giao cho ngành lao động, thương binh và xã hội. Việc chỉ giao một đầu mối bảo vệ trẻ em sẽ góp phần xử lý nhanh chóng, kịp thời các vụ vi phạm xảy ra. Mặt khác, có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực, nhân lực cho cơ quan chuyên trách duy nhất, đầu mối này để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tránh dàn trải, kém hiệu quả.

Việc giao cho một cơ quan làm đầu mối và trao thêm quyền hạn cho cơ quan này sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, như vậy sẽ có cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp, cụ thể nếu tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em gia tăng. Khi đó, nếu có vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra các cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm phối hợp, xử lý vụ việc xâm hại theo thẩm quyền, đồng thời phải chịu trách nhiệm báo cáo cho cơ quan đầu mối theo dõi, chỉ đạo và kiến nghị cơ quan cấp trên xử lý nếu cần.

Ngoài ra, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, UBND cấp xã cần bố trí ngay người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách để làm đầu mối. Bởi lẽ, rất cần có cán bộ theo dõi, nắm bắt, báo cáo tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn, nhất là ở cấp cơ sở để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Có như vậy, hy vọng tình trạng xâm hại trẻ em được phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả, góp phần bảo vệ tốt hơn trẻ em- bởi đó là hạnh phúc của mỗi gia đình và tương lai của đất nước. 

ThS PHẠM VĂN CHUNG

Ý kiến bạn đọc