Tăng cường giao lưu văn hóa trong lĩnh vực thiết kế giữa Việt Nam và Italia

VHO - Ngày 26.3, Lãnh sự quán Ý phối hợp cùng Trường ĐH Văn Lang tổ chức “Italian Design Day - Ngày Thiết kế Ý” 2024. Sự kiện nhằm tăng cường giao lưu văn hóa về lĩnh vực thiết kế giữa Việt Nam và Italia.

Tăng cường giao lưu văn hóa trong lĩnh vực thiết kế giữa Việt Nam và Italia - Anh 1

Phiên hội thảo trong khuôn khổ Ngày Thiết kế Ý thu hút nhiều sinh viên

TS Nguyễn Đắc Thái, Phó khoa Mỹ thuật và Thiết kế, Trường ĐH Văn Lang cho biết, “Italian Design Day - Ngày Thiết kế Ý” 2024 (IDD 2024) là sự kiện thường niên về thiết kế được tổ chức đồng thời bởi các Đại sứ quán Ý ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, Trường ĐH Văn Lang là đơn vị được chọn để tổ chức sự kiện này trong hai năm liên tiếp kể từ năm 2023. Đây là cơ hội rất tốt cho sinh viên có thể giao lưu và trao đổi cùng các chuyên gia. 

Chương trình có sự tham dự của Tổng Lãnh sự quán Italia tại TP.HCM Enrico Padula; ông Elia Marcellini - Tham tán lãnh sự quán Italia; PGS.TS. Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang; cũng như quy tụ nhiều kiến trúc sư, chuyên gia về bảo tồn di sản kiến trúc đến từ Italia và Việt Nam, đặc biệt là sự tham gia của hơn 200 sinh viên.

Sự kiện IDD 2024 gồm hai phiên: Phiên buổi sáng gồm hội thảo và triển lãm nghệ thuật được tổ chức tại cơ sở chính Trường ĐH Văn Lang, và phiên buổi chiều tại khách sạn InterContinental do Lãnh sự quán Italia tại TP.HCM chủ trì. IDD 2024 tập trung vào 3 giá trị chính: Inclusivity (tính toàn diện), Innovation (tính đổi mới) và Sustainability (tính bền vững) trong thiết kế.

Tổng Lãnh sự quán Ý tại TP.HCM Enrico Padula bày tỏ: “Italian Design Day - Ngày Thiết kế Ý”  là hoạt động được tổ chức hằng năm ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tôi kỳ vọng IDD 2024, không chỉ giúp tiếp tục quảng bá nghệ thuật Ý đến Việt Nam mà còn thắt chặt mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thiết kế giữa hai nước, đặc biệt với Trường ĐH Văn Lang”.

Tăng cường giao lưu văn hóa trong lĩnh vực thiết kế giữa Việt Nam và Italia - Anh 2

Không gian trưng bày sản phẩm nội thất của các nhà thiết kế 

Sự kiện năm nay được bắt đầu bằng triển lãm trưng bày gần 30 sản phẩm nội thất của các nhà thiết kế (NTK) đến từ doanh nghiệp Ý và sinh viên ngành Thiết kế nội thất. Đặc biệt, không gian triển lãm này được dựng hoàn toàn bởi sinh viên, tạo điều kiện cho các bạn vận dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế.

IDD 2024 giới thiệu 7 tham luận từ các giáo sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế. Nổi bật trong số này là GS. Luca Fois - đại sứ thiết kế Ý tại Việt Nam, người nổi tiếng với những đóng góp quan trọng trong việc nâng cao tiêu chuẩn thiết kế Ý, với 2 bài nghiên cứu sâu sắc: “Giá trị hữu hình và vô hình: Biên giới mới của thiết kế” và “Thiết kế đổi mới di sản”. 

Bên cạnh đó, KTS - NTK danh tiếng Massimo Mussapi từ Ý chia sẻ quan điểm qua tham luận “Ý là một biểu tượng đồ họa”. NTK Nguyễn Hoàng Huy - nguyên Trưởng nhóm Thiết kế, Công ty Nội thất Trường Thành nêu bật chủ đề “Tính bền vững trong ngành công nghiệp nội thất” và TS Hồ Thị Thanh Nhàn - giảng viên ngành Thiết kế nội thất Trường ĐH Văn Lang, thảo luận về “Tính toàn diện trong thiết kế liên quan đến di sản tại Việt Nam: Sự đóng góp của các dân tộc thiểu số”.

Đặc biệt, trong sự kiện này, còn có hai tham luận được trình bày bởi sinh viên ngành Thiết kế nội thất Trường ĐH Văn Lang: “Đổi mới trong ứng dụng thiết kế nội thất” (nhóm sinh viên khoá 27) và “Ứng dụng vật liệu tái chế trong thiết kế nội thất” (nhóm sinh viên khoá 28). Cả hai tham luận đều nhấn mạnh vào khía cạnh đổi mới sáng tạo theo tiêu chí bền vững. Đây cũng là định hướng đào tạo của ngành Thiết kế nội thất Trường ĐH Văn Lang hướng tới nhằm mục đích phục vụ cộng đồng.

Tăng cường giao lưu văn hóa trong lĩnh vực thiết kế giữa Việt Nam và Italia - Anh 3

Với quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa hai quốc gia, IDD 2024 không chỉ đóng vai trò là một cầu nối đa phương, kết nối các chuyên gia, NTK và sinh viên, mà còn đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho các dự án thiết thực, có ích cho cộng đồng, được thực hiện bởi sự hợp tác giữa 2 quốc gia. Các dự án này không chỉ hướng tới sự phát triển bền vững của lĩnh vực thiết kế, mà còn đóng góp vào việc bảo tồn di sản văn hóa và giáo dục nghề nghiệp. 

Chia sẻ về chương trình đào tạo, TS Nguyễn Đắc Thái cho biết, không riêng gì khoa Mỹ thuật và Thiết kế và ngành Thiết kế nội thất, trong các chương trình đào tạo nói chung, Nhà trường rất chú trọng lĩnh vực bảo tồn văn hóa. 

“Trong tất cả các ngành học đều có học phần về nghiên cứu văn hóa truyền thống. Đối với ngành Thiết kế nội thất, các sinh viên có đợt đi thực tế ở các công trình kiến thức mang tính di sản văn hóa truyền thống, sau đó các bạn mang về ứng dụng trong sản phẩm thiết kế. Tiêu biểu trong các sản phẩm thiết kế lần này là hoa văn họa tiết đồng bào dân tộc thiểu số, hình khối được khai thác từ các nhóm công trình kiến trúc di sản,… được các bạn vận dụng vào sản phẩm nội thất rất tốt”, TS Thái cho hay.

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc