Lễ “đặt tên âm và lên đèn” của người Dao Thanh Hóa

Quảng Xương

VHO - Ở Thanh Hóa, người Dao Quần Chẹt sống tập trung ở các huyện Cẩm Thủy, Ngọc Lặc. Người Dao ở huyện Cẩm Thủy còn bảo tồn nhiều phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt là các nghi lễ chu kỳ đời người, trong đó có Lễ cấp Sắc.

Đây là nghi lễ quan trọng, công nhận sự trưởng thành đối với người đàn ông. Trong Lễ cấp Sắc, người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.

Người đàn ông chưa qua Lễ cấp Sắc thì dù già thì vẫn bị dân làng coi là trẻ con. Người đã qua Lễ cấp Sắc thì dù trẻ vẫn được coi là người lớn tuổi, được ngồi với các già làng để bàn bạc những công việc hệ trọng của làng, được tham gia cúng bái hoặc giúp việc cho các thầy cúng trong các cuộc cúng lễ của tư gia cũng như của cộng đồng.

Lễ “đặt tên âm và lên đèn” của người Dao Thanh Hóa - ảnh 1
Nghi lễ cấp Sắc của người Dao không thể thiếu các bức tranh

Chuẩn bị cho Lễ đặt tên âm và lên đèn trong  Lễ cấp Sắc của dân tộc Dao huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, người dân chuẩn bị thịt lợn, thịt gà, bánh giày, bị gạo, rượu, tiền đồng, bộ tranh Đại đường, vải trắng, thanh âm dương, dấu gỗ, đèn, nến, mũ, tranh đội đầu lúc múa, thuyền tượng trưng, áo choàng ngoài, hương, tiền ma, ghế ngồi cấp sắc, gậy thầy cúng, thanh kiếm, ấm rót nước cúng, hũ rượu...

Từ sáng sớm tinh mơ, khi chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vật chất cần thiết bố mẹ chàng trai đi mời thầy cúng đến để làm Lễ cấp Sắc 7 đèn đánh dấu trưởng thành cho người con trai.

Lúc này, tiếng trống, chiêng, kèn nổi lên tất cả hòa tấu thành một bản nhạc vang khắp thôn bản, xua đi những cái xấu, tà ma để rước thầy đến làm Lễ cấp Sắc, gồm 1 thầy chính và các thầy phụ.

Lễ “đặt tên âm và lên đèn” của người Dao Thanh Hóa - ảnh 2
Các thầy làm lễ xin phép để buổi lễ diễn ra tốt đẹp

Chuẩn bị vào lễ, thầy cúng thắp hương ở bàn thờ tổ, làm phép xua đuổi tà ma xấu để buổi lễ được diễn ra tốt đẹp. Trống, chiêng, chuông bắt đầu nổi lên, mùi hương nồng ấm lan tỏa khắp nhà, những bức tranh rực rỡ sắc màu mang lại vẻ uy nghi, đàn lễ tươm tất… đã tạo nên một không gian thiêng.

 Thầy cúng cầm que tre đi vòng quanh và đứng đằng sau người thụ lễ, tay cầm ít tiền giấy đưa đi đưa lại, rồi vứt tiền qua sau lưng và quay mặt ra cửa làm lại động tác này. Phần tiền còn lại thì đặt lên lưng người thụ lễ.

Thầy vừa cúng vừa lấy hai tay bắt chéo trước đầu gối, ngửa ngược lòng bàn tay ra phía trước, cúi khom người nhảy lò cò một chân quanh người thụ lễ. Quá trình nhảy với tốc độ chậm, rồi thầy đứng sau người thụ lễ giơ hai tay lên phía đầu người ấy bắt quyết, làm phép tẩy rửa những gì không tốt.

Thầy cúng phụ mang lọ nhang giao cho thầy để thầy đặt lên bàn thờ trước khi giao cho người thụ lễ. Tiếp đó, thầy cả thực hành nghi lễ xin tên âm cho người thụ lễ.

Lễ “đặt tên âm và lên đèn” của người Dao Thanh Hóa - ảnh 3
Các nghi lễ luôn được diễn ra với sự thành kính, cẩn trọng

Thầy cúng đặt và viết tên thiêng của người chịu lễ lên bàn cúng để xin sự chứng nhận của các thần, thánh. Đây là lễ báo cáo với các thần linh, tổ tiên về việc đặt tên thứ hai (tên âm) cho người con trai trong dòng tộc được ghi vào gia phả.

Khi qua đời, con cháu sẽ cúng giỗ theo tên âm, lễ vật gồm có gạo, tiền đồng, áo rồng và mũ của người thụ lễ, đạo sắc cho người thụ lễ, đèn, nến. Việc đầu tiên là thầy cả khấn và trao áo rồng, mũ cho người thụ lễ, người thụ lễ quỳ lạy trước đàn lễ và bàn thờ tổ tiên.

Lễ “đặt tên âm và lên đèn” của người Dao Thanh Hóa - ảnh 4

Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương

Các thầy cúng vừa đi vòng quanh vị trí ngồi của người thụ lễ. Khi đi vòng quanh vị trí ngồi của người thụ lễ, 3 ông thầy làm động tác lắc chuông còn cha của người thụ lễ đi sau gõ 2 mảnh cháo.

Sau khi đi hết một vòng, cả ba người cùng đi vòng ngược lại một vòng nữa. Sau đó, thầy cả chính thức đánh 2 mảnh cháo xin tên âm cho người thụ lễ. Tên này được chọn không trùng với tên của người trong họ.

Sau khi thầy cúng xin âm dương tìm sự đồng ý của tổ tiên và thần linh cho tên mà gia đình chọn, tiếp theo là lễ lên đèn. Người thụ lễ được soi sáng bằng 3 ngọn đèn và 7 ngọn đèn. Người thụ lễ ngồi trên ghế cúng, lúc này 3 trẻ trai không chung bàn thờ tổ với người thụ lễ, cầm 3 ngọn đèn đứng vòng quanh phía sau.

Thầy cúng đọc bài cúng cấp 3 đèn xong, thì tiếp luôn cấp 7 đèn. Bảy bé trai đứng vòng quanh phía sau người thụ lễ cầm 7 ngọn đèn. 7 thầy cùng nhảy múa vòng quanh người thụ lễ. Thầy cả vừa múa vừa phép, thầy hai đọc các đạo sắc, những điều thề nguyện và điều răn dạy.

Tất cả mọi người những ai có mặt trong Lễ cấp Sắc đều hòa mình vào điệu múa chuông trong tiếng chiêng, trống, kèn rộn rã, tiếng những quả chuông lắc ở tay rất nhịp nhàng với tiết tấu dồn dập làm cho không khí vui nhộn cùng điệu múa tiễn đưa khỏe mạnh. Sau khi phần vui hội thể hiện gần hết các nội dung như thổi kèn, múa chuông...

Ý kiến bạn đọc